Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny bị kết án gần 3 năm vì tội gì?
Tòa án tại thủ đô Moscow-Nga hôm 2-2 kết án chính trị gia đối lập Alexei Navalny 3,5 năm tù giam bất chấp sự phản đối từ các quốc gia phương Tây.
Tuy nhiên, luật sư của ông Navalny cho biết ông chỉ phải ngồi tù 2 năm 8 tháng vì đã bị quản thúc tại gia trước đó. Theo hãng tin Reuters, các luật sư của ông cho biết họ sẽ kháng cáo.
Chính trị gia đối lập Navalny ban đầu bị kết án 3,5 năm vào năm 2014 nhưng ông đã bị quản thúc tại gia gần 10 tháng. Hồi năm 2014, ông Navalny bị kết tội biển thủ 30 triệu rúp (tương đương 400.000 USD) từ hai công ty, trong đó có thương hiệu mỹ phẩm Pháp Yves Rocher nhưng ông cáo buộc vụ án này mang động cơ chính trị.
Ông Navalny nhận án treo trong 5 năm và được gia hạn thêm 1 năm. Bản án này đã hết hạn vào ngày 30-12 năm ngoái. Tuy nhiên, một vài ngày trước khi bản án kết thúc, ông Navalny bị triệu tập nhưng không xuất hiện vì không có ở trong nước và bị xem là người bị truy nã.
Vào thời điểm đó, ông Navalny đang ở Đức để điều trị sau một vụ nghi bị đầu độc ở Siberia vào tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, một báo cáo do các bác sĩ Đức công bố vào tháng 12 cho thấy ông đã bình phục và theo Cơ quan Thực thi hình phạt Liên bang Nga (FSIN), ông đã có thể tham dự phiên tòa. Tại phiên điều trần, ông Navalny phản bác điều này khi cho rằng ông không đủ sức khỏe để trở lại Nga cho đến giữa tháng 1.
Theo phán quyết của tòa án hôm 2-2, ông Navalny không thường xuyên báo cáo với FSIN và lý do vắng mặt của ông bị cho là không thuyết phục. Do đó, thẩm phán quyết định bản án treo nên được chuyển thành bản án thực.
Phát quyết của tòa hôm 2-2, động thái châm ngòi các cuộc biểu tình trên toàn quốc kêu gọi thả ông Navalny, sẽ làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Mỹ, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Nga lập tức trả tự do cho ông Navalny. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh để buộc Nga chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng phương Tây không còn nhiều lựa chọn để gây áp lực cho Nga bởi nước này đã chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ trước đó.
Một đồng minh của ông Navalny kêu gọi phương Tây nên trừng phạt các cá nhân liên quan đến Tổng thống Vladimir Putin. Nga cáo buộc ông Navalny làm việc cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhưng ông Navalny đã bác bỏ cáo cuộc này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng yêu cầu phương Tây không xen vào chuyện nội bộ của Nga.
Động thái hôm 2-2 cũng khiến những người ủng hộ ông Navalny nổi giận và đám đông đã xuống đường biểu tình vào đêm cùng ngày. Đội ngũ của ông Navalny sau đó đã đăng một thông điệp lên Telegram để cảm ơn những người ủng hộ và thúc giục họ về nhà.