Chớ coi thường việc rọ mõm chó
Sáng chủ nhật, ông Thắng đang đọc báo trong nhà thì nghe loáng thoáng tiếng Nam-cháu nội ông-và mấy đứa bạn cùng học lớp 4 rủ nhau đi xem chó. Nghe bọn trẻ kháo nhau đàn chó 5 con thường xuyên 'đi dạo' qua phố, trong đó có 2 con là giống chó ta, 3 con giống chó ngoại nhưng có 2 con không rọ mõm, ông Thắng bỗng chột dạ...
Lần theo lũ trẻ, vừa đến đầu phố Kim Quan Thượng, phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội), ông Thắng đã thấy phía trước mặt có một người dắt đàn chó gồm 5 con đi ngược chiều. Ông đi nhanh về phía thằng cháu đang đứng cùng các bạn chờ xem đàn chó, hỏi:
- Sao các cháu biết sẽ có người dắt chó qua đây vào lúc này?
- Thưa ông! Vì mấy hôm liền, cứ khoảng 8 giờ là ông ấy dắt đàn chó qua khu vực trường học của cháu và đi về hướng này.
Ông Thắng chủ động đón đầu người dắt đàn chó:
- Này anh! Sao anh chỉ rọ mõm 3 con chó, còn 2 con kia thì không?
- Ông ơi! Hai con là giống chó ta, hiền lắm. Tôi nuôi chúng một năm rồi. Ở nhà chúng chưa hề cắn ai cả.
Ông Thắng nhẹ nhàng:
- Thế này anh ạ, giống chó nói chung khi ra ngoài đường gặp người lạ, rồi bị các phương tiện giao thông tác động... dễ sinh ra cắn bậy. Đặc biệt, chó có thể mắc bệnh dại, rất nguy hiểm khi cắn người. Chính vì vậy, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ đã có quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Một số người ngồi uống nước ở quán cà phê bên cạnh cũng thêm vào:
- Đúng đấy! Mỗi lần gặp ông dắt đàn chó qua đây, người đi xe đạp, đi bộ, kể cả đi xe gắn máy cũng cứ phải tránh xa. “Mồm chó vó ngựa”, biết thế nào...
Người đàn ông dắt theo đàn chó bấy giờ đã hiểu ra:
- Dạ, dạ! Ông đây và các bác góp ý đúng quá. Tôi đã chủ quan, nhất định sẽ không tái diễn ạ.
Nói rồi, anh dắt đàn chó quay trở lại.
Lúc này, ông Thắng mới nhắc nhở mấy đứa trẻ:
- Các cháu chú ý. Thấy chó ra đường mà không rọ mõm thì phải tránh xa và tìm cách góp ý với chủ của chó. Như thế là góp phần thiết thực vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đô thị văn minh...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/cho-coi-thuong-viec-ro-mom-cho-726475