Chó chết sau khi cắn chủ nhà, chuyên gia giải thích vì sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Thực tế, kông phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó.

Sáng 18/4, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm y tế huyện Long Thành Dương Minh Tân chia sẻ trên Báo Đồng Nai, tại đây vừa ghi nhận ổ dịch dại trên chó thứ 2 tại xã Bàu Cạn. Đây là ổ dịch dại thứ 8 của toàn tỉnh kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Sự việc diễn ra vào tối ngày 13/4, khi đang tháo dây xích cho chó thì bà N.T.H.N., 41 tuổi, ngụ ấp 7, xã Bàu Cạn bị chó nhà nuôi cắn vào mu bàn tay trái, vết thương nông, chảy máu ít. Đáng lo ngại là khoảng 4 giờ sau khi cắn bà N. thì con chó chết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngay sau khi bị chó cắn, bà N. đã sát khuẩn vết thương sau đó đến trạm y tế xã để xử trí vết thương. Ngày hôm sau, bà N. đi tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại tại Trung tâm y tế huyện Long Thành.

Trong ngày 14/4, nhân viên thú y đã lấy mẫu gửi xét nghiệm tại Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai. Kết quả con chó dương tính với virus dại. Trong số 3 con chó còn lại của gia đình bà N. có 1 con đã bị con chó dại nói trên cắn, hiện con chó này đang được nuôi nhốt để theo dõi 14 ngày.

Theo điều tra nhanh của lực lượng chức năng, khu vực xung quanh nhà bà N. có 24 hộ gia đình nuôi 84 con chó. Trong đó, 81 con đã được tiêm phòng dại, số còn lại chưa tiêm.

Để phòng ngừa bệnh dại lây lan trên diện rộng và giảm tối đa hậu quả do dịch bệnh dại gây ra, lực lượng chức năng đã vận động các thành viên trong gia đình bà N. và các hộ gần kề đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng trước phơi nhiễm bệnh dại.

Bị chó dại cắn tiêm phòng có khỏi không?

Nếu sau khi bị chó dại cắn, người bị cắn được sơ cứu vết thương nhanh chóng, đúng cách, được tiêm vắc xin dự phòng sau phơi nhiễm và huyết thanh kháng dại kịp thời theo chỉ định của bác sĩ, khả năng cao sẽ không bị mắc bệnh dại.

Theo 8 nghiên cứu gần nhất về hiệu quả dự phòng sau phơi nhiễm của Suntharasamai (1986); Chutivongse (1988, 1990); Sehgal (1994); Jaijaroensup (1998); Wang (2000); Quiambao (2008, 2009), 100% bệnh nhân được sống sót sau khi dự phòng sau phơi nhiễm với vết thương độ III được xác định bị cắn bởi thú vật nhiễm bệnh dại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại sao chó dại sau khi cắn người lại chết?

Bệnh dại là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, khi lây nhiễm ở cả trên người và động vật đều khiến cá thể bị bệnh đứng trước nguy cơ tử vong rất cao. Nhất là đối với chó, thường chỉ sau thời gian ngắn phát bệnh sẽ cắn người, có biểu hiện lờ đờ, sùi bọt mép rồi chết.

Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho biết: Một hiện tượng rất dễ nhận thấy là chó sau khi bị dại sẽ điên cuồng cắn xé mọi thứ, trong đó có cả con người. Sau đó chúng sẽ bị chết không lâu sau đó. Vậy tại sao chó dại sau khi cắn người lại chết? Liệu có phải hành động cắn người làm rút ngắn sự sống của chó hơn hay không?

Theo các nghiên cứu khoa học, không phải việc cắn người sẽ khiến chó dại bị chết mà thực chất đây là biểu hiện xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát bệnh của chó. Thông thường chó mắc vi rút dại sẽ có thời gian ủ bệnh (tức là có vi rút dại trong cơ thể nhưng không có biểu hiện bệnh) trong thời gian từ 3 đến 15 ngày, sau thời gian này con chó sẽ phát bệnh. Lúc này, chó sẽ điên cuồng, hoảng loạn và cắn người. Nói cách khác, nó sẽ lên cơn và chết.

Do đó, việc chó dại chết sau khi cắn người không phải là hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên mà hoàn toàn có thể giải thích theo khoa học. Trong trường hợp bạn gặp tình huống này thì cần thực hiện các bước sơ cứu khi bị chó dại cắn và tiêm phòng dại ngay sau đó để tránh những tình huống xấu xảy ra.

Cần làm gì khi bị chó dại cắn?

Sau khi bị chó dại cắn, việc sơ cứu nhanh chóng và đúng kỹ thuật là rất quan trọng. Có thể tham khảo một số thao tác cần làm khi bị chó dại cắn như sau:

Kiểm tra vùng bị cắn

Đánh giá mức độ tổn thương của vết cắn. Nếu vết thương nặng hoặc chảy máu nhiều, có thể dùng băng hoặc gạc sạch đặt, ép lên vết thương để cầm máu..

Làm sạch vết thương

Rửa sạch vết thương bằng nước lạnh và xà phòng dưới vòi nước sạch chảy liên tục khoảng 15 phút để loại bỏ mầm bệnh. Sử dụng bông và nước sạch để rửa nhẹ nhàng vết thương, tránh chà xát mạnh. Loại bỏ các dị vật như da chết, đất, lông có thể có trên vết thương.

Sử dụng thuốc sát trùng

Sử dụng thuốc sát trùng như cồn để làm sạch vết cắn và sát khuẩn. Thoa một lượng nhỏ thuốc sát trùng lên vết thương và thổi nhẹ để tránh gây đau nhức.

Chăm sóc vết thương và tiêm phòng

Tránh tiếp xúc với nước, đất cát và môi trường ô nhiễm để tránh các nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng trực khuẩn uốn ván.

Sau đó, nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc, kiểm tra và tiêm phòng sau phơi nhiễm.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cho-chet-sau-khi-can-chu-nha-chuyen-gia-giai-thich-vi-sao-cho-dai-sau-khi-can-nguoi-lai-chet-172240419120441442.htm