Chính sách tài khóa trong năm 2025: Cơ bản chuyển về trạng thái bình thường

Sau gần 5 năm (2020-2024) thực hiện chính sách tài khóa mở rộng đã có tác động tích cực giúp nền kinh tế phục hồi và bước vào quỹ đạo trăng trưởng cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với áp lực kiểm soát lạm phát. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Kiểm toán về việc triển khai chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian qua và việc điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới.

Thời gian qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh minh họa

Thời gian qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh minh họa

Thưa ông, sau đại dịch Covid-19, nước ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng trong thời gian qua?

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã được điều hành linh hoạt, nhịp nhàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đã được mở rộng có trọng tâm trọng điểm, với các mức độ khác nhau tùy thuộc điều hành vĩ mô và tình hình thực tế. Trong đó: Thứ nhất, đã thực hiện đồng bộ các chính sách gia hạn, giảm thu ngân sách với tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2024 là gần 900.000 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện các chính sách này đã tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là thanh khoản tài chính cho các chủ thể kinh tế giúp họ duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, vượt qua những trở ngại do biến động thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp chính sách tài khóa chủ động, tích cực để cùng với chính sách hỗ trợ và các chính sách vĩ mô khác góp phần hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Thứ hai, triển khai thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội cần thiết, ổn định đời sống xã hội, ổn định chính trị (bố trí và sử dụng nguồn lực của ngân sách trung ương cùng với Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo chi cho phòng, chống dịch; hỗ trợ người lao động phải tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động….). Đồng thời, tăng chi đầu tư phát triển trong chương trình phục hồi sau dịch Covid-19 với tổng nguồn đặt ra là 176.000 tỷ đồng nhằm trực tiếp hỗ trợ tổng cầu, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên về y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Cùng với đó, để đảm bảo cân đối NSNN, đã triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chưa thực hiện cải cách tiền lương năm 2020-2022… quản lý chặt chẽ các nguồn thu, nhất là thu hoạt động kinh doanh thương mại trong một số lĩnh vực như: xăng dầu, kinh doanh vàng, ăn uống, kinh doanh thương mại điện tử… Nhờ vậy, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ (bình quân các năm 2021-2023 là 3% GDP, đánh giá 2024 khoảng 3,4% GDP), trong phạm vi Quốc hội cho phép (đã trình cả số bội chi thêm cho Chương trình phục hồi năm 2022-2023).

Nhìn chung, các giải pháp chính sách tài khóa thời gian qua, kể cả qua điều chỉnh chính sách thu hay tăng chi ngân sách đều được triển khai bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện để có điều chỉnh ngay trong quá trình thực hiện, nên được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tin tưởng, ủng hộ. Qua đó, không chỉ góp phần đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế, mà còn đưa Việt nam trở thành điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Như ông trao đổi, thời gian thực hiện chính sách tài khóa đã kéo dài và tạo được nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Vậy trong thời gian tới, chính sách tài khóa sẽ được điều hành như thế nào để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, thưa ông?

Việc triển khai chính sách tài khóa mở rộng trong một thời gian khá dài (2020-2024) một mặt đã có tác động tích cực giúp nền kinh tế phục hồi và bước vào quỹ đạo tăng trưởng cao. Thế nhưng, chúng ta cũng phải đối mặt với áp lực kiểm soát lạm phát. Vì vậy, chính sách tài khóa trong năm tới dự kiến sẽ cơ bản chuyển về trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, căn cứ vào các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu của Chiến lược tài chính quốc gia, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều Luật thuế, trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 luật có liên quan đến tài chính - ngân sách nhà nước; trong đó có Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tất cả vẫn nhằm triệt để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục ưu tiên nguồn lực trong chi đầu tư phát triển (dự toán năm 2025 bố trí chi đầu tư phát triển 31% tăng chi, cao hơn mục tiêu 5 năm là 28-29%), trong khi vẫn phải đảm bảo nguồn cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, giữ an ninh an toàn tài chính thông qua kiểm soát tốt bội chi và nợ công.

Trong điều hành, căn cứ vào các tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ chủ động nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp chính sách tài khóa chủ động, tích cực để cùng với chính sách hỗ trợ và các chính sách vĩ mô khác góp phần hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước thực sự bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chinh-sach-tai-khoa-trong-nam-2025-co-ban-chuyen-ve-trang-thai-binh-thuong-35750.html