Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Thua trên sân nhà
Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VII diễn ra đầu tháng 7, một trong những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh được nhận định, đó là nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khó tham gia thị trường thương mại điện tử. Nguyên nhân được xác định là do việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hàng hóa chưa được doanh nghiệp, người sản xuất chú trọng trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp hữu hiệu.
Soi chiếu vào lãnh vực cụ thể và ngành thủy sản, khó khăn, hạn chế trên bộc lộ rõ. Với thế mạnh về biển, hiện cả tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 400 chiếc. Sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác biển toàn tỉnh đạt trên 19.000 tấn, chiếm hơn 90% tổng số sản lượng khai thác thủy sản. Thế nhưng, hầu hết nguồn nguyên liệu này lại chưa tiếp cận được các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh dù mỗi năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt trên dưới 58 triệu USD.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có một số công ty xuất khẩu sản phẩm thủy sản chính ngạch sang các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina nhưng nguyên liệu hải sản của ngư dân trong tỉnh chưa thể đứng chân tại các doanh nghiệp lớn này.
Trả lời phóng viên Báo Thừa Thiên Huế (trong bài “Hải sản mất cơ hội trên sân nhà” ngày 15/7) là vì sao không mặn mà với việc thu mua nguyên liệu trong tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lý giải: Nguyên liệu thủy sản của ngư dân trong tỉnh không đảm bảo yêu cầu.
Thực tế cho thấy, lâu nay, hầu hết mặt hàng thủy sản của ngư dân trong tỉnh đều tiêu thụ nội địa, một phần được sơ chế (hấp, sấy) để xuất theo đường tiểu ngạch, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vốn dễ dãi, không cần có yêu cầu về chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính điều này mà ngư dân chưa chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm (đa phần chỉ mới làm khâu sơ chế, chưa chú trọng đến tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm - điều mà các thị trường phát triển thường có những yêu cầu nghiêm ngặt).
Thực tế từ ngành khai thác thủy sản cho thấy, ngư dân đang sản xuất theo tư duy cũ, lạc hậu, còn xa lạ với các yêu cầu về chất lượng, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.
Hiện, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết các hiệp định thương mại lớn, gần đây là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký vào ngày 30/6. Điều này đồng nghĩa với nhiều cơ hội phát triển mới đang mở ra cho nền kinh tế cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, trong đó có ngành thủy sản.
Thế nhưng, một nỗi lo là liệu những ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh như thủy sản sẽ cạnh tranh như thế nào trong xu hướng hội nhập khi chúng ta đang thua trên sân nhà?.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thua-tren-san-nha-a74799.html