'Chính quyền Trump cho phép các công ty Mỹ sử dụng WeChat ở Trung Quốc'
Theo trang Bloomberg, chính quyền Trump báo hiệu rằng các công ty Mỹ có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng nhắn tin WeChat ở Trung Quốc.
Theo Bloomberg, các quan chức chính quyền cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, cố vấn kinh tế Larry Kudlow, cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger đã gặp nhau hôm thứ 18.8 để thảo luận về lệnh cấm WeChat. Họ đã liên hệ với một số công ty và nhận thấy rằng tác động của lệnh cấm hoàn toàn với WeChat có thể tàn phá công nghệ, việc bán lẻ, trò chơi, viễn thông của Mỹ.
Thế nên, các quan chức này đã liên hệ với các công ty Mỹ, gồm cả Apple, để trấn an rằng họ vẫn có thể giao dịch kinh doanh với WeChat ở Trung Quốc.
Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, nói rằng nhóm của ông đang "nói chuyện với tất cả những người sẽ lắng nghe chúng tôi... WeChat giống như điện vậy. Bạn sử dụng nó ở mọi nơi". Nhóm này đang vận động hành lang thay mặt cho các công ty như General Motors và Walmart, đồng thời cố gắng để Tổng thống Trump hủy bỏ lệnh cấm WeChat với các công ty Mỹ.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, các quan chức chính quyền Trump đang hướng tới việc cấm một phần WeChat. Về mặt lý thuyết, điều đó sẽ ngăn cản việc tải xuống hoặc cập nhật WeChat ở Mỹ nhưng vẫn cho phép các công ty như Apple cung cấp ứng dụng này trên App Store Trung Quốc. Động thái như vậy dù tốt hơn lệnh cấm hoàn toàn nhưng vẫn sẽ cắt đứt khả năng giao tiếp của người dùng iPhone ở Mỹ và Trung Quốc qua WeChat trừ khi họ đã tải xuống ứng dụng trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Các quan chức hy vọng WeChat sẽ không biến mất hoàn toàn ở Mỹ mà mục đích của họ là cấm bất kỳ ai tải xuống hoặc cập nhật ứng dụng trong nước này. Lệnh cấm một phần WeChat có thể có nghĩa là các công ty như Apple có thể cung cấp nó trong các cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốcvà các doanh nghiệp như Starbucks có thể tiếp tục bán cà phê hoặc chấp nhận thanh toán qua ứng dụng này ở nước đông dân nhất thế giới.
Apple, Bộ Tài chính Mỹ, Nhà Trắng và Tencent đều từ chối hoặc không bình luận về thông tin của Bloomberg.
Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance và Tencent, công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày tới. Theo đó, người Mỹ không được thực hiện giao dịch kinh doanh với TikTok và WeChat thuộc Trung Quốc từ sau ngày 20.9. Điều đó có nghĩa là TikTok và WeChat sẽ bị đóng cửa nếu không bán lại cho công ty Mỹ.
WeChat là “cây cầu” kỹ thuật số hiếm hoi liên kết Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, khi chính quyền nước này thiết lập hệ thống tường lửa và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Sinh viên, lao động nhập cư, cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài đều giữ liên lạc với gia đình, người thân thông qua WeChat.
Vì thế, nhiều người lo ngại “cây cầu” này đứng trước nguy cơ sụp đổ. Lý do vì sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể khiến WeChat bị gỡ khỏi kho ứng dụng Apple và Google ( App Store và Play Store).
Khi được hỏi rằng liệu có lo ngại rằng lệnh cấm sâu rộng về các giao dịch với WeChat có thể ngăn Apple bán iPhone ở Trung Quốc không, Trump không bày tỏ lo lắng. “Tôi làm những gì tốt về mặt an ninh của đất nước chúng ta”, ông tuyên bố.
Dù vậy, một số công ty lớn của Mỹ, gồm cả Apple và Disney, đã lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ việc bị cấm giao dịch với WeChat. Các chuyên gia cảnh báo lệnh cấm WeChat có thể làm hạn chế nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ ở Trung Quốc. Chẳng hạn, doanh số iPhone có thể giảm 30% trên toàn cầu nếu lệnh cấm buộc Apple phải gỡ WeChat khỏi App Store. Lý do WeChat là siêu ứng dụng phải có ở Trung Quốc đại lục với khoảng 1 tỉ người sử dụng tại đây.
WeChat (hay Weixin) được tạo ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Dự án của Tencent ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc vào tháng 10.2010. Với WeChat, người dùng có thể trò chuyện, chơi game, mua sắm, đọc tin tức, trả tiền cho bữa ăn và đăng các suy nghĩ cũng như hình ảnh của mình. Thậm chí, họ còn đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc nộp đơn ly dị trực tuyến thông qua WeChat.
Theo kết quả cuộc khảo sát trên mạng xã hội WeChat gần đây, có tới 95% trong số 1,2 triệu người cho biết sẽ không dùng iPhone mà chuyển sang xài smartphone chạy Android chứ không từ bỏ WeChat.
Hôm 12.8, Pony Ma Huateng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tencent, đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa Weixin ở Trung Quốc đại lục và WeChat dành cho thị trường nước ngoài, tương tự như Douyin và TikTok của ByteDance.