Quay lại hoạt động được một tuần, chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) không còn cảnh tấp nập vì vắng bóng khách tỉnh. Hai bên đường là hàng dài manequin được bày san sát nhau - đặc trưng của khu chợ đầu mối này.
Người dân, tiểu thương, khách hàng gọi vui chợ Ninh Hiệp là "chợ chân dài manequin". Chị Ngân Hà (chủ một cửa hàng thời trang) cho biết: "Trước đây chợ đông khách, ngày nào tôi cũng chạy đơn không kịp nghỉ. Đến giờ thì buôn bán chán lắm, tỉnh ngoài không vào được để mua. Mở cửa cũng cho khuây khỏa rồi bán tới đâu thì bán".
Con ngõ dẫn vào một xưởng may lớn tại chợ Ninh Hiệp cũng không còn cảnh đông đúc. Thỉnh thoảng có xe ra vào lấy hàng.
Chị Nguyễn Phượng từ Quốc Oai tới khu chợ này để nhập quần áo về bán. Người phụ nữ bất ngờ khi thấy mới 16h, nhiều tiệm đã rục rịch đóng cửa. "Gần hai tháng nay tôi mới tới chợ để nhập quần áo, thấy khá lạ lẫm vì cảnh vắng vẻ. Trước kia khi tôi tới mua hàng, cũng tầm 19h hơn các gian mới đóng hết. Nhưng có vẻ đợt này họ nghỉ bán sớm", chị Phượng nói.
Thời điểm trước dịch, khu chợ mở cửa từ 8h mỗi ngày. Đến nay một số tiệm 10h mới hé cửa hoặc muộn hơn, chỉ kinh doanh vào buổi chiều.
Khoảng 16h, chị Huyền Anh kéo cửa nghỉ bán. "Vắng thế này thì bán được cho ai", chị than vãn. Chị thuê kiosk này với giá 20 triệu đồng/tháng. Những tháng đóng cửa, khoản tiền thuê dồn vào. Chị cho biết chủ nhà cũng đồng ý giảm tiền thuê nhưng không đáng bao nhiêu.
Mỗi cửa hàng ở khu phố kinh doanh này đều có từ 10-20 manequin đứng mặc trang phục.
17h, chợ Ninh Hiệp có phần tấp nập hơn. Nhiều khách hàng đi lại để tìm mua các mẫu hàng thời trang được cho là giá rẻ bậc nhất Hà Nội.
Mặt hàng chính bán tại khu chợ này là quần áo và vải vóc, đa dạng từ kiểu dáng, chủng loại, chất liệu.
Chiều muộn, anh Kiên nằm dài trên những sấp vải khi cửa hàng trong thời kỳ vắng khách. "Bán quần áo thì còn có thể bán online chứ vải vóc khách hàng muốn tới sờ tận tay để chọn nên khó lắm", anh nói.
Trước các cửa hàng kinh doanh đều có treo mã QR-code để tiện cho khách hàng khai báo trong mùa dịch.
Vì các xe tỉnh ngoài không thể tới lấy hàng nên nhiều shop quần áo chuyển sang ship đồ. Tuy nhiên, việc gửi xe còn nhiều bất cập và phí vận chuyển cao nên đây cũng không phải giải pháp tối ưu.
Nhiều kiosk vẫn trong cảnh cửa đóng then cài.
Thạch Thảo