Chính quyền Thái Lan khó xử trước phong trào biểu tình chống hoàng gia

Thái Lan đã nhiều lần có biểu tình diện rộng, dẫn đến đàn áp hay đảo chính. Nhưng biểu tình lần này có tính chất khác hẳn, khi nhắm thẳng vào hoàng gia.

Lần này, hệ thống chính trị Thái Lan gặp phải vấn đề lớn hơn. Phong trào biểu tình của các sinh viên không đòi quyền lực, thay vào đó muốn thay đổi căn bản hệ thống hiện tại, vốn đã chứng kiến 20 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1932, theo Bloomberg.

Người biểu tình cũng không ngại phê phán hoàng gia, vốn là lực lượng nền tảng giữ vững hệ thống hiện nay. Việc thảo luận về hoàng gia vốn bị coi là cấm kị ở Thái Lan, và hình phạt cho tội xúc phạm hoàng gia có thể lên tới 15 năm tù.

 Cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay nhắm vào người biểu tình ở thủ đô Bangkok đêm 16/10. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay nhắm vào người biểu tình ở thủ đô Bangkok đêm 16/10. Ảnh: Reuters.

Phản đối kinh tế trì trệ, sự xa xỉ của hoàng gia

Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đang khó xử trước phong trào biểu tình này. Chính phủ của ông đã ra lệnh cấm tụ tập đông người, bắt giữ các lãnh đạo biểu tình, và có các biện pháp nhằm “ngăn sự xúc phạm” đối với hoàng gia.

Khoảng 51 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình tuần qua, theo các luật sư nhân quyền ở Thái Lan.

Người biểu tình đã tụ tập với số lượng lớn bất chấp lệnh cấm vào tối 15/10 và quyết tâm duy trì biểu tình.

 Phong trào biểu tình của các sinh viên bắt đầu từ tháng 3 năm nay, bao gồm yêu cầu Thủ tướng Prayuth từ chức. Ảnh: Reuters.

Phong trào biểu tình của các sinh viên bắt đầu từ tháng 3 năm nay, bao gồm yêu cầu Thủ tướng Prayuth từ chức. Ảnh: Reuters.

Giờ đây, chính phủ có thể sẽ mạnh tay hơn, dẫn đến những lo ngại về một cuộc trấn áp gây thương vong như từng xảy ra ở Thái Lan các năm 1973, 1976, 1992, 2010 - nhất là khi các nhóm trung thành với hoàng gia tổ chức lại để phản đối những nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ.

Ngay cả khi đàn áp được biểu tình, giới chức cũng vẫn phải tìm cách ngăn chặn thảo luận trên mạng xã hội và giải quyết các bất bình về cách biệt giàu nghèo, lạm dụng quyền lực vốn châm ngòi cho biểu tình.

“Vì phong trào này bắt đầu trên mạng xã hội, đà của phong trào vẫn sẽ còn đó”, Titipol Phakdeewanich, Trưởng khoa chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani ở đông bắc Thái Lan, nói.

Ông nói sẽ có các lãnh đạo biểu tình khác sau khi những người hiện tại bị bắt giữ, và chiến lược của chính quyền có thể phản tác dụng, khiến càng nhiều người xuống đường.

 Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Phong trào biểu tình cũng thể hiện bất bình vì cách biệt giàu nghèo quá lớn và nhiều năm liên tiếp kinh tế trì trệ, giờ càng đi xuống vì dịch bệnh. Ngân hàng Thế giới hồi tháng 3 cho biết số người Thái sống trong đói nghèo đã tăng trong những năm gần đây, trong khi Ngân hàng Thái Lan nghiên cứu cho thấy 36% cổ phần các doanh nghiệp tập trung trong tay chỉ 500 người.

Sự lãng phí, xa xỉ của hoàng gia đang trở thành chủ đề gây bức xúc, và người biểu tình đòi hỏi kiểm soát chặt hơn tài sản của hoàng gia, hiện có những bất động sản lớn ở trung tâm Bangkok cũng như cổ phần đáng kể trong những công ty đại chúng lớn nhất Thái Lan.

Người biểu tình cũng kêu gọi kiểm soát chặt hơn việc chi tiền thuế của dân cho lối sống của quốc vương. Họ hô vang “tiền thuế của chúng tôi” và giơ ba ngón tay - biểu tượng của phong trào - khi đoàn xe của hoàng hậu đi qua.

 Cảnh sát chống bạo động ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Cảnh sát chống bạo động ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Chính sách Quốc tế (ISIS) thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nhận định nhiều người trẻ xuống đường vì không thấy tương lai kinh tế và có “những bất mãn hợp lý” về cách đất nước vận hành theo hệ thống như thời Chiến tranh Lạnh - trao nhiều quyền lực cho quân đội, hoàng gia, tư pháp.

“Nếu hỏi ai đứng sau họ, thì chính là những bất mãn”, ông nói. “Chấm dứt những bất mãn đó đòi hỏi phải thỏa hiệp, thay đổi và cải cách. Chúng ta chưa thấy điều đó - mà chỉ thấy điều ngược lại”.

Đòi hỏi của người biểu tình

Dù không có nhóm chính trị nào đứng đằng sau, phe ủng hộ dân chủ trong Quốc hội Thái Lan đã lên án các biện pháp trấn áp biểu tình. Đảng đối lập lớn nhất, Pheu Thai, ra thông cáo yêu cầu chính phủ ngay lập tức gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, thả lãnh đạo biểu tình. Một nhóm đối lập khác dự định bảo lãnh cho những người bị bắt.

Từ trước đó, các nhóm đối lập ở Thái Lan cũng có các nỗ lực viết lại Hiến pháp - cũng là một trong những đòi hỏi của phong trào biểu tình. Các đòi hỏi khác bao gồm Thủ tướng Prayuth từ chức, cũng như một số thay đổi để tăng trách nhiệm giải trình của hoàng gia đối với 69 triệu người Thái.

 Người biểu tình bật đèn điện thoại trong cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Người biểu tình bật đèn điện thoại trong cuộc biểu tình ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Chính phủ Thái Lan đã nói sẵn sàng có những thay đổi nhất định đối với Hiến pháp, vốn được soạn bởi một ủy ban do quân đội chỉ định nhằm giúp ông Prayuth ở lại nắm quyền sau bầu cử năm ngoái.

Nhưng liên minh chiếm đa số của ông Prayuth đã trì hoãn lời hứa trên. Theo Bloomberg, giới chức Thái Lan đã có “truyền thống” ngăn cản các nỗ lực cải cách trao quyền cho các lãnh đạo dân cử, và giới phân tích hoài nghi lần này chính quyền cũng sẽ trì hoãn cho tới khi cơn giận dữ hiện tại nguôi đi.

“Chính phủ có thể sẽ dùng lời hứa sửa đổi hiến pháp và trưng cầu dân ý để câu giờ và đợi tới khi người biểu tình nản chí, rồi trên thực tế không có mấy thay đổi”, Paul Chambers, từ Đại học Naresuan, người viết nhiều về quân đội Thái Lan, nói.

Trong khi đó, ông Prayuth không có dấu hiệu sẽ từ chức như yêu cầu của người biểu tình. Người biểu tình cũng đòi hỏi cấm nhà vua ủng hộ các cuộc đảo chính, và đòi hỏi bãi bỏ luật “lese majeste” cấm xúc phạm hoàng gia.

 Người biểu tình giơ ba ngón tay khi ngồi trên một xe cảnh sát ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Người biểu tình giơ ba ngón tay khi ngồi trên một xe cảnh sát ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: AFP.

Kevin Hewison, chuyên gia về chính trị Thái Lan và giáo sư tại Đại học North Carolina - Chapel Hill, cho biết đụng độ có thể xảy ra khi chính quyền Prayuth không có dấu hiệu sẵn sàng thỏa hiệp.

“Chính phủ có thể nghĩ rằng nếu họ bắt giữ vài người, cho họ vào tù, loại đi vài lãnh đạo là sẽ đủ”, ông nói với Bloomberg.

“Nhưng như vậy có thể không đúng với biểu tình lần này. Tôi thấy các em gái 15 tuổi mặc đồng phục trèo qua rào chắn và đứng trước cảnh sát - đó là cảnh tôi chưa từng thấy ở Thái Lan”.

Đoàn xe hoàng hậu Thái Lan đi ngang qua đoàn biểu tình Người biểu tình hô vang các khẩu hiệu yêu cầu cải cách khi đoàn xe của nhà vua và hoàng hậu Thái Lan đi qua.

Trọng Thuấn
Theo Bloomberg

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-quyen-thai-lan-kho-xu-truoc-phong-trao-bieu-tinh-chong-hoang-gia-post1142910.html