Chính trị - Xã hội Xây dựng Đảng Khắc phục bệnh quan liêu, thiếu trách nhiệm trong quản lý
Trong công tác quản lý nhà nước, người được giao nhiệm vụ phải hoàn thành chức trách thường xuyên, đồng thời phải chủ động nắm tình hình, kiểm tra, dự báo tình huống có thể xảy ra để giải quyết và xử lý một cách tốt nhất.
Thiếu trách nhiệm
Chuyện xảy ra với cháu bé 6 tuổi bị chết không đáng có ở Trường Gateway (Hà Nội) là vấn đề như vậy. Mặc dù nhà trường khẳng định người lái xe, cô hướng dẫn, cô chủ nhiệm lớp đã làm theo quy trình, nhưng cái thiếu nhất là vô trách nhiệm với cháu nhỏ ở lứa tuổi chưa chủ động được bản thân. Vụ án đã được khởi tố với tội danh “Vô ý gây chết người”. Bước đầu xác định “vô ý”, nhưng chính là vô cảm gắn với ý thức, bổn phận phải chu toàn của những người khi làm công việc đó. Trong vụ việc này, các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục không thể “phủi tay” khi những tồn tại dẫn đến hậu quả có “bóng dáng” vô trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Khi xảy ra chuyện, người ta mới kiểm tra lại quy trình: hợp đồng xe, an toàn đưa đón, điểm danh trong lớp, liên lạc với phụ huynh, giấy phép trường quốc tế…
Những chuyện tương tự như vậy đang diễn ra khá nhiều trong phạm vi trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Mới đây, trên Quốc lộ 5 qua tỉnh Hải Dương chỉ trong sáng sớm đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 13 người. Trước đó chưa đầy một tháng, đoàn người đi viếng nghĩa trang về bị xe tải tông chết tại chỗ 7 người. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phải xuống trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo khắc phục. Một trong những bất cập là quốc lộ này cho phép xe chạy 80 đến 90 km/giờ, nhưng trung bình 100m chiều dài lại có một đường dân sinh chạy ra (có cả lý do mở tự phát của người dân). Nếu như không xảy ra tai nạn thảm khốc chắc không ai lưu tâm công tác kiểm tra để khắc phục những tồn tại đó...
Trong đợt lũ quét xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mới cách đây ít ngày ở xã Sa Ná (tỉnh Thanh Hóa) làm 12 người chết, mất tích cũng là một ví dụ. Do thiên tai nghiêm trọng đã đành, nhưng một phần là do tắc trách của chính quyền địa phương đối với dân ở vùng có nguy cơ cao lũ quét. Cách đây 2 năm khi xảy ra sạt lở, lũ quét nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các bộ, ngành từ Trung ương, địa phương trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo lập quy hoạch di dời dân đến vùng cao và đã thực hiện di dời dân an toàn. Không lẽ ở bản Sa Ná chính quyền địa phương không rút kinh nghiệm để chủ động lập quy hoạch mà phải chờ chỉ đạo của cấp trên...
Chủ động dự báo, kịp thời đề xuất
Chúng ta thường được nghe những chuyện tương tự xảy ra thường xuyên trên nhiều lĩnh vực từ trật tự xã hội đến phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống thiên tai, phòng chống cháy nổ, tai nạn cho trẻ em từ các chung cư cao tầng…Có vô số tồn tại nghe cứ như lần đầu, không cơ quan, tổ chức nào lấy đó làm bài học trong quản lý. Những vụ việc xảy ra như thế này ở lĩnh vực, địa phương nào cũng có, chỉ là ít hay nhiều
Mỗi khi xảy ra mới rút kinh nghiệm để tìm nguyên nhân, dù là khách quan hay chủ quan thì ý thức với công việc chung không được xem xét chu đáo. Đa phần là do lãnh đạo cơ quan quản lý thiếu tính dự báo, thiếu chủ động hoặc quan liêu, vô cảm trong thực thi nhiệm vụ. Những việc bắt buộc từng cán bộ, từng cơ quan phải chủ động lường trước, chủ động phòng tránh nhưng lại rất ít khi tự giác, chủ động, mà chờ chỉ đạo cấp trên, mệnh lệnh của thủ trưởng. Căn bệnh này bên cạnh năng lực thì vấn đề thiếu trách nhiệm là nguyên nhân cơ bản. Khi xảy ra lại tìm cách đổ lỗi cho khách quan, đổ trách nhiệm cho người khác. Trong quy trình hoặc chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành, đều chỉ ra những đầu việc bắt buộc lãnh đạo và công chức phải chủ động, nhưng nếu không đôn đốc, kiểm tra thường xuyên thì khó có thể nói thực hiện đầy đủ. Nơi nào lãnh đạo năng lực yếu hoặc thiếu trách nhiệm thì thường kéo theo cán bộ, công chức cũng tắc trách, vô trách nhiệm như thế.
Có một nguyên nhân tế nhị ít người nói ra đó là trách nhiệm nhiều khi gắn với lợi ích kinh tế đi kèm. Nơi có “màu”, có thu nhập tăng thêm thường được làm tích cực, chu đáo. Đây là “động lực” thúc đẩy gắn với thực thi công vụ, nếu không có giải pháp chấn chỉnh thì nguy cơ trách nhiệm phụ thuộc cấp số tăng lên của đồng tiền, mầm mống của nạn tham nhũng. Từ tham nhũng vặt đến tham nhũng ăn theo dự án trở thành động cơ không trong sáng của lãnh đạo, công chức các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chúng ta đang trong thời kỳ xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ”. Một trong những tiêu chí đó là công tác quản lý Nhà nước phải được nâng cao với ý thức phục vụ nhiệm vụ chính trị. Muốn đạt được điều đó đòi hỏi công chức và cơ quan quản lý phải chủ động dự báo, kịp thời đề xuất những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong chức tráchđược giao. Không thể để tồn tại tình trạng khi xảy ra sự cố gây hậu quả nặng nề mới rút kinh nghiệm khắc phục.