Chợ Đầm tròn Nha Trang vẫn chưa hồi kết

UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhiều đợt đối thoại, tiếp xúc với các tiểu thương liên quan đến việc đóng cửa chợ Đầm tròn cũ và hoạt động của chợ Đầm mới.

Dự án chợ Đầm mới đã được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang đầu tư thực hiện từ năm 2013, theo phương án khu chợ Đầm tròn sẽ bị đập bỏ, các lô sạp sẽ di dời vào khu chợ Đầm mới.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, các tiểu thương liên tục phản đối việc đập bỏ chợ Đầm tròn. Các tiểu thương cho rằng cần giữ lại chợ Đầm tròn vì là biểu tượng của TP Nha Trang, một nét văn hóa của phố biển với kiến trúc độc đáo. Chính vì vậy, hiện nay xảy ra tình trạng "xung đột" khi chợ Đầm tròn không được hoạt động, bị cắt điện nước, còn khu chợ Đầm mới quy mô 3 tầng, tổng diện tích hơn 21.000 m2 đã hoàn thành năm 2016 thì lại ế ẩm, bỏ trống nhiều ô sạp. Trong tổng số 278 hộ tiểu thương, chỉ có 100 hộ đã đăng ký điểm kinh doanh tại chợ Đầm mới. Còn 178 hộ tiểu thương vẫn chưa đăng ký.

Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có quyết định phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh đối với các hộ tiểu thương còn lại trong chợ Đầm tròn cũ di dời vào chợ Đầm mới.

Theo phương án này, các tiểu thương khi đăng ký di dời vào chợ Đầm mới sẽ được UBND TP Nha Trang hỗ trợ 1 triệu đồng, UBND tỉnh hỗ trợ 2,5 triệu đồng/hộ và Công ty TNHH MTV Chợ Đầm hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, Công ty Chợ Đầm sẽ miễn 100% các khoản thu dịch vụ (bảo vệ, quản lý) trong thời hạn 1 năm.

Thế nhưng, tại các buổi tiếp xúc, đối thoại, nhiều tiểu thương chợ Đầm tròn vẫn không đồng tình với phương án của Sở Công Thương vì chưa bảo đảm quyền lợi của tiểu thương là "phải tốt hơn hoặc bằng so với chợ cũ".

Bên trong khu chợ Đầm Nha Trang mới là chợ Đầm tròn

Bên trong khu chợ Đầm Nha Trang mới là chợ Đầm tròn

Tại buổi tiếp xúc mới đây do UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, bà Lê Thị Kim Uyên, tiểu thương chợ Đầm tròn, cho biết nguyện vọng là giữ lại chợ Đầm tròn cũ và liên thông với chợ Đầm mới. "Phá bỏ chợ Đầm tròn cũ là lãng phí, thất thoát ngân sách" - bà Uyên nói.

Bà Tống Thị Sang, người có 3 lô sạp tại chợ Đầm tròn từ năm 1993, đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm quyền lợi của các tiểu thương, nếu giữ chợ Đầm tròn không phục vụ kinh doanh thì cần thỏa thuận bồi thường. Việc đóng cửa chợ Đầm tròn 3 năm nay khiến số hàng hóa trị giá cả tỉ đồng của bà bị hư hỏng cần có phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng công trình chợ Đầm tròn xây dựng đã lâu, hiện nay đã xuống cấp. Báo cáo khảo sát, kiểm định, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình chợ Đầm tròn Nha Trang của 1 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã khuyến cáo không tiếp tục sử dụng để bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các ý kiến, nguyện vọng của tiểu thương, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã giao UBND TP Nha Trang thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện thẩm tra đánh giá lại kết quả kiểm định nói trên. Đồng thời, có kế hoạch xử lý tài sản, hàng hóa bên trong chợ Đầm tròn đúng quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, chính xác.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-dam-tron-nha-trang-van-chua-hoi-ket-196241002190131789.htm