Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc đồng tổ chức Hội thảo quốc tế 'Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ'.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Tham dự hội thảo có PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính; PGS.TS Lu Wenbin - Phó Chủ tịch Viện Kế toán Quốc gia Thượng Hải - Phó Viện trưởng Viện Tài chính và Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc cùng các đại biểu đến từ Trung Quốc và đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Trần Hậu cho biết, các nhóm vấn đề được thảo luận tại Hội thảo là nguồn thông tin quan trọng để các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ tham khảo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.theo thống kê, tại Việt Nam ngoại trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ, hiện có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ. Với việc phát triển hộ kinh doanh cá thể, đã giúp cho khoảng 10 triệu lao động Việt Nam có việc làm thường xuyên trong thời gian qua.

Theo PGS.TS Hoàng Trần Hậu, hiện nay, khối doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể là một trong những “động cơ chạy chính” cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khối này chỉ phát triển mạnh trong những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô và thường tập trung vào các vấn đề như lựa chọn mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính của mình. Bên cạnh đó, các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động và liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về: Tổng quan về DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, chính sách trợ giúp phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam; Thực trạng các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể của Trung Quốc: Kinh nghiệm trong tiếp cận các nguồn lực tài chính; Chính sách thuế: Miễn, giảm thuế đối với các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam...

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian đầu mới thành lập, nhiều DN siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, nhiều DN siêu nhỏ thường có quan niệm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi khá lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. Vì vậy, sau một thời gian, có nhiều DN siêu nhỏ kiểu gia đình lại quen với cách làm cũ và ngại với cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động DN và thiếu niềm tin khi thay đổi.

Chia sẻ về những chính sách tài chính hỗ trợ các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá nhân, bà Trần Kiều - Vụ Xây dựng kinh tế, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, DN vừa và nhỏ (SMEs) là lực lượng mới trong phát triển kinh tế xã hội, chiếm hơn 50% doanh thu thuế, hơn 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm lao động đô thị và hơn 90% số doanh nghiệp, đang có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng ổn định, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tạo việc làm và cải thiện sinh kế của người dân. Tuy nhiên, SMEs cũng gặp phải một số khó khăn như: Chi phí cho các yếu tố toàn diện tăng; Khả năng tiếp cận tài chính khó; Chất lượng điều phối và tài nguyên dịch vụ còn kém.

Bà Trần Kiều nhấn mạnh, để hỗ trợ SMEs phát triển, Nhà nước đã thành lập quỹ phát triển SMEs, theo nguyên tắc định hướng chính sách và hoạt động theo thị trường, hướng dẫn và khuyến khích quỹ xã hội hỗ trợ SMEs và thúc đẩy đổi mới kinh doanh. Chính phủ trung ương thành lập các quỹ đặc biệt SMEs, tập trung hỗ trợ xây dựng các hệ thống dịch vụ công và hệ thống dịch vụ tài chính cho SMEs.

Đối với lĩnh vực thuế, các diễn giả cho rằng, với đặc thù của DN Việt Nam hiện nay, cùng với chiến lược phát triển DN nhỏ và vừa, khuyến khích các DN khởi nghiệp, Chính phủ cần có các ưu đãi thuế cụ thể hơn cho DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Cụ thể như: Áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa trong đó có DN siêu nhỏ; Áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế có thời hạn cho DN khởi nghiệp quy mô nhỏ; Đơn giản hóa và tăng hiệu lực quản lý thuế đối với DN nhỏ và vừa trong đó có DN siêu nhỏ.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/chinh-sach-tai-chinh-ho-tro-cac-ho-kinh-doanh-ca-the-va-doanh-nghiep-sieu-nho-300158.html