Chính quyền Biden sẽ không 'độc hành' trong vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Joe Biden cần xác định lại cách thức đối phó với Triều Tiên sau gần 4 năm 'xáo trộn' dưới thời chính quyền Donald Trump, trong đó bắt tay với các đồng minh châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng.

Chính quyền Donald Trump đã chọn phương thức ngoại giao không theo thông lệ với Triều Tiên, trong đó sự nhấn mạnh vào mối quan hệ cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo và cách tiếp cận “độc hành” mà không tham vấn với các bên liên quan.

Cách tiếp cận này dù dẫn tới 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng không đem lại những kết quả có ý nghĩa về việc cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Joe Biden sẽ có cách tiếp cận về hồ sơ Triều Tiên khác với chính quyền Donald Trump. Ảnh: CNN

Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Joe Biden sẽ có cách tiếp cận về hồ sơ Triều Tiên khác với chính quyền Donald Trump. Ảnh: CNN

Tổng thống Joe Biden, người tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1 vừa qua, sẽ phải đối mặt với một Triều Tiên đã thất vọng về những đường lối “ngoại giao thất bại” và muốn tiếp tục mở rộng kho tên lửa và hạt nhân của mình.

Naoko Aoki, Giáo sư trợ giảng tại Đại học Mỹ, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu an ninh và quốc tế Đại học Maryland, cho rằng, để có thể đem lại cơ hội tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden cần phải phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản trong bất cứ tiến trình ngoại giao nào trong tương lai.

Sự hợp tác của Trung Quốc cũng là điều cần thiết do vai trò quan trọng của nước này trong vấn đề Triều Tiên.

Theo bà Aoki, Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ không lặp lại các cuộc đàm phán ngoại giao “kiểu Trump”. Ông từng tuyên bố sẽ chỉ sẵn lòng gặp ông Kim Jong-un nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sẽ không còn “bánh xe tự do” như thời Donald Trump

Hiện chưa rõ Triều Tiên sẽ sẵn lòng chấp nhận cách thức đàm phán nào với phía Mỹ sau khi ông Trump rời nhiệm sở.

Triều Tiên thích cách tiếp cận của ông Trump, nhấn mạnh vào sự tương tác cá nhân giữa 2 nhà lãnh đạo và tránh các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vốn cần thiết cho các chi tiết cụ thể.

Ông Kim Jong-un vốn hy vọng phong cách “bánh xe tự do” của ông Trump – không tập trung vào các cuộc đối thoại cấp thấp hơn – có thể đem lại những kết quả có lợi cho Triều Tiên.

Phương thức ngoại giao của ông Trump với Triều Tiên chỉ đem lại nhiều tuyên bố mập mờ, trong khi không đạt được các kết quả phi hạt nhân hóa một cách cụ thể.

Dù Triều Tiên không loại trừ con đường ngoại giao với chính quyền mới ở Washington, nước này cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn Mỹ phải nhượng bộ.

Tại đại hội lần thứ 8 của đảng Lao động Triều Tiên đầu tháng 1/2021, ông Kim Jong-un coi Mỹ là “kẻ thù lớn nhất” của Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để thiết lập mối quan hệ song phương mới là Mỹ phải xóa bỏ “chính sách thù địch”.

Cụm từ này đề cập tới một loạt biện pháp mà Triều Tiên mong muốn, trong đó bao gồm cả việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn.

Triều Tiên cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi những thành tựu cả về số lượng và chất lượng trong lực lượng hạt nhân và hệ thống vũ khí của nước này, với một danh sách chi tiết về các vũ khí phức tạp mà nước này đang phát triển, trong đó có các vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn.

Theo bà Naoko Aoki, Triều Tiên có lẽ đang tin rằng thời gian có lợi cho họ. Việc có thêm càng nhiều vũ khí không chỉ đem lại thêm nhiều biện pháp bảo vệ đất nước mà còn tạo đòn bẩy lớn hơn cho Triều Tiên trong bất cứ cuộc đàm phán ngoại giao nào trong tương lai.

Đảo ngược các quyết định của người tiền nhiệm?

Một lựa chọn mà ông Biden sẽ sớm phải đối mặt trong nhiệm kỳ tổng thống là có đảo ngược cam kết mà ông Trump đã đưa ra sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singpore hồi tháng 6/2018 hay không.

Ông Trump khi đó tuyên bố dừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn – điều mà Triều Tiên coi là mang tính khiêu khích – cho dù không có sự nhượng bộ nào đổi lại từ Triều Tiên.

Nếu Mỹ khôi phục các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, Triều Tiên có thể coi đây như cái cớ cho bất cứ động thái nào trong tương lai.

Một quyết định dễ dàng hơn cho ông Biden, phù hợp với chính sách ngoại giao nói chung của ông, là tham vấn chặt chẽ với các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề an ninh nói chung và mối đe dọa Triều Tiên nói riêng.

Hàn Quốc đã rất bất ngờ khi ông Trump tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn mà không tham vấn trước với nước này. Nhật Bản cũng lo ngại Mỹ sẽ giảm quy mô hoặc thậm chí rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc – động thái có thể ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản.

Bà Naoko Aoki cho rằng, để đảm bảo sự ổn định của khu vực, Mỹ cần tham vấn chặt chẽ hơn với các đồng minh về hình thức đàm phán với Triều Tiên và những nhượng bộ có thể ảnh hưởng tới họ trong bất cứ chính sách ngoại giao nào trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng sẽ cần tới sự hợp tác từ Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, bất chấp sự lạnh nhạt trong mối quan hệ nói chung giữa Washington và Bắc Kinh.

Dù Mỹ và Trung Quốc bất đồng về mối đe dọa Triều Tiên, hai bên đã từng đưa ra một cách tiếp cận phối hợp về vấn đề này, dù còn nhiều hạn chế.

Vai trò của Trung Quốc là không thể bỏ qua, bởi nước này sẽ vẫn là đồng minh chính trị, đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên, nắm giữ chìa khóa cho bất cứ giải pháp ổn định nào về vấn đề Triều Tiên./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Channel News Asia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-quyen-biden-se-khong-doc-hanh-trong-van-de-trieu-tien-833200.vov