Chính thức đề xuất bãi bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ

Quỹ Bảo trì đường bộ với mục đích có một nguồn vốn đầy đủ, ổn định và bền vững dành cho công tác bảo trì đường bộ sắp kết thúc sứ mệnh và vai trò sau hơn 6 năm đi vào hoạt động.

Thực hiện công tác bảo trì đường bộ tại Bắc Cạn.

Thực hiện công tác bảo trì đường bộ tại Bắc Cạn.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội vận tải ô tô tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ.

Dự thảo Nghị định chỉ gồm 4 điều, trong đó Điều 1 bãi bỏ 4 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định số 18/2012/NĐ – CP ngày 13/3/2012 về Quỹ BTĐB; các nghị định: số 56/2014/NĐ – CP và số 28/2016/NĐ – CP về sửa đổi bổ sung Nghị định số 18 và Quyết định số 1486/QĐ – TTg ngày 15/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Đối với phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện), dự thảo Nghị định đề xuất loại phí này sẽ được phản ánh trong thu cân đối Ngân sách nhà nước để bảo lý, bảo trì đường bộ và được thực hiện quản lý theo quy định của Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách.

Trước đó, ngày 13/3/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ BTĐB. Sau khi hình thành Quỹ Bảo trì đường bộ, nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ được cải thiện, đạt kết quả tích cực về giải quyết nguồn vốn hạn hẹp do Ngân sách nhà nước cấp trước đây.

Việc sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, duy trì hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tăng cường hiệu quả cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, trong năm 2017 thực hiện theo quy định của Luật phí, Lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết số: 27/2016/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Dự toán ngân sách nhà nước 2017. Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện phải nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý sử dụng theo Luật Ngân sách nhà nước vì vậy, việc quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ thông qua Hội đồng quản lý Quỹ là chưa phù hợp.

Ngày 18/9/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1262/TTg-CN về giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương. Tiếp theo ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10043/VPCP-CN về việc Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP.

Đồng thời trong quá trình thực hiện công tác rà soát, đánh giá và xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có tờ trình số 34/TTr-BTC ngày 25/3/2019 trình Chính phủ về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện, hiệu quả hoạt động và giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, trong đó đã có nội dung kiến nghị về Quỹ Bảo trì đường bộ: “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định giải thế, sắp xếp Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương cho phù hợp với Luật NSNN”.

Ngày 21/8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1041/TTg-CN về Dự thảo Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ, trong đó đã có ý kiến “... xây dựng dự thảo Nghị định theo hướng bãi bỏ Nghị định số 18/2012/NĐ-CP giải thể Quỹ Bảo trì đường bộ và Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương...”.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chinh-thuc-de-xuat-bai-bo-quy-bao-tri-duong-bo-d107406.html