Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Để giá tăng từ từ
Người dân bây giờ ít lo cho cái ăn, cái mặc, mà điều người dân lo trong cơ cấu chi tiêu là giáo dục và y tế.
Tại sao xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân nâng cao hơn mà phải lo hai điều quan trọng, có thể gọi là bậc nhất của cuộc sống – y tế và giáo dục? Y tế thì chẳng nói làm gì, vì sức khỏe là thứ "quý hơn vàng”. Còn giáo dục làm cho con người ngày càng có tri thức, sao lại lo?
Là vì hai lĩnh vực này trong những tháng đầu năm nay có chỉ số giá tăng cao nhất. Ví dụ như 6 tháng đầu năm 2019, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) ở Thừa Thiên Huế tăng chỉ 2,41%, thì riêng chỉ số giá tiêu dùng nhóm giáo dục có mức tăng đến 6,26%; kế tiếp mức tăng cao của nhóm giáo dục là nhóm mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,34%.
Đầu năm học này, nói về chuyện lo tiền cho con vào năm học mới, có một tờ báo chạy tít: “Phụ huynh “bạc mặt” lo tiền”. Học phí chỉ là một phần, phần còn lại là rất nhiều khoản mà một học sinh phải nộp, rồi còn học thêm. Tất cả, bố mẹ đều phải lo. Ai cũng kỳ vọng vào tương lai của con em nên dù khó thế nào cũng phải cố mà xoay xở. Chỉ nói cái chuyện học thêm thôi, hầu như ai cũng cố cho con em đi học. Cứ tính trung bình mỗi em học 3 môn một tháng thì học phí tốn là bao nhiêu.
Nguyên nhân của tăng giá cao ở hai nhóm dịch vụ này, theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, là vì việc tăng học phí, tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ cuối năm trước.
Chuyện tăng giá hợp lý là ở chỗ: Muốn có chất lượng tốt, thường là phải có tiền. Rất nhiều tiền thì khả năng chất lượng dịch vụ còn tốt hơn rất nhiều. Chẳng nói đâu xa, con em muốn học trường quốc tế thì tiền chi phí phải cao vời vợi. Ốm mà vào Bệnh viện Quốc tế thì tiền phải trả cao. Bù lại là chất lượng dịch vụ làm cho người “mua” hài lòng. Vì vậy, ai cũng muốn làm ra nhiều tiền để được hưởng các loại dịch vụ có chất lượng cao như vậy.
Nhưng tính tổng thể nhu cầu xã hội và trách nhiệm chính phủ, ở địa phương là chính quyền thì câu chuyện không hề đơn giản như vậy. Nếu ai cũng đủ giàu có, đảm bảo được mọi chi tiêu ở mức cao thì không nói làm gì. Chúng ta thấy người giàu có hoặc khá giả ít khi phàn nàn về chuyện dịch vụ y tế cao hay học phí, chi phí cho con em cao. Có khi là ngược lại, họ đi tìm chỗ có giá dịch vụ cao nhất. Vấn đề là xã hội còn nhiều người nghèo, người thu nhập thấp. Chủ trương, chính sách phải can thiệp vào chuyện này bằng miễn giảm, hỗ trợ… Nhưng đã như vậy thì ở mức tối thiểu, đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp rất dễ “rớt lại phía sau”. Và có khi mất công bằng xã hội.
Nhà cung cấp dịch vụ phải làm nhiệm vụ “thị trường” của họ. Họ đưa ra nhiều mặt hàng với các chất lượng khác nhau, mức giá khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn. Nhưng dường như, hai mặt hàng giáo dục và y tế có tính đặc thù của nó. Nếu người chọn mua chất lượng thấp có khi không dùng được. Trong trường hợp này phải cần sự can thiệp của Nhà nước. Cho nên can thiệp vào giá (ở diện rộng mà nhiều người tiếp cận được) là trách nhiệm lớn của Chính phủ.
Giá không thể đứng yên. Nhưng phải kiềm chế cho giá tăng từ từ, tránh đột biến!
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/de-gia-tang-tu-tu-a78835.html