Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch còn nhiều bất cập

Các chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch còn nhiều bất cập. Đồng thời, các chuyên gia cũng đã kiến nghị với Chính phủ những chính sách mà họ cho là hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Những nội dung trên được ghi nhận tại phiên hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 18-9 tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, các nhà phân tích cho rằng chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn các tiêu chí phi thực tế

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu ý kiến rằng không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp. Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện thực thi quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà…

“Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai rất đồng bộ và đã có sự tính toán kỹ lưỡng. Các chính sách tập trung chủ yếu vào nhóm chính sách tài khóa. Trong đó Chính phủ xác định chi cho đầu tư phát triển, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí và hỗ trợ 2% lãi suất là các giải pháp trọng tâm. Chương trình đã thu được một số kết quả khả quan, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định,” ông Lê nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, các chính sách đa số theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp. Liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.

Ông Lê thẳng thắn cho rằng, chính sách nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động doanh nghiệp. Các văn bản luật khi được ban hành còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể. Có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.

Thêm nữa ông Lê cho rằng còn có quá nhiều giấy phép con không phù hợp vẫn tồn tại; sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt các thủ tục hành chính và thiếu sự quyết liệt trong quá trình thực thi các nhóm giải pháp của một số cơ quan hành chính. Thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 – 6 tháng. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có doanh nghiệp du lịch.

“Ngoài ra, các văn bản hưởng dẫn chưa kịp thời. Đơn cử, đối với chính sách gia hạn tiền thuê đất, dự kiến tiền thuê đất thuê mặt nước được gia hạn trên 3.000 tỉ đồng. Song, 8 tháng đã qua vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể,” ông Lê nói.

Cũng tại hội thảo, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, số vốn giải ngân các gói hỗ trợ so với kế hoạch còn chậm do điều kiện, thủ tục phức tạp. Trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu.

Cần tập trung cho mục tiêu ưu tiên, không dàn trải

Góp ý về chính sách điều hành thời gian tới, ông Nguyễn Trúc Lê cho rằng các chính sách trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà. Thêm nữa, các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt…

“Để thúc đẩy các gói hỗ trợ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp; có hệ thống giám sát, đánh giá kịp thời, có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát các tiêu chí, chỉnh sửa cho phù hợp; bổ sung tiêu chí mới khi nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức. Việc hỗ trợ cần có mục tiêu, như ưu tiên với các ngành trong lĩnh vực tạo bệ đỡ cho nền kinh tế như nghiệp logistics, công nghiệp hỗ trợ…” ông Lê góp ý.

Về một số chính sách hỗ trợ cụ thể, ông Lê cho rằng cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, xem xét giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Cho rằng, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh room tín dụng.

Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Bùi Trung Nghĩa từ VCCI đã đề xuất 8 nhóm giải pháp lớn như sau: tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp (giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp); có biện pháp tháp gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, đại diện VCCI cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như ngành du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động. Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện giám sát chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực.

Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 18-9 tại Hà Nội.

Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 18-9 tại Hà Nội.

Bên cạnh đó VCCI kiến nghị cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời của mô hình kinh doanh mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích các bên; bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh bằng cách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cần cắt giảm một số thủ tục còn phiền hà như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, lao động… Ông Nghĩa nhấn mạnh, đây là giải pháp thiết thực, quan trọng nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp căn bản lâu dài, hiệu quả nhất về chi phí.

Cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng sản xuất trong nước, xử lý vướng mắc chính sách liên quan quy tắc xuất xứ trong thực hiện các FTA.

Kích thích tiêu dùng nội địa, phục hồi và phát triển kinh tế

Từ góc nhìn của một tổ chức nước ngoài, ông Jonathan Picus, chuyên gia kinh tế cao cấp của tổ chức Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề đáng quan ngại trong thời kỳ đại dịch cũng như phục hồi sau đại dịch là sự phụ thuộc rất lớn về việc hoãn thuế để kích thích hoạt động kinh doanh.

Bởi chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam cho biết, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP. Do đó nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP.

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, vị chuyên gia của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ cần quan tâm đến chi tiêu của người dân. Bởi ông cho rằng khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu. Từ đó các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh.

Do đó ông Jonathan Picus cho rằng gói tài khóa Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu, gia tăng chi tiêu thị trường nội địa.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP tại Việt Nam Jonathan Picus cho hay, một biện pháp để kích thích chi tiêu hộ gia đình là chuyển khoản tiền mặt cho người dân. Ông cho rằng các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng việc trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm.

Qua bài học từ đại dịch, ông Jonathan Picus cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế phòng vệ cho khủng hoảng trong tương lai. Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-sau-dai-dich-con-nhieu-bat-cap/