Chính sách năng lượng của Mỹ đã trực tiếp giúp Nga tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu dầu khí. Chuyên gia Don Ritter - một nhà phân tích của tờ Washington Times đã đưa ra nhận định nói trên.
Theo nhà báo người Mỹ, Washington cùng với các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm hạn chế khả năng tạo ra lợi nhuận từ việc xuất khẩu mặt hàng năng lượng của Nga.
Ông Ritter nói rõ, những biện pháp phương Tây đưa ra được kỳ vọng sẽ ngăn chặn Moskva có nguồn lực để duy trì sức mạnh quân sự, từ đó khiến Moskva phải chấm dứt chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên hiệu quả có vẻ đang đi theo chiều ngược lại.
“Bất chấp những lệnh cấm vận, việc bán dầu, khí đốt và than đá hiện tạo ra nhiều doanh thu hơn cho ngân sách Nga so với năm 2021. Chưa dừng lại đây, con số này dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 30% vào năm 2023”, vị chuyên gia cho biết.
Nhà phân tích của tờ Washington Times cho rằng lý do chính khiến Nga bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn bắt nguồn từ chính sách năng lượng sai lầm của chính quyền Tổng thống Biden.
Việc Nhà Trắng từ chối đẩy mạnh khai thác nhiên liệu hóa thạch và tập trung vào những nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời có tác động đến giá cả thế giới, điều vốn mang lại lợi ích cho Moskva.
"Bằng cách từ chối khởi động cỗ máy khai thác năng lượng khổng lồ của Mỹ, Tổng thống Biden đã trực tiếp gây ra tình trạng giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, hỗ trợ đắc lực cho nước Nga", chuyên gia Don Ritter nhận xét.
Ông Ritter nói thêm, dầu mỏ và khí đốt của Mỹ hoàn toàn đủ sức thay thế nhiên liệu có xuất xứ từ Nga trên khắp thế giới khi quốc gia này có một trữ lượng ở mức cực kỳ lớn.
Tuy nhiên chính quyền Washington từ chối đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, xây dựng đường ống dẫn và nhà máy chế biến mới, cũng như các cảng tiếp nhận. Thay vào đó, Tổng thống Joe Biden chỉ thúc giục các công ty tăng cường sản xuất bằng năng lực sẵn có.
“Đây rõ ràng là một tín hiệu dành cho thị trường năng lượng thế giới, liên quan đến việc loại bỏ các chuỗi ràng buộc sản xuất tại Mỹ”.
“Giá năng lượng toàn cầu có thể sẽ giảm ngay lập tức khi thị trường tính đến tương lai mới của nguồn cung cấp nhiên liệu”, nhà phân tích Don Ritter cho biết.
Theo tác giả, phương Tây đã tự "giải trừ vũ khí" khi từ bỏ việc phát triển nhiên liệu hóa thạch. Điều này không chỉ áp dụng cho Mỹ mà còn đối với các nước châu Âu khác - những quốc gia đang theo đuổi chính sách bảo tồn khí hậu.
“Việc đơn phương giải trừ các nguồn năng lượng như dầu, khí đốt và than đá là một ý tưởng tồi vào bất cứ thời điểm nào, nhưng sẽ đặc biệt tệ khi bạn đang có xung đột với một đối thủ sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào như Nga”.
“Thật không may, đây chính xác là những gì đang xảy ra và điều này chỉ mang lại lợi ích to lớn cho Moskva”, tác giả bài phân tích trên tờ Washington Times kết luận.