Chính sách tiền tệ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng

Từ góc nhìn của bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước lúc này vẫn là duy trì mức lãi suất thấp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 7/10/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tính đến ngày 27/9/2024, tổng thiệt hại về tài sản do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra ước tính lên đến 81.500 tỷ đồng. Bà đánh giá thế nào về tác động của cơn bão đến nền kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm vực dậy các ngành kinh tế của Chính phủ?

Tác động của cơn bão Yagi đến nền kinh tế trong tháng 9 có thể chưa được phản ánh qua mức tăng trưởng GDP quý III mạnh mẽ, ở mức 7,4%. Nguyên nhân có thể đến từ các chỉ số vĩ mô vững chắc trong những tháng đầu quý III.

Số liệu tháng 9 cho thấy có sự điều chỉnh nhẹ so với tháng trước về thương mại, doanh số bán lẻ và lạm phát. Theo đó, chúng tôi cho rằng, điều này sẽ thể hiện tác động vào đầu quý IV. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng mạnh gần đây có thể làm phức tạp thêm quá trình khắc phục hậu quả kinh tế do bão gây ra và những tác động này cần phải xem xét thêm.

Tuy nhiên, điểm sáng là lạm phát đã bắt đầu giảm và ở mức dưới 4% trong hai tháng liên tiếp, phần nào mang lại tâm lý thoải mái cho nền kinh tế trong nước.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong ba quý đầu năm, theo bà, đâu là động lực chính trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế?

Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn 6,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế lên hơn 7% trong năm nay, phấn đấu quý IV tăng trưởng 8%.

Đáng chú ý, số liệu cho thấy, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024 và xuất khẩu tăng 15,4%. Đây là những động lực tăng trưởng tương đối mạnh.

Mục tiêu của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong năm nay

Mục tiêu của Chính phủ là đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7% trong năm nay

Một trong những động lực chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất trong nước; tuy nhiên, đâu đó vẫn có những quan ngại về hiệu quả trong dài hạn. Góc nhìn của bà về vấn đề này thế nào?

Như tôi đã nêu ở trên, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất trong năm nay vẫn ổn định, sự phục hồi của ngành sản xuất bắt đầu vào khoảng giữa năm 2023. Do đó, ngành sản xuất đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Xuất khẩu và nhập khẩu hàng điện tử tiếp tục phục hồi trong suốt năm nay, với mức tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 9 ở mức 16% so với cùng kỳ. Hơn nữa, dòng vốn FDI đã được cải thiện, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất.

Nhóm ngành này chiếm gần 70% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam. Chúng tôi vẫn cho rằng, Việt Nam là một trong những mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là trung tâm sản xuất quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, về mặt cấu trúc, giá trị gia tăng và khả năng sản xuất nguyên liệu đầu vào tại địa phương có thể được coi là những vấn đề cần phải giải quyết hiệu quả trong dài hạn. Ngoài ra, ngành này còn phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, do đó, hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn bởi những diễn biến bất lợi trên toàn cầu.

Bà có thể chia sẻ nhận định về điều hành chính sách tiền tệ trong những quý đầu năm, trong đó có chính sách tỷ giá?

Những tháng tới, tác động kéo dài của bão Yagi, nền kinh tế toàn cầu suy yếu, những trở ngại thương mại toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, giá dầu trên thị trường thế giới tăng… tạo ra những thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo quan điểm của chúng tôi, chính sách tiền tệ tương đối phù hợp cũng có thể góp phần vào sự phục hồi kinh tế trong năm nay. Các chỉ số kinh tế vĩ mô trong những tháng gần đây - cả trong và ngoài nước - đều ổn định và Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư thương mại. Biến động tỷ giá USD/VND gần đây phản ánh tài khoản vãng lai vững chắc, hiện đạt 24.844, so với mức 25.470 hồi tháng 5 (mức thấp nhất trong năm nay).

Tuy vậy, cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố như diễn biến cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông, sự gia tăng mạnh mẽ gần đây của giá dầu, vì các yếu tố này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động nhập khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế là tình hình kinh tế toàn cầu, sự phục hồi tương đối chậm của Trung Quốc và cuộc “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.

Bà dự báo thế nào về bối cảnh kinh tế từ nay tới cuối năm?

Những tháng tới, tác động kéo dài của bão Yagi, nền kinh tế toàn cầu suy yếu, những trở ngại thương mại toàn cầu, căng thẳng địa chính trị, giá dầu trên thị trường thế giới tăng, sự không chắc chắn về tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đều có thể tạo nên biến động trên thị trường tài chính và có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta cần thận trọng hơn, nhưng cũng thừa nhận khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Chúng tôi cũng sẽ theo dõi áp lực giá cả dựa trên tình hình thực tế. Bất chấp những xu hướng giảm gần đây, giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và vận tải tăng cao đã giữ lạm phát ở mức trên 4% cho đến thời gian gần đây và có thể vẫn là nguyên nhân gây áp lực gia tăng lạm phát trong những tháng tới.

Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm, chủ yếu do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đảo ngược chính sách tiền tệ, từ thắt chặt sang nới lỏng, do đó áp lực lên tỷ giá đã giảm đi đáng kể từ cuối quý III. Bên cạnh đó, ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước trong lúc này vẫn là duy trì mức lãi suất thấp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Bà có khuyến nghị giải pháp gì để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và vượt qua thách thức?

Chúng tôi cho rằng, giữa bối cảnh tiềm ẩn rủi ro tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cách Việt Nam định vị sẽ rất quan trọng trong việc duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp ứng phó với thiên tai của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Việc quản lý lạm phát, chính sách tiền tệ và biến động ngoại hối cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Ngành sản xuất phải giảm thiểu tác động tiêu cực từ những diễn biến bất lợi trên toàn cầu. Điều này cần được giải quyết một cách hiệu quả bằng một kế hoạch toàn diện. Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa các ngành để giảm sự tập trung vào lĩnh vực sản xuất và thu hút nguồn vốn FDI từ các khu vực khác trong trung hạn.

Hồng Dung thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chinh-sach-tien-te-uu-tien-ho-tro-tang-truong-post355805.html