Chính quyền càng trì hoãn sửa sai, bức xúc người dân bị thu hồi đất càng tăng cao

Giải quyết bồi thường không đúng quy định của pháp luật, khiếu nại của người dân là có cơ sở. Thế nhưng yêu cầu điều chỉnh, thực hiện bồi thường theo đúng quy định của Bộ TN&MT vẫn chưa được UBND TP.Đà Nẵng thực thi khiến người dân thêm bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

“Biến” đất dân thành đất công

Vụ việc được đề cập là trường hợp nhà đất của hai anh em ông Lê Thành Thương và Lê Cao Thôi tại tổ 37 Thủy Tú, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu - nay thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú. Hai thửa đất số 69A diện tích 700m2 đất thổ cư và thửa số 69D diện tích 1.430m2 (gồm 500m2 đất ở và 930m2 đất màu) có nguồn gốc phân chia di sản thừa kế từ cha là ông Lê Cao Tuất và mẹ là bà Đặng Thị Mót khai phá sử dụng từ trước năm 1975, có đăng ký đất đai theo Chỉ thị 299/TTg.

Cụ thể, khu đất ông Lê Cao Thôi khiếu nại có diện tích 794,9m2. Theo bản đồ và Sổ đăng ký ruộng đất lập năm 1985 khi thực hiện Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện hộ bà Đặng Thị Mót là chủ sử dụng thửa đất số 69A, tờ bản đồ số 8, diện tích 700m2, loại đất ở. Và theo báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, trước đây trên thửa đất có nhà cấp 4, cây cối, hoa màu, năm 2006 ngôi nhà bị sập do bão số 6.

Đất chưa được UBND TP. Đà Nẵng thực hiện bồi thường theo quy định nhưng chủ đầu tư đã triển khai xây dựng đang khiến người dân thêm bức xúc, hệ lụy khó lường rất có thể xảy ra.

Còn khu đất ông Lê Thành Thương khiếu nại có diện tích 1.961,2m2. Theo bản đồ và Sổ đăng ký ruộng đất lập năm 1985 khi thực hiện Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện hộ bà Đặng Thị Mót là chủ sử dụng thửa đất số 69D, tờ bản đồ số 8, diện tích 1.430m2 gồm: 500m2 đất ở và 930m2 đất màu. Và theo thông tin từ UBND phường Hòa Hiệp Bắc, trên thửa đất này trước đây có nhà cấp 4, cây cối, hoa màu, năm 2006 ngôi nhà bị sập do bão số 6.

Vào năm 2004, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 31058/QĐ-UB thu hồi 4.016.422m2 đất tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, cho Công ty Cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp FBS đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủy Tú.

Theo đó, năm 2005, Ban giải tỏa các dự án đầu tư xây dựng số 3 lập Biên bản kiểm định khối lượng, chất lượng nhà ở tài sản có nhà cửa, vật kiến trúc và cây cối, hoa màu bị giải tỏa đối với hộ ông Lê Cao Thôi và ông Lê Thành Thương để xây dựng Khu đô thị mới Thủy Tú .

Đến năm 2009, Khu đô thị sinh thái Thủy Tú đổi chủ đầu tư, theo đó UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2963/QĐ-UBND thu hồi đất, trong đó có phần đất của hộ ông Thôi và Thương để giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam thuê thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Thủy Tú. Đến năm 2010, điều chỉnh tên dự án là Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú.

Phần đất hộ ông Thôi, ông Thương bị thu hồi để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú có nguồn gốc sử dụng từ trước năm 1975, đã kê khai đăng ký và có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất lập năm 1985 khi thực hiện Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, với mục đích sử dụng rõ ràng, ranh giới ổn định, không tranh chấp, không lấn chiếm, trên đất có nhà ở. Theo quy định, hộ ông Thôi và ông Thương phải được bồi thường toàn bộ diện tích đất thu hồi, gồm đất ở và đất vườn trong cùng khuôn viên thửa đất, cũng như nhà, công trình xây dựng. Tuy nhiên, do xác định sai chủ sử dụng đất nên năm 2011 UBND quận Liên Chiểu ban hành Quyết định thu hồi mà không bồi thường. Cụ thể, đất của hộ ông Thôi, ông Thương sử dụng nhưng lại xác định là đất công, do UBND phường Hòa Hiệp Bắc quản lý.

Lỗi ở cơ quan Nhà nước

Quá bức xúc, gia đình ông Thôi và ông Thương vác đơn kêu cứu, khiếu nại khắp nơi từ địa phương đến các cấp Trung ương. Khiếu kiện kéo dài nhiều năm, UBND quận Liên Chiểu mới nhận sai bằng quyết định điều chỉnh lại chủ sử dụng đất bị thu hồi từ đất công do UBND phường Hòa Hiệp Bắc thành đất của hộ ông Thôi (2018) và ông Thương (năm 2017). Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng giải quyết hỗ trợ 100% giá đất ở, hỗ trợ 100% giá đất trồng cây hàng năm.

Như vậy, việc thu hồi đất của hộ ông Thôi, ông Thương kéo dài từ năm này qua năm khác là do lỗi của cơ quan Nhà nước trong việc xác định sai chủ sử dụng đất thu hồi để ban hành quyết định không bồi thường về đất, làm khiếu kiện kéo dài. Thế nhưng khiếu kiện chưa dừng lại ở đó khi cơ quan chức năng vẫn giữ nguyên đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất theo Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 24/12/2009 của UBND TP. Đà Nẵng.

Liên quan việc áp giá bồi thường không đúng thời điểm thực hiện, ngày 8/4/2020, Quyết định 891 và 892/QĐ-BTNMT về việc giải quyết khiếu nại của Thôi và ông Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường nêu rõ, việc UBND TP. Đà Nẵng giải quyết hỗ trợ 100% giá đất ở, hỗ trợ 100% giá đất trồng cây hàng năm và giữ nguyên đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất theo Quyết định số 35/2009/QĐ-UBND ngày 24/12/2019 của UBND TP. Đà Nẵng là chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Qua đó, Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định điều chỉnh theo hướng bồi thường toàn bộ diện tích 794,9m2 đất thu hồi, gồm 700m2 đất ở và 94,9m2 đất vườn cho hộ ông Lê Cao Thôi theo đúng quy định của pháp luật, giá đất để tính bồi thường được áp dụng theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ. Bồi thường về nhà, công trình xây dựng theo quy định.

Tương tự, trên cơ sở công nhận khiếu nại của ông Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định điều chỉnh theo hướng bồi thường toàn bộ diện tích 1.961,2m2 đất thu hồi, gồm 500m2 đất ở và 1.461,2m2 đất vườn cho hộ ông Thương theo đúng quy định của pháp luật, giá đất để tính bồi thường được áp dụng theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ. Bồi thường nhà, công trình xây dựng theo quy định. Bố trí tái định cư theo phương án bố trí tái định cư các hộ giải tỏa dự án Khu đô thị sinh thái Quan Nam - Thủy Tú đối với toàn bộ diện tích 1.961,2m2 đất thu hồi.

Thế nhưng hơn 8 tháng qua, các Quyết định của Bộ Tài nguyên & Môi trường vẫn không được thực thực hiện. Nguyên nhân chính là do Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng không chấp hành chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng.

Cụ thể, ngày 2/7/2020, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Thanh tra và các đơn vị liên quan của TP. Đà Nẵng sớm nghiên cứu để tham mưu UBND TP. Đà Nẵng thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên cho đến 23/11/2020, Sở TN&MT vẫn không thực hiện việc báo cáo.

Và việc chậm trễ này của UBND TP. Đà Nẵng không những khiến cho người dân thêm bức xúc, mà hệ lụy mất an ninh trật tự cũng bắt đầu xuất hiện. Mới nhất, trong khi đất của hộ ông Thôi chưa được giải quyết bồi thường theo quy định nhưng chủ đầu tư dự án đã ngang nhiên đưa phương tiện vào san lấp, làm đường, vỉa hè và cây xanh… Hàng rào, biển cảnh báo trên đất bị phá bỏ, hành vi xâm phạm tài sản hợp pháp của người dân của chủ đầu tư là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy, nếu tình hình tiếp tục kéo dài, UBND TP. Đà Nẵng vẫn trì hoãn thì hệ lụy sẽ khó lường.

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-cang-tri-hoan-sua-sai-buc-xuc-nguoi-dan-bi-thu-hoi-dat-cang-tang-cao-post109411.html