Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Xin chia sẻ vài dòng trạng thái

Thật sự xúc động trước hình ảnh đó, ngay lập tức tôi viết mấy chữ trên 'dòng trạng thái' trên trang facebook của mình mấy chữ.

Tôi đã nhìn thấy một hình ảnh ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đứng “cùng hàng” với ba người phụ nữ, gương mặt của họ khá khắc khổ. Tay trái của ông đang nắm tay một người. Phía sau là một phụ nữ nữa, cũng khắc khổ chẳng kém, đang lau nước mắt. Tấm ảnh này ghi chú, ông Thọ đưa người dân Thượng Thành, Eo Bầu đi xem đất, nơi họ sẽ tái định cư trong cuộc đại di dời người dân sống một số khu vực di tích quanh Đại Nội Huế.

Thật sự xúc động trước hình ảnh đó, ngay lập tức tôi viết mấy chữ trên “dòng trạng thái” trên trang facebook của mình mấy chữ. Nguyên văn dòng trạng thái của tôi như sau: “Hẳn chúng ta còn nhớ vụ Thủ Thiêm. Ngược lại ở Huế, dân hàng chục năm ở tạm bợ, giờ san đất, hỗ trợ, mời dân ra ở một nơi chả khác gì khu đô thị mới. Dân không chảy nước mắt mới lạ!. "Xin cảm ơn về cái sự hay. Hay đến lạ”. Và không ngờ có nhiều người cũng nghĩ như tôi. Một nhà văn, nhà thơ, nhà báo “lão luyện” sinh sống ở Pleiku – anh Văn Công Hùng, một người gốc Huế, xã Phong Hòa, Phong Điền đã comment, tôi cũng xin trích nguyên văn - “Thấy eng Chủ tịch ni mần mấy việc được nha, hôm nọ dự giờ, hôm qua đưa dân thăm đất, còn mua vé số tặng...”. Từ một địa chỉ khác - Ngọc Nguyễn Văn: “TTH nhân văn đó chứ. Thế mới là thành phố Huế đáng sống hỉ. Có thể nghèo hơn họ nhưng sống đầy tình người”. Một địa chỉ khác nữa - Binh Truong Trong: “Tiếc là nhiệm kỳ của bác Thọ không còn nhiều anh hi” (xin được nhắc lại là tôi trích dẫn nguyên văn, bằng “cóp và dán”).

Tôi muốn cung cấp thêm cho anh Văn Công Hùng, dịp 20/10 vừa rồi, ông Phan Ngọc Thọ đã tổ chức gặp mặt chị em lao công của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế. Và ông Thọ nói: “Tôi mời tất cả chị em có mặt hôm nay vào ngày 20/10 hãy mặc áo dài tham quan di tích Huế. Sắp tới sẽ có ngày hội áo dài dành cho chị em phụ nữ, sẽ có cuộc thi ảnh về phụ nữ mặc áo dài đẹp mà tất cả chị em có thể tham gia và đoạt giải”.

Ông cũng không quên nhắc nhở: “Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Công viên cây xanh, Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế cần quan tâm đến các chế độ chính sách, bảo hộ lao động, đổi mới phương tiện, tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động cho nữ công nhân trong môi trường độc hại”. Nhiều chị em đã khóc.

Qua những việc ông Phan Ngọc Thọ thể hiện trong suốt một quá trình chưa dài trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, tôi tin ông Thọ là người làm nhiều hơn nói. Ông cùng với bộ máy lãnh đạo và chính quyền làm việc gì cũng hết sức quyết liệt. Và hơn thế nữa, kết quả chuyển biến thấy rõ. Điều này có lẽ không cần nhắc lại thì mỗi người dân Huế cũng cảm nhận được. Nếu có việc ông xây dựng hình ảnh người lãnh đạo thì tôi tin rằng cũng xây dựng một lãnh đạo hết lòng vì dân. Hướng về những người nghèo khổ, yếu thế, rất có thể là xã hội ít khi chú ý. Những hình ảnh, những hành động này mang tính nhân văn rất cao nên nó có sức lay động lòng người. Có lẽ có nhiều người bật khóc khi ông đến thăm là vì vậy – nó bất ngờ, nó là điều mà những người có hoàn cảnh khó khăn, có công việc nặng nhọc như những nữ lao công không bao giờ nghĩ tới, rằng có một ngày “đường đường” Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm và động viên mình.

Lại chợt nhớ đến một câu chuyện về Bác Hồ của chúng ta. Vào một đêm giao thừa nào đó, Hà Nội rất lạnh, Bác Hồ “tới đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc tết”.

Nguyên Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/xin-chia-se-vai-dong-trang-thai-a79077.html