Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Trận đánh cuối cùng của Quân đội Mỹ ở Việt Nam - Kỳ 2: Giằng co

TTH - Muốn giải vây cho Ripcord, Đại tá Lữ đoàn trưởng Harrison đề ra mục tiêu phải chiếm cho bằng được cao điểm 805, để lập căn cứ ngoại vi và chiếm cao điểm 1.000 để ngăn hỏa lực của đối phương từ hướng Cô Pung.

Trực thăng tải thương

Trực thăng tải thương

Nếu không làm chủ được hai cao điểm này thì số phận của Ripcord hoàn toàn do đối phương định đoạt.

Mục tiêu đánh chiếm cao điểm 805 được giao cho Tiểu đoàn 2/501 do Trung tá Livingston chỉ huy; còn mục tiêu đánh chiếm cao điểm 1.000 giao cho Tiểu đoàn 2/506 do Trung tá Lucas chỉ huy.

Để tấn công 2 cao điểm này, quân Mỹ đã huy động tối đa hỏa lực của pháo binh và không quân yểm trợ, nhưng hễ cứ sau mỗi khi ngưng tiếng bom, các đơn vị dã ngoại của hai Tiểu đoàn Mỹ liền bị đối phương đáp trả bằng cối hoặc tấn công trực diện.

Tại hướng cao điểm 805, sau khi đổ quân, Đại úy Hewitt, Đại đội trưởng Charlie đã cho dựng rào kẽm gai, gài mìn định hướng Claymo cũng như bẫy pháo sáng bảo vệ, nhưng binh sĩ Mỹ đồn trú ở đây choáng, vì không rõ bằng cách nào mà ngay trong đêm 2/7, Đặc công của Quân giải phóng tìm vào tận sào huyệt để đánh, đến nỗi vì quá khiếp sợ có binh sĩ Mỹ, theo phản xạ đã “quên” rút chốt an toàn khi ném lựu đạn, buộc Đại đội Charlie phải rút khỏi 805.

Đại úy Hewitt là viên sĩ quan đầu tiên của Tiểu đoàn 2/501 tử trận ở mặt trận Ripcord.

Liên tiếp các đêm: 4-5/7, Đại đội Charlie (do Đại úy Wilcox làm Đại đội trưởng) bị Quân giải phóng tấn công, do quá khiếp sợ nên binh sĩ của Wilcox không ai dám đi đầu để tái chiếm 805 nên đã có 3 binh sĩ bị Tòa án quân sự kết tội hèn nhát; còn Tiểu đội trưởng Utecht bị chết do chính đồng đội bắn nhầm.

Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào ( phải), Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Lê Huy Mai (trái)

Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào ( phải), Chủ nhiệm Trinh sát Trung đoàn Lê Huy Mai (trái)

Do bị tấn công nên binh sĩ Mỹ không còn co cụm trong căn cứ, thay vào đó là di chuyển, thường vào lúc 16 giờ, đợi đêm xuống mới tìm nơi trú đóng.

Nếu như trước đây, sau khi phát hiện đối phương, trinh sát phải quay về báo cáo, khi Bộ đội hành quân đến nơi thì đối phương đã di chuyển đến nơi khác. Bộ đội gọi đùa là “Đánh hụt”.

Nhờ bám sát thực địa, nắm vững quy luật hoạt động mới của đối phương, Chủ nhiệm trinh sát của Trung đoàn I Lê Huy Mai (sau này là Thiếu tướng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng) đề xuất, Chỉ huy đơn vị đi cùng Trinh sát nắm tình hình và Bộ đội dịch chuyển theo. Phát hiện đối phương là chủ động tấn công, tránh tình trạng đánh “hụt” như đã từng xảy ra.

Chỉ huy Trung đoàn I chấp thuận.

Đại đội 11 của Tiểu đoàn 3 là đơn vị đầu tiên thực hiện đề xuất của Ban Trinh sát.

Và họ đã phát hiện 1 trung đội lính Mỹ sau khi di chuyển đã về đóng ở phía tây nam Ripcord. Trong thế chủ động, Đại đội đã dùng cối bắn áp chế, dùng B40, B41 bắn các ổ hỏa lực và sau đó là tấn công. Đánh xong, Đại đội rút ngay về hang đá, tránh phi pháo của Mỹ. Nhờ áp dụng triệt để phương châm “tìm địch mà diệt” nên Quân giải phóng luôn đặt mình trong thế chủ động, đẩy đối phương vào thế bị động đối phó. Tinh thần binh sĩ Mỹ trở nên hoang mang, dao động.

Bị tổn thất nặng, kèm theo đó là 4 chiếc máy bay bị bắn rơi nên ngày 7/7, tướng Hennessey, Tư lệnh Sư đoàn Dù 101 ra lệnh cho Tiểu đoàn 2/501 rút về căn cứ Phú Bài củng cố, vội vã đến mức phần lớn binh sĩ của Đại đội Alpha không kịp mang theo quân trang và bỏ lại vũ khí hạng nặng, trong đó có súng không giật 90 ly để B.52 dội bom hủy diệt cao điểm 805 và vùng phụ cận!

Cuộc tái chiếm cao điểm 805 lần thứ 2 được Tiểu đoàn 2/501 triển khai vào ngày 8/7. Đại đội Delta do Đại úy Straub chỉ huy chiếm được cao điểm sau đợt oanh kích của B.52.

Những tưởng bom, đạn đã đẩy đối phương ra xa nào ngờ trong nhiều đêm liền họ lại bị đánh, đặc biệt là nửa đêm về sáng 14/7, sau khi lọt vào doanh trại, chỉ với thủ pháo và tiểu liên AK, Đặc công Quân giải phóng đã dìm binh sĩ của Đại đội Delta vào địa ngục! Kho đạn chống tăng nổ tanh bành, biết không trụ được ở cao điểm 805, Đại đội Delta buộc phải rút quân sang đồi Ba Ngọn.

Trực thăng vũ trang bay tới yểm trợ. Để tránh lưới lửa phòng không, nhất là 12,7 ly, phi công buộc nâng độ cao hoặc liều lĩnh bay sát vách núi, sườn đồi để trút đạn và không ngờ 4 quả đạn phóng lựu 40 ly nổ ngay giữa đội hình và tiếp theo đó còn xả đạn làm nhiều binh sĩ của Đại đội Alpha bị chết và bị thương. Trong khi đó, Đại đội Alpha do bị pháo kích làm cho hơn 20 binh sĩ thiệt mạng và bị thương.

Phối hợp với Đặc công, Đại đội 12,7 ly trong trận này đã bắn rơi đến chiếc 7 chiếc trực thăng, gieo rắc kinh hoàng cho không quân Mỹ.

Mặc dù Quân đội Mỹ đã sử dụng đến 8 loại hỏa lực, kể cả dùng máy bay A6 của Hải quân ném bom 500 pound, nhưng hễ cứ sau khi tiếng bom ngưng và ánh hỏa châu không còn thắp sáng, đặc công lại tiếp tục tấn công.

Do bị tổn thất nặng nên ngày 11/7, Tiểu đoàn 2/501 buộc phải rút về căn cứ Phú Bài củng cố và sau đó được đưa trở lại.

Mặc dù đã tổ chức 5 cuộc tấn công, nhưng trước sự kháng cự kiên cường của Quân giải phóng, Tiểu đoàn 2/501 của Trung tá Livingston đã không chiếm được cao điểm 805 buộc rút lui và kể từ ngày 14/7, mục tiêu này được chuyển giao cho Tiểu đoàn 2/506 đảm nhiệm.

Sau 4 ngày bài binh bố trận, 4 Đại đội do Trung tá Lucas chỉ huy vẫn không tài nào chiếm được, do các đơn vị này lúc co cụm thì bị cối bắn phá, còn hành quân thì bị Quân giải phóng chặn đánh buộc phải rút lui.

Kể từ chiều ngày 18/7, cao điểm 805 nằm trong vùng kiểm soát của Quân giải phóng!

Trong khi đó, tình hình ở hướng cao điểm 1.000 không mấy khả quan.

Để tái chiếm cao điểm này, từ ngày 1-14/4, Tiểu đoàn 2/506 đã giao cho 2 đại đội: Đại đội Charlie và Đại đội Delpha đảm nhiệm. Sau một tuần triển khai, do bị đối phương đẩy lùi nên buộc cả 2 đại đội rút về co cụm ở dãy đồi yên ngựa. Điểm lại, riêng Đại đội Charlie chỉ còn 20 binh sĩ đủ sức chiến đấu, số còn lại bị chết hoặc bị thương.

Chiều 7/7, Tiểu đoàn trưởng Lucas bay đến thúc giục tấn công, nhưng Đại đội trưởng Charlie thằng thừng từ chối và Đại úy Wilcox là chỉ huy Đại đội đầu tiên bị cách chức tại trận. Đại đội Alpha được điều đến phối hợp với Đại đội Delta tiếp tục đánh chiếm cao điểm 1.000. Phán đoán ý đồ của đối phương, Quân giải phóng chủ động tấn công buộc Quân đội Mỹ tung hỏa lực đáp trả.

Nhiều máy bay trực thăng vũ trang: Huey và Cobra bị bắn rơi xung quanh cao điểm này.

Do bị thiệt hại nặng nên Đại tá Harrison cho điều Đại đội Delta (Tiểu đoàn 1/506) từ căn cứ Đồng Lâm lên chi viện.

Sau khi đổ quân, Đại đội Delta chia làm hai cánh quyết chiếm cho bằng được cao điểm 1.000 - nơi chỉ cách căn cứ Ripcord chừng 1 cây số đường chim bay. Giao tranh diễn ra ác liệt. Trước sự kháng cự quyết liệt của Quân giải phóng, Đại đội Delta buộc phải rút lui. Quân giải phóng truy kích. Trên đường tháo chạy, một toán binh lính của Đại đội Delta lại còn bị trực thăng bắn nhầm!

Trước tình thế đó, ngày 12/7, Đại tá Harrison điều thêm một số Đại đội của Tiểu đoàn 2/501 phối hợp với Tiểu đoàn 2/506 tiếp tục đánh chiếm cao điểm 1.000 nhưng đều bị Quân giải phóng tấn công đáp trả.

Ngày 14/7, tất cả các đơn vị tham gia đánh chiếm cao điểm 1.000 được lệnh rút lui, sau 2 tuần giao tranh ác liệt.

Cuộc tái chiếm cao điểm 1.000 lần thứ 2 thất bại và nó được tái khởi động từ ngày 18/7 – ngày mà những quả đạn cối 120 ly đầu tiên, có sức công phá mạnh dội xuống căn cứ Ripcord!

Để giảm áp lực cho căn cứ hỏa lực này, Đại tá Harrison cho điều các Đại đội Delta (Tiểu đoàn 1/506), Đại đội Charlie (Tiểu đoàn 2/506) phối hợp Đại đội Delta (Tiểu đoàn 2/506) cùng tiến chiếm cao điểm 1.000 nhưng bất thành.

Lo sợ hàng trăm binh sĩ lâm vào tình cảnh như ở A Bia -Humbeger Hill - Đồi thịt băm nên tướng Berry thay tướng Hennessey trao đổi với Đại tá Harrison về việc có nên dừng hay tiếp tục đưa quân tiến chiếm cao điểm 1.000, vì chỉ riêng ngày 20/7, ở xung quanh Ripcord đã có đến 11 chiếc trực thăng vũ trang của Mỹ đã bị lưới lửa phòng không của Quân giải phóng bắn rơi!

Thiếu tướng Berry, người trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 101 Dù Mỹ cay đắng thừa nhận: “Chúng ta có đối thủ khó trị nhất, quyết tâm nhất và đang phải chiến đấu với những cuộc chiến ác liệt nhất!.”

Lệnh rút quân được ban ra.

Trưa 21/7, dưới sự chỉ huy của Đại úy Spawding, 17 chiếc Huey của Tiểu đoàn không quân 158 được điều đến khu vực xung quanh cao điểm 1.000 bốc quân.

Trong cuộc tháo chạy này, Đại úy Workman bị cánh máy bay rơi, xé nát thi thể.

Do không chiếm được cao điểm 1.000 nên lúc này Ripcord trở thành tâm điểm của trận chiến.

(còn nữa)

Phạm Hữu Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tran-danh-cuoi-cung-cua-quan-doi-my-o-viet-nam-ky-2-giang-co-a121525.html