Chính quyền TT Trump chĩa nhiều mũi nhọn cứng rắn với Trung Quốc
Một số quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ đang có những động thái cứng rắn hơn với Trung Quốc trên nhiều mặt như kinh tế, ngoại giao, khoa học, khiến hai bên càng xa cách.
Tuần này, các cố vấn Nhà Trắng đã vận động Tổng thống Trump ra sắc lệnh cấm quỹ đầu tư lương hưu của chính phủ đầu tư thêm vào các công ty Trung Quốc, động thái có thể làm đảo lộn dòng tiền xuyên Thái Bình Dương.
Ông Trump ngày 1/5 cũng tuyên bố sẽ giới hạn việc sử dụng trong lưới điện ở Mỹ các thiết bị điện có liên quan tới “nước đối thủ”, ám chỉ Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ cũng chấm dứt các khoản tiền tài trợ cho các phòng lab nghiên cứu virus ở Vũ Hán, Trung Quốc, và sẽ rà soát các hoạt động hợp tác khoa học mà Đại học Texas đang thực hiện ở đó.
Một số cố vấn, dẫn đầu là Ngoại trưởng Mike Pompeo, trước đó đã yêu cầu tình báo Mỹ tiếp tục tìm bằng chứng ủng hộ giả thuyết chưa có căn cứ rằng đại dịch là do một sai sót nào đó trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Giữa bối cảnh dịch bệnh lan rộng ở Trung Quốc đầu năm nay, rồi sang Mỹ, mâu thuẫn lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và đang tạo cơ hội cho những nhân vật cứng rắn ở cả Washington và Bắc Kinh đẩy nhanh xa rời trong các mặt quan trọng nhất của quan hệ hai nước.
Giai đoạn mới hoàn toàn trong quan hệ Mỹ - Trung
Hai bên đã có cuộc chiến thông tin gay gắt về dịch bệnh, nhưng các nỗ lực mới của chính quyền Trump nói trên mạnh bạo hơn so với trước, và cùng lúc trên nhiều lĩnh vực. Đó là phản ứng lại những gì mà chính quyền Trump coi là sự “gây hấn” trước của Trung Quốc: chiến dịch tuyên truyền tin giả vào Mỹ, hoạt động quân sự gia tăng ở Biển Đông, theo New York Times.
Việc chính quyền Trump tăng cường chỉ trích Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tháng 11 năm nay.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thận trọng. Mỹ, nơi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và đã cướp đi 64.000 sinh mạng, sẽ cần dựa vào kinh tế châu Á để giữ vững cho kinh tế của chính mình. Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ thoát khỏi phong tỏa và suy thoái kinh tế sớm hơn Mỹ. Mỹ cũng cần dựa vào Bắc Kinh làm đúng thỏa thuận tương mại ký vào tháng 1 vừa qua, bao gồm mua thêm hàng của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát mạng lưới cung ứng khẩu trang và đồ bảo hộ cho bệnh viện ở Mỹ. Và nếu Trung Quốc phát triển được vắcxin trước, nước này sẽ có quân át chủ bài, thúc đẩy vị thế trên trường quốc tế cũng như nắm trong tay các quyết định ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người Mỹ.
“Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới hoàn toàn trong quan hệ Mỹ - Trung, thay vì chỉ là sự leo thang của những mâu thuẫn trước đây”, Jude Blanchette, học giả về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với New York Times.
“Quan hệ mới sẽ được định hình bằng khá nhiều điểm bùng phát xung đột, vòng xoáy đi xuống, tư duy thắng bại, và sự tan rã các cơ chế dàn xếp, trung gian”.
“Căng thẳng còn tăng lên do các chính quyền theo đuổi dân tộc chủ nghĩa ở cả Bắc Kinh lẫn Washington, và người dân hai nước đều đang nhìn nhận sự tan rã quan hệ song phương là không thể tránh được, thậm chí là nên xảy ra”, ông nói thêm.
Sự tan rã không thể tránh khỏi?
Bản thân Tổng thống Trump đã đưa ra các tuyên bố khác nhau ở mỗi thời điểm về Trung Quốc, đi từ “không hài lòng” về Trung Quốc những tuần gần đây cho đến “đáng tôn trọng” về Chủ tịch Tập Cận Bình. Từ đầu năm, ông Trump vẫn thường khen ngợi ông Tập về cách ứng phó với dịch.
Những động thái mạnh bạo hơn đối với Trung Quốc một phần là do các cố vấn Nhà Trắng đang cứng rắn hơn.
Trong các cố vấn, Ngoại trưởng Pompeo, phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger, và cố vấn thương mại Peter Navarro từ lâu đã muốn cứng rắn với Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và con rể tổng thống kiêm cố vấn Jared Kushner đã vận động cách tiếp cận ôn hòa hơn.
Nhưng đến cuối tháng 4, Jared Kushner quyết định ủng hộ lập trường cứng rắn hơn do bất bình với Trung Quốc về dịch bệnh và về nguồn hàng đồ bảo hộ y tế, theo một số người biết về quan điểm của Kushner.
“Sau đợt này, chúng tôi muốn lập ra các chiến lược rất mạnh để đảm bảo rằng nước Mỹ không phải dựa vào bất kỳ nước nào cho các mặt hàng thiết yếu như vậy trong tương lai”, Kushner nói trên Fox News ngày 29/4.
Các cố vấn của ông Trump đang cân nhắc hàng loạt phương án để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về dịch bệnh.
Chính quyền Mỹ cũng đang tiến hành một cuộc “điều tra” nhắm vào Trung Quốc, có sự tham gia của các cơ quan tình báo, để biết virus bắt nguồn từ đâu, Tổng thống Trump từng nói.
“Nỗ lực trừng phạt Trung Quốc có thể phản tác dụng”, Jessica Chen Weiss, giáo sư về chính phủ tại Đại học Cornell, nói với New York Times, nhắc đến các hậu quả như mất cơ hội hợp tác chống dịch, chống biến đổi khí hậu hay các mối đe dọa xuyên quốc gia khác.
Hàng loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc
Tổng thống Trump gần đây dường như bớt đi những tuyên bố mạnh mẽ cứng rắn nhắm vào Trung Quốc. Nhưng các động thái vẫn được đưa ra.
Cuối tháng 3, ông ký ban hành Luật Đài Loan, được hai đảng ủng hộ, theo đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ nỗ lực ngoại giao của Đài Loan trên toàn cầu. Vào năm 1979, Mỹ chuyển từ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan sang quan hệ với Trung Quốc đại lục, nhưng vẫn hỗ trợ Đài Loan theo nhiều cách, bao gồm bán vũ khí, khiến Bắc Kinh tức giận.
Để bắt đầu cấm thiết bị điện của Trung Quốc, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và ra lệnh cho bộ trưởng Năng lượng cấm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài cho các nhà máy điện và hệ thống truyền tải - các lĩnh vực mà Trung Quốc ngày càng chiếm lĩnh.
Tháng trước, nhiều cơ quan đã yêu cầu Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) cấm công ty China Telecom Americas khỏi các mạng ở Mỹ. Động thái này tiếp nối nỗ lực trên toàn cầu của Mỹ nhằm ngăn cản các công ty Trung Quốc như Huawei phát triển mạng thế hệ mới 5G.
Gộp chung lại, các động thái ở ngành điện lực và viễn thông nói trên là đi xa nhất trong số các chính quyền Mỹ từ trước tới nay trong việc đẩy thiết bị và dịch vụ của Trung Quốc ra khỏi cơ sở hạ tầng Mỹ, theo New York Times.
Ngoài ra, theo một sắc lệnh đang được chính quyền cân nhắc, quỹ lương hưu của chính phủ, dành cho các nhân viên liên bang, có thể sẽ bị cấm chuyển dịch đầu tư nếu phải chuyển thêm tiền sang Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.
Ngoài sắc lệnh trên, một số dự luật ở Quốc hội, mà Nhà Trắng ủng hộ, cũng muốn cản trở việc tiền ở Mỹ đầu tư sang một số công ty Trung Quốc bị cho là không minh bạch hay vi phạm nhân quyền, đồng thời ngăn các công ty đó tiếp cận thị trường Mỹ.
Động thái đối với quỹ lương hưu nói trên “chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong vấn đề các doanh nghiệp Trung Quốc có hành động xấu trong thị trường vốn của chúng ta”, Roger Robinson Jr., chủ tịch công ty tư vấn RWR Advisory, nói với New York Times.
Một số cố vấn Nhà Trắng, bao gồm ông Mnuchin, đã cảnh báo làm vậy có thể sẽ gây gián đoạn cho thị trường tài chính Mỹ, và cả thỏa thuận thương mại mà hai bên đạt được hồi tháng 1.
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc đang không đạt lượng hàng Mỹ mà nước này cam kết sẽ mua trong thỏa thuận thương mại hồi tháng 1. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua 200 tỷ USD hàng Mỹ cho đến hết năm nay. Việc Trung Quốc không đạt được cam kết có thể khiến thỏa thuận thương mại chịu sự chỉ trích ở Mỹ, nhất là trong năm bầu cử, theo giới phân tích.