Chính trường Malaysia: Liên minh Mahathir-Anwar đến hồi kết

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 24-2 bất ngờ từ chức, để quốc gia Đông Nam Á này rơi sâu vào tình trạng hỗn loạn chính trị. Tuy nhiên, ông Mahathir đã chấp nhận yêu cầu của quốc vương vẫn giữ chức thủ tướng lâm thời cho đến khi người kế nhiệm được chỉ định.

Quốc vương Malaysia đã chấp nhận việc từ chức sau khi gặp ông Mahathir. Ông Mahathir cũng đã đồng ý ở lại giữ chức Thủ tướng lâm thời trong khi chờ bổ nhiệm người kế nhiệm. Theo lời khuyên của ông Mahathir, nhà vua cũng đã đồng ý giải tán nội các của ông. Đảng Bersatu của ông Mahathir chiều 24-2 đã bác bỏ việc ông từ chức chủ tịch đảng này đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng ông Mahathir hay bất kỳ thành viên nào khác của đảng này đã rời đảng.

Việc từ chức của ông Mahathir, 94 tuổi, đã phá vỡ liên minh của ông với cựu đối thủ Anwar Ibrahim, 72 tuổi, liên minh đã giúp ông giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử năm 2018. Tuy nhiên, việc từ chức không nằm trong lời hứa trước khi bầu cử của ông Mahathir rằng ông sẽ trao quyền lại cho ông Anwar vào một thời điểm nào đó.

Như vậy, sau các cuộc thảo luận đầy bất ngờ giữa đảng Đoàn kết bản địa Malaysia (PPBM) của Thủ tướng Mahathir Mohamad và các nhóm đảng phái khác về việc thành lập chính phủ mà không có sự hiện diện của nhân vật được xem là người kế nhiệm và là đối tác liên minh của ông Mahathir - Anwar Ibrahim, liên minh cầm quyền Malaysia đang đi đến hồi kết.

Liên minh Mahathir-Anwar đã tan vỡ. Ảnh tư liệu

Liên minh Mahathir-Anwar đã tan vỡ. Ảnh tư liệu

Mâu thuẫn giữa hai đối thủ lâu năm, Mahathir, 94 tuổi, và Anwar, 72 tuổi, đã định hình chính trường Malaysia suốt nhiều năm, với căng thẳng tiếp nối căng thẳng bất chấp chiến thắng năm 2018 của liên minh mà họ dựng nên bắt nguồn từ cam kết Thủ tướng Mahathir sẽ trao quyền lực cho ông Anwar vào một ngày nào đó.

Ngày 23-3, Anwar cáo buộc PPBM và “những kẻ phản bội” trong đảng Công lý Nhân dân (PKR) của ông vì âm mưu thành lập chính phủ với đảng tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), một phần liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) (liên minh còn có 2 thành viên nổi bật khác là Hiệp hội Trung Quốc Malaysia và Hội nghị Ấn Độ Malaysia). UMNO từng cầm quyền tại Malaysia suốt 60 năm và chỉ chịu rút lui sau thất bại năm 2018 vì sự bất bình của người dân về các cáo buộc tham nhũng. Ông Anwar cũng cho rằng hội nghị triệu tập ngày 24-2 của một nhóm chính trị gia là âm mưu “phản bội” chính trị.

Các nguồn thạo tin cho biết PPBM và một nhóm nhỏ thuộc PKR đã gặp các quan chức của UMNO và đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) vào ngày 23-2 để tìm cách thành lập liên minh mới. Tuy nhiên, khi được hỏi về nội dung cuộc họp ngày 23-2, nguyên nhân dẫn đến các thông tin về việc thành lập chính phủ mới, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah, người cũng có mặt trong cuộc họp này, nói rằng ông không được phép chia sẻ bất cứ chi tiết nào. Ông Saifuddin, thành viên PKR, cũng không bình luận về vị trí của ông trong tương lai.

Truyền thông cho biết PPBM, UMNO và PAS cũng đã có cuộc gặp với Quốc vương Malaysia trong ngày 23-2, song không rõ những gì mà các bên trao đổi cũng như khả năng liên minh mới có nhận được sự ủng hộ của Quốc vương hay không. Quốc vương có thể giải tán Quốc hội theo lời khuyên của Thủ tướng và ý kiến của ông cũng là yếu tố cần có đối với việc bổ nhiệm Thủ tướng hoặc các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, không rõ Quốc vương có vai trò thế nào nếu liên minh cầm quyền thay đổi và không có biến động ở vị trí cao nhất là Thủ tướng.

Theo kế hoạch, ông Anwar có cuộc gặp với Quốc vương vào chiều 24-2, song người phát ngôn của chính trị gia này không tiết lộ chi tiết cuộc gặp. Trước đó, ông Anwar cũng đã có cuộc gặp với các chính trị gia thuộc chính phủ liên minh đương nhiệm.

Devamany Krishnasamy, Phó Chủ tịch Hội nghị Ấn Độ Malaysia, người cũng có mặt tại cuộc gặp ngày 23-2, trao đổi với PV Al Jazeera rằng ông Mahathir có nhiều “quân bài” để thành lập một chính phủ mới. Ông nói: “Đó là chính trị. Là điều diễn ra trên khắp thế giới. Hiến pháp nói rằng, Quốc hội có thể quyết định mọi lực lượng đa số nắm chính phủ, và điều người ta cần chỉ là sự chấp thuận của Quốc vương, đơn giản vậy thôi”.

Hai ông Anwar và Mahathir thành lập liên minh trước thềm bầu cử 2018 để đánh bại liên minh cầm quyền BN, vốn do UMNO thao túng. Tuy nhiên, căng thẳng ngày càng lớn trong Liên minh Hy vọng (PH) mà họ dựng nên khi ông Mahathir cố tình trì hoãn và né tránh việc đề ra một lộ trình cụ thể cho việc hiện thực hóa cam kết là chuyển giao quyền lực cho ông Anwar. Cơ hội chính trị của PH phai nhạt dần khi tỷ lệ ủng hộ sụt giảm sau các cuộc bầu cử bổ sung. Việc hàng loạt nghị sỹ của PKR và PPBM rời liên minh PH cầm quyền đồng nghĩa với việc liên minh này mất thế đa số tại Quốc hội và chính phủ liên minh đã kết thúc.

Khó có thể dự đoán được tương lai khi một liên mới chưa được thành lập. Tuy nhiên, một liên minh được đem ra thảo luận cuối tuần qua có thể thể hiện sự đại diện lớn hơn cho lợi ích của người dân Malaysia hơn là liên minh tồn tại trước đó. Điều này có thể đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi trong trọng tâm chính sách ưu đãi dành cho người dân tộc Hồi giáo Mã Lai chiếm đa số ở quốc gia này trong hàng chục năm qua. Bất kỳ một liên minh mới nào sẽ được kỳ vọng rằng họ sẵn sàng tuyên bố tham gia cuộc chiến chống lại tham nhũng và giải quyết những vấn đề liên quan cuộc sống của người dân.

Bất ổn chính trị, cùng với những báo động trên toàn khu vực về sự lây lan của dịch Covid-19, đã khiến cho tiền tệ, trái phiếu và thị trường chứng khoán Malaysia sụt giảm. Đồng ringgit giảm 0,9% trong ngày, mức trượt cao nhất trong vòng 3 năm, khiến đồng tiền này rớt xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng. Chỉ số thị trường chứng khoán chính giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm và trái phiếu rớt, buộc lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm tăng 5 điểm cơ bản, bước nhảy lớn nhất kể từ tháng 10.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-truong-malaysia-lien-minh-mahathir-anwar-den-hoi-ket-181412.html