Chính sách thu hút và giữ chân nhân tài từ kinh nghiệm quốc tế

Bà Đoàn Thị Tố Uyên - Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội đề xuất cần tiếp tục đổi mới quản lí Nhà nước đối với nhân tài, theo đó, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bộ phận “Một cửa” trả kết quả cho công dân tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Bộ phận “Một cửa” trả kết quả cho công dân tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, chất lượng cao

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bà Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật -hành chính nhà nước, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, bà đề xuất cần tiếp tục đổi mới quản lí Nhà nước đối với nhân tài, theo đó, tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cụ thể, TP Hà Nội được quy định việc kí hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao. TP được quyết định sử dụng ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức là nhân lực chất lượng cao; mức chi căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của TP. TP được quy định việc kí hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, DN Nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô.

Bên cạnh đó, còn phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc tốt, phải đảm bảo nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài,… Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao gắn với tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính bền vững. Như vậy, không chỉ chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong khu vực công mà khi đã vào làm việc, cần tiếp tục tạo cơ hội cho họ học tập, nâng cao trình độ để phát huy năng lực của bản thân, bắt kịp các xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Đào tạo nguồn nhân lực từ kinh nghiệm quốc tế

Bà Đoàn Thị Tố Uyên cho biết thêm, Hoa Kỳ là cường quốc và được thiết lập nên nhờ nhiều yếu tố. Ngoài chiến lược đúng đắn, chính sách kinh tế cụ thể, để có thể phát triển mạnh mẽ và phát triển bền vững, Hoa Kỳ đã và đang duy trì một đội ngũ lao động thực sự có chất lượng, đặc biệt là đội ngũ nhân tài - đây là nhân tố chính khiến nước Mỹ tiếp tục thịnh vượng như ngày nay.

Về tuyển dụng: Tùy vào từng vị trí, lĩnh vực, cấp độ, cơ quan tuyển dụng đưa ra những kế hoạch phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người tài. Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ đưa ra 4 tiêu chí cải thiện quy trình tuyển dụng cấp liên bang: tăng cường thông tin phản hồi cho ứng viên về tình trạng hồ sơ; khuyến khích sự tham gia của các nhà quản lý vào các khâu tuyển dụng; đảm bảo độ chi tiết của thông báo tuyển dụng; phát triển và hoàn thiện một lộ trình tuyển dụng cấp liên bang.

Một phần quan trọng trong quy trình tuyển dụng của Mỹ là thiết kế bản mô tả công việc và nội dung thi đầu vào được tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng. Bản mô tả thể hiện rõ các yêu cầu của vị trí cần tuyển, giới thiệu được sứ mệnh và hoạt động chung của cơ quan tuyển dụng. Các cơ quan quản lý lập kế hoạch chi tiết trong việc quản lý nguồn nhân lực tài năng ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Bên cạnh đó, nhân tài luôn có cơ hội thăng tiến, các nhà lãnh đạo sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có tài năng, nguyện vọng và sự phù hợp của người đó với vị trí mà họ đang mong muốn. Đối với những tài năng thực sự, cơ quan quản lý nhân sự có thể tự cho phép người đó thăng tiến vượt cấp, không cần phải tuân theo từng bước trong điều luật về nhân sự của Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ liên bang đã đưa ra chính sách lợi ích dành cho nhân viên liên bang cao hơn 48% so với khu vực tư nhân. Nhân viên liên bang nhận được nhiều quyền lợi như ngày nghỉ nhiều hơn nhưng vẫn được trả lương, bảo hiểm y tế và các chương trình trợ cấp hưu bổng được xác định, vốn ít có trong khu vực tư nhân. Khi đã chọn làm việc cho Chính phủ, nhân viên sẽ có quyền tiếp cận với các gói chăm sóc sức khỏe hạng nhất, Chính phủ liên bang cung cấp tài khoản chi tiêu chăm sóc sức khỏe linh hoạt tối đa 5.000 USD mỗi năm. Cơ quan liên bang sẽ chi trả phần lớn chi phí chăm sóc sức khỏe, thường là từ 70 đến 100%.

Đối với Singapore, lao động sinh sống và làm việc tại Singapore dù là người bản địa hay người nước ngoài đều được đối xử tương đối bình đẳng, họ chịu mức thuế thu nhập dao động 10 - 22%/năm. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn có những ưu tiên dành cho công dân của mình khi người nước ngoài sẽ phải chi trả nhiều hơn khoảng 30% để sở hữu tài sản như nhà ở và phương tiện cá nhân ở quốc gia này.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//chinh-sach-thu-hut-va-giu-chan-nhan-tai-tu-kinh-nghiem-quoc-te-357004.html