Chính trị | QH-HĐND TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Bên lề Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã trao đổi về những nội dung quan trọng trình tại kỳ họp, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022. Phóng viên Báo Laichau Online xin giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến bên lề kỳ họp.

KHẮC PHỤC CHỈ TIÊU KHÓ ĐẠT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Đại biểu Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Khun Há, Can Hồ, Pha Mu, Sùng Phài). Tuy nhiên đến nay chỉ có 1 xã (Khun Há) đạt, còn lại 3 xã khó đạt. Việc chưa đạt chỉ tiêu này do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Để khắc phục các chỉ tiêu khó đạt về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp xác định một số giải pháp như: rà soát và tham mưu xây dựng chính sách đối với các xã chuyển từ vùng 3 lên vùng 1 có điều kiện kinh tế còn khó khăn nhằm duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí về giáo dục và y tế. Ưu tiên phân bổ vốn sự nghiệp nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn để duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí. Chỉ đạo các huyện, xã hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; ưu tiên nguồn vốn chương trình nông thôn mới, ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn và các xã dự kiến đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025.

Ngành cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; chính sách về phát triển rừng bền vững nhằm giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người trong thực hiện. Chỉ đạo các huyện, thành phố lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao các tiêu chí đã đạt.

NHÂN DÂN BẢN PA TẾT VÀ CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP 2 TỈNH ĐỒNG TÌNH, ĐỒNG THUẬN

Đại biểu Lò Văn Biên - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Bản Pa Tết thuộc xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) gồm 75 hộ, 423 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, đang sinh sống và canh tác trên diện tích của xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ, địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính trên toàn quốc theo Quyết định số 513/2012 ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần đó, chính quyền các cấp 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã tổ chức hiệp thương thống nhất phương án giải thể và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu cho chủ trương về nội dung này với quan điểm: một là giữ nguyên địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/1991; hai là chuyển toàn bộ 75 hộ, 423 nhân khẩu của bản Pa Tết về xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) quản lý. Việc chuyển, bàn giao đã nhận được sự đồng tình, đồng thuận của Nhân dân bản Pa Tết và chính quyền các cấp 2 tỉnh.

Việc giải thể bản Pa Tết thuộc xã Tà Tổng chuyển sang xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé quản lý đã thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ Nội vụ nhằm thuận tiện trong hoạt động và sinh hoạt của người dân. Đồng thời việc chuyển giao này cũng không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi đường địa giới hành chính hiện tại.

Về thực hiện các chế độ chính sách, sau khi giải thể và chuyển giao về xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé thì các chế độ chính sách như: giáo dục, y tế, đã được chính quyền 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên thống nhất và vẫn đảm bảo cho người dân.

GẮN QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN TRONG QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC NGUỒN THU NGÂN SÁCH

Đại biểu Nguyễn Bảo Đông - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Tại Khoản 3, Điều 9, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, quy định: “Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ dộng thực hiện những nhiệm vụ chi được giao, HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách ở địa phương phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của các cấp trên địa bàn”.

Thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, quy định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 sang năm 2021. Theo đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 43/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh kéo dài thời gian thực hiện một số Ngị quyết của HĐND tỉnh sang năm 2021, trong đó Nghị quyết số 62/2016/NQ-HĐND ngày 10/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành quy định phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020 được kéo dài thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.

Từ những quy định trên, việc ban hành Nghị quyết quy định về thực hiện phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương giai đoạn 2022 – 2025 là phù hợp. Việc phân cấp nguồn thu sẽ khai thác tối đa các khoản thu ngân sách; gắn quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý và khai thác nguồn thu ngân sách. Tạo sự chủ động của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối, phấn đấu giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân sách một cách đồng bộ, toàn diện; tăng tính công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách ở các cấp, các ngành.

TẠO CÚ HUÝCH MẠNH MẼ CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Đại biểu Lò Văn Tỉnh – Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Uyên: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Từ đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. Góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa; tăng cường liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh nói chung, huyện Tân Uyên nói riêng. Do vậy, việc thông qua Nghị quyết phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp này sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp của tỉnh. Bởi, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất tập trung sẽ được đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và huyện, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI HÓA ĐỂ ĐẦU TƯ, BẢO TỒN VĂN HÓA

Đại biểu Tòng Thị Đoan – Trưởng ban chuyên trách Ban Dân tộc HĐND huyện Than Uyên: Việc ban hành một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng và tác động lớn tới đời sống, văn hóa của các dân tộc tỉnh ta; giúp cho địa phương khắc phục khó khăn trong công tác này. Vì thực tế cho thấy trong nhiều năm qua, ngành Văn hóa đã có những nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, việc bảo tồn mới giải quyết được “chiều rộng” mà chưa có “chiều sâu”; một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc, ngay từ trang phục, chữ viết, kiến trúc nhà ở, nghề truyền thống…

Thời gian tới huyện Than Uyên đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với quảng bá du lịch. Huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, bảo tồn văn hóa gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương, đơn vị. Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể, phù hợp. Đưa việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc vào các cấp học để thế hệ trẻ hiểu đúng, trân trọng, tự hào và là lực lượng “xung kích” trong thực hiện.

GIẢM BỚT GÁNH NẶNG TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI PHỤ HUYNH HỌC SINH VÀ NGƯỜI DÂN

Đại biểu Vàng Thị Đăm – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nà Tăm, huyện Tam Đường: Từ năm học 2016 - 2017 đến hết năm học 2020 - 2021 mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện theo Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của HĐND tỉnh quy định cụ thể mức thu học phí trên cơ sở khung học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, hiện nay đã hết hiệu lực. Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Năm học 2021 - 2022 đã thực hiện gần 3 tháng, tuy nhiên hiện tại tỉnh chưa có quy định cụ thể về việc thu học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, căn cứ theo các điều, khoản trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và tình hình thực tế của địa phương, để việc thu học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định của Luật Giáo dục thì việc ban hành Nghị quyết quy định không thu học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm học 2021 - 2022 là rất cần thiết. Đồng thời, hỗ trợ chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh học sinh và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%AAn-l%E1%BB%81-k%E1%BB%B3-h%E1%BB%8Dp111167765