Chính sách đối ngoại sẽ đè nặng lên vai tân Tổng thống Mỹ
Hàng loạt các 'bài toán khó' liên quan đến chính sách đối ngoại sẽ đè nặng lên đôi vai của người sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ có nhiều động thái tác động tới quan hệ quốc tế.
An ninh quốc tế thách thức nước Mỹ
Ở thời điểm cận kề ngày bầu cử chính thức, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang tăng tốc ở “chặng về đích”. Theo các cuộc khảo sát, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang bám đuổi nhau rất quyết liệt. Các dự báo chỉ ra rằng, kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử sẽ rất sít sao.
Ở góc độ tổng thể, dù ai giành chiến thắng, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp theo cũng đều phải đối mặt với rất nhiều thách thức quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại. Hàng loạt những “bài toán khó” đang được đặt ra với người sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, nổi bật nhất là cạnh tranh địa chính trị, mối lo về phổ biến vũ khí hạt nhân, sự ổn định của nền tảng dân chủ phương Tây và vấn đề di cư. Tất cả những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, mà còn tác động sâu sắc đến chính trị nội bộ của đất nước.
Theo các chuyên gia khoa học chính trị hàng đầu của Mỹ, một thách thức lớn nhất là cuộc cạnh tranh địa chính trị. Người ngồi trên “ghế nóng” tổng thống sẽ phải đối mặt với sự tái xuất hiện của cuộc cạnh tranh địa chính trị, có thể sẽ tương tự như thời Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay đã phức tạp hơn nhiều. Dễ thấy là trước đây chỉ có 2 siêu cường, còn ngày nay đã hình thành nhiều liên minh giữa các quốc gia có xu hướng đối lập nhau. Một bên là nhóm các quốc gia hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh quốc tế..., trong khi bên còn lại là nhóm những quốc gia phản đối trật tự quốc tế hiện tại. Từ đó, việc duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong bối cảnh này sẽ đòi hỏi một chiến lược linh hoạt, có khả năng thích ứng với các thay đổi nhanh chóng.
Thách thức tiếp theo là vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện nay, châu Âu và Trung Đông đang là nơi diễn ra những bất ổn an ninh quan trọng bậc nhất của thế giới, nhất là khi “ánh sáng nơi cuối đường hầm” cho xung đột vẫn chưa ló rạng. Không những vậy, ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân. Điều này cũng đặt ra câu hỏi lớn về khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy những con số đáng lo ngại. Theo đó, số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu vẫn ở mức cao với khoảng 13.000 đầu đạn. Vì vậy, vị tổng thống mới của nước Mỹ sẽ phải tìm cách duy trì sự ổn định trong bối cảnh này, đồng thời bảo đảm rằng, các đồng minh của mình vẫn tin tưởng vào khả năng bảo vệ từ nước Mỹ.
Vấn đề nội bộ tác động mạnh tới quan hệ quốc tế
Mới đây, Giáo sư khoa học chính trị Stephen Cimbala tại Đại học Penn State Brandywine và Lawrence Korb, Đại úy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng phục vụ tại Lầu Năm Góc đã có những phân tích nổi bật về những thách thức của Tổng thống Mỹ. Theo đó, sự ổn định của nền tảng dân chủ phương Tây là thách thức hàng đầu của chính quyền Mỹ. Các cuộc khảo sát trong nhiều năm qua đều cho thấy, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu đang cùng chứng kiến sự suy giảm niềm tin vào hệ thống chính trị.
Theo kết quả khảo sát gần đây của tổ chức Pew Research Cente, chỉ 45% người Mỹ tin rằng, nền dân chủ của họ đang hoạt động tốt. Để giải quyết những vấn đề này, chính quyền Mỹ không chỉ cần củng cố nền tảng dân chủ trong nước, mà còn phải đồng thời khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.
Thách thức lớn khác của người sẽ đứng đầu Nhà Trắng là vấn đề di cư, khi một làn sóng di cư lớn từ các quốc gia kém phát triển do xung đột và khủng hoảng kinh tế đang đổ xô đến Mỹ. Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy, số lượng người di cư toàn cầu đã đạt 280 triệu vào năm 2020, tăng 40% so với thập kỷ trước. Tại Mỹ, các thành phố lớn như New York, Chicago... đang khó khăn trong việc quản lý số lượng người di cư mới đến, dẫn tới căng thẳng ngân sách và xã hội.
Người chủ mới của Nhà Trắng chắc chắn sẽ phải giải quyết vấn đề này thông qua hợp tác quốc tế và phát triển các chính sách nhập cư hợp lý để vừa bảo vệ quyền lợi của người di cư, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội Mỹ.
Ở bên ngoài nước Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đang là vấn đề nóng hàng đầu trên chính trường của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bởi ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa hay bà Kamala Harris của Đảng Dân chủ lên nắm quyền sẽ mở ra những con đường hoàn toàn khác nhau.
Những đường hướng và hành động mới của Tổng thống Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tới chính sách an ninh của EU, hợp tác trong NATO và các chiến lược kinh tế toàn cầu nói chung.
Các học giả quốc tế cho rằng, an ninh của châu Âu sẽ phụ thuộc vào việc ai giành chiến thắng. Bởi, dù cả hai ứng cử viên đều công nhận vai trò của NATO nhưng cách tiếp cận rất khác nhau. Ông Trump có xu hướng coi NATO là “gánh nặng” và yêu cầu các đồng minh phải tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi bà Harris có thể sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với liên minh này.
Thực tế này đã thúc đẩy EU phải tự chủ về an ninh nhiều hơn, khi Mỹ có thể thu hẹp cam kết với an ninh châu Âu. Dù các quốc gia EU trong thời gian qua đã tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh xây dựng năng lực quân sự tự chủ, song thực tế vẫn rất cần quan hệ đối tác với Mỹ.
Dù ai trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Cụ thể là phải nỗ lực duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đảm bảo an ninh, đồng thời tìm cách ứng phó với những ưu tiên an ninh mới của Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Giuseppe Spatafora - nhà phân tích về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và EU - NATO tại Viện Nghiên cứu an ninh EU (EUISS) bình luận: “Mỗi ứng cử viên đều đưa ra một con đường khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn đến an ninh và vị thế kinh tế của EU trong một thế giới phức tạp”.