Chờ chính sách hỗ trợ miễn, giảm lãi vay mới

Nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho biết đang chờ quy định mới về hỗ trợ miễn giảm lãi vay, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp

Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến giờ vẫn chưa được trình Chính phủ để ban hành.

Đã hết hạn lấy ý kiến

Theo ban soạn thảo, sau một thời gian triển khai Thông tư 01, nhiều NH thương mại và doanh nghiệp (DN) đã đề nghị NHNN xem xét, sửa đổi, bổ sung thông tư theo hướng mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định. Cụ thể, cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23-1-2020.

Các quy định trong dự thảo sửa đổi được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng được hỗ trợ hơn, kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ vì chưa biết dịch khi nào mới kết thúc. Đồng thời, một nội dung quan trọng khác được NHNN đề xuất là giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng DN và cá nhân được tiếp tục vay vốn… Theo NHNN, việc điều chỉnh các quy định trong Thông tư 01 nhằm bảo đảm tiếp tục hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ngân hàng kiến nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23-1-2020 Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều ngân hàng kiến nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23-1-2020 Ảnh: TẤN THẠNH

Dự thảo thông tư được NHNN đưa ra từ cuối tháng 5 và đến nay đã hết hạn lấy ý kiến nhưng vẫn chưa có thông tin gì mới. Theo một đại diện NHNN, dự thảo vẫn đang chờ ý kiến thống nhất từ các bộ ngành, trước khi trình Chính phủ ban hành. Theo quy định tại điều 131 Luật Các tổ chức tín dụng: Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do NHNN quy định, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, thời điểm này đã đầu tháng 12 và cả NH thương mại lẫn DN đều sốt ruột, mong chờ quy định mới để có thể tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ DN sớm phục hồi do dịch Covid-19.

Cần lộ trình trích lập dự phòng đầy đủ

Theo tìm hiểu của phóng viên, vướng mắc hiện tại liên quan đến ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính khi đồng ý cho giãn, hoãn, không chuyển nhóm nợ của DN nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đề nghị các NH phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ và phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ nhằm hạn chế rủi ro, ảnh hưởng hệ thống NH trong tương lai…

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu thực hiện theo đúng góp ý của Bộ Tài chính, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH sẽ tăng lên khoảng 3,51% trong năm 2021 (chỉ tính nợ xấu nội bảng). Như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các NH trong năm nay. Thực tế, dịch Covid-19 vẫn đang tác động và chưa "ngấm" hết vào hoạt động kinh doanh của các NH.

"Sửa đổi Thông tư 01 rất cần sự đồng hành của các bộ ngành với NHNN nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cả NH thương mại và DN. Cần lộ trình thống nhất cho phép hệ thống NH chưa trích lập dự phòng đầy đủ, căn cứ vào bản chất của khoản nợ và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng. Điều này sẽ tránh tạo ra cú sốc đối với NH thương mại và tránh tác động tiêu cực đến khả năng cung ứng tín dụng ra thị trường trong bối cảnh đang muốn phục hồi kinh tế" - TS Cấn Văn Lực phân tích.

Số liệu của NHNN, tổng dư nợ tín dụng được cơ cấu lại theo Thông tư 01 đến nay vào khoảng 340.000 tỉ đồng. Nếu một phần trong số này phải chuyển nhóm nợ, thành nợ xấu hơn thì các NH sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn và nguy cơ cuốn phăng lợi nhuận trong năm nay và cả năm tới.

Chủ tịch HĐQT một NH thương mại lớn cho hay các NH thương mại đã kiến nghị sửa dự thảo Thông tư 01 theo hướng vẫn trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ nhưng cần theo lộ trình trong khoảng 3 năm, thay vì phải trích đủ một lần. Điều này không chỉ tránh cú sốc cho các NH vì dịch bệnh là bất khả kháng mà còn hỗ trợ để các NH thương mại tiếp tục có nguồn lực hỗ trợ DN và nền kinh tế. Ngoài ra, nếu bị chuyển nhóm nợ xấu, các DN cũng có nguy cơ không đáp ứng đủ yêu cầu về tín nhiệm, không được tiếp tục vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/cho-chinh-sach-ho-tro-mien-giam-lai-vay-moi-20201202214447827.htm