Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu ý kiến tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Trước khi tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế) đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 10 năm thực thi đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, vướng mặc cần phải được sửa đổi bổ sung, nhất là trong bối cảnh mới, tình hình mới, thể chế hóa chủ trương của Đảng; đồng thời đáp ứng nhiều cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

Khẳng định sự cần thiết ban hành luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam làm rõ, trong bối cảnh thương mại điện tử, nền tảng số phát triển mạnh, nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng; hay những quy định như về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cần phải có các quy định cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất cần đồng bộ các luật để xử lý các bất cập chồng chéo, rà soát, thống nhất giữa các luật nhất là khái niệm về hợp đồng mẫu phù hợp với Bộ luật Dân sự hay với Luật Giá về niêm yết giá của hàng hóa, dịch vụ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, cần nghiên cứu để có một mô hình quản lý nhà nước phù hợp để làm sao đáp ứng được về nhân lực và nguồn lực thực hiện để hiệu lực, hiệu quả; cần phải có quy định phân cấp mạnh hơn để có sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhất là cấp huyện.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam lưu ý đến giải quyết tranh chấp thì thủ tục rút gọn là giải pháp chủ chốt; đồng thời tăng cường tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nhiều người dân có thể hiểu được quyền của mình cũng như là cách thức để thực hiện quyền của mình, bảo vệ quyền chính của công dân.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu phát biểu tranh luận và Thứ trưởng Bộ Công thương đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Đối với những đại biểu chưa phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tiếp thu.

Thọ Vương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-a119994.html