Cho những con tàu vượt sóng ra khơi

Trải qua nhiều thế hệ, ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển, đặc biệt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trái tim của mỗi ngư dân, khi hành nghề trên biển không chỉ đem lại cuộc sống no đủ cho họ, mà nơi đó còn là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hỗ trợ cho các gia đình ngư dân bị nạn trên biển đầu năm 2015.

Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi hỗ trợ cho các gia đình ngư dân bị nạn trên biển đầu năm 2015.

Vui đời đi biển

Lão ngư Nguyễn Văn Bưng, 62 tuổi đời, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã có 35 năm bươn chải với nghề lặn biển. Thuộc làu từng luồng cá, dò được từng vị trí có hải sâm, ông Bưng tường tận từng vùng biển ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Kể cho chúng tôi nghe những trải nghiệm về năm tháng ngược xuôi đi dò “bụng” biển, ông Bưng cười tươi nói: “Đi biển, chỉ có nghề lặn là tìm được nhiều loại hải sản quý. Bởi những loại hải sản có giá trị đều sống dưới tầng nước sâu. Con cá mú tuy có giá mấy trăm nghìn đồng mỗi kg, nhưng tìm được nó phải lặn vào trong các hốc, hang dưới đáy biển, tôm hùm cũng thế. Hải sâm một kg trên triệu đồng, rồi ốc u, ốc nón… đều là các loại hải sản có giá trị kinh tế cao”.

Ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình sơn, Quảng Ngãi vừa trúng đậm mùa cá nục.

Ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình sơn, Quảng Ngãi vừa trúng đậm mùa cá nục.

Nối nghiệp ông Bưng, con ông cũng bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản. Cũng chính nhờ nghề đi biển mà gia đình ông có được cơ ngơi khiến bao người mơ ước. Ngôi biệt thự bạc tỷ của ông đầy ắp các loại san hô, vỏ ốc… mà ông kiếm được cũng nhờ những chuyến đi biển Hoàng sa.

Nếu như nghề lặn cho ngư dân hải sản có giá trị kinh tế cao thì nghề lưới rê ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) cho ngư dân những mẻ cá chuồn kéo đến oằn tay. Vừa kết thúc chuyến biển Hoàng Sa trở về, ngư dân Lê Giúp, ở thôn Tân Mỹ người đã có 25 năm đi vùng biển Hoàng Sa, tự hào: “Chuyến biển này cũng kiếm được 200 triệu đồng từ vùng biển Hoàng Sa”.

Ngư dân Nghĩa An làm nghề lưới rê ở Hoàng Sa từ thời cha ông của ngư dân Lê Giúp. Ngày đó, ngư dân chỉ đi biển bằng thuyền buồm. Cứ khoảng 16 giờ chiều, ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ rồi theo chiều gió dong buồm vượt cửa biển Cổ Lũy đến Hoàng Sa.

Trong ký ức của người làm nghề lưới rê ở Nghĩa An, vùng biển Hoàng Sa ngày đó cá ken dày, chỉ cần rải tay lưới xuống là đã thu vô số cá chuồn. Những ngày biển động, các con tàu nhỏ không thể về bờ cập bến. Các hòn đảo Bom Bay, Chim Yến, Đá Lồi, Bạch Quy… trở thành điểm neo bình yên của mỗi con tàu ngư dân đánh bắt quanh đảo.

Ngư dân lại có dịp quần tụ lại với nhau trên những hòn đảo nhỏ, kể cho nhau nghe những câu chuyện quê nhà, cùng ngắm biển, ngắm bãi cát vàng óng ả đẹp đến ngẩn ngơ ở đảo Tri Tôn của Việt Nam. Cho đến bây giờ, dẫu Trung Quốc có ngang nhiên ngăn đường ra khơi của ngư dân, nhưng hằng ngày, ngư dân Quảng Ngãi vẫn đến với biển, gắn lá cờ trên mũi con tàu tung bay trên vùng biển Việt Nam là niềm vui, niềm tự hào của đời đi biển trong mỗi ngư dân.

Điểm tựa ngư trường truyền thống

Những ngày gần đây, Biển Đông đang “nóng”. Tàu Trung Quốc đã liên tục uy hiếp, tấn công tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho bà con ngư dân vùng biển, nhưng ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là điểm đến của hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.

Chiều 30-6, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, Lê Quang Thích khẳng định, sáu tháng đầu năm 2015, đã có 34 tàu cá Quảng Ngãi với 480 lượt ngư dân bị tàu nước ngoài xua đuổi, uy hiếp, tấn công. Trong đó, tàu Trung Quốc đã uy hiếp, tấn công trực diện 23 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, với số lượng ngư dân là 316 người. Bình quân mỗi tháng có bốn tàu cá ngư dân bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tấn công, thu tài sản trên tàu, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cũng theo ông Lê Quang Thích, trong sáu tháng đầu năm 2015, có tám tàu hải cảnh, 180 tàu cá của Trung Quốc, ba ca-nô xâm phạm và hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong đó, có những trường hợp áp sát huyện đảo Lý Sơn 15 đến 16 hải lý (khoảng 30 km). So với cùng kỳ năm 2014, Trung Quốc tăng sáu lượt tàu hải cảnh và 161 lượt tàu cá xâm phạm lãnh hải Việt Nam, đặc biệt là vùng biển Quảng Ngãi.

Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên truyền và tập huấn cho bà con ngư dân vừa đánh cá, vừa bảo vệ chủ quyền, triển khai nhanh chóng những chính sách hỗ trợ ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai Nghị định 67/CP về cho vay đóng mới tàu cá.

Đến nay, ngư dân đã đóng mới tám tàu, trong đó, có ba tàu hậu cần, năm tàu đánh cá (có bốn tàu đánh cá bằng vỏ thép từ 800-1.000 CV đã đi vào hoạt động)… Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuẩn bị vị trí xây dựng Đài tưởng niệm tử sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Nhiều ngư dân khẳng định: “Trung Quốc chặn đường ta ra khơi, bắt ép, đâm va tàu thuyền của ta, nhưng làm sao ngăn được ý chí quyết tâm của ngư dân ra vùng biển chủ quyền của đất nước”.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Cuối tháng 6 này, tiết trời nắng nóng, nhưng trên bến, dưới thuyền vẫn tấp nập những con tàu vượt sóng ra khơi khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù, thời điểm này Trung Quốc ngang nhiên cấm tàu cá của ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vẫn nối tiếp nhau ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản.

Ngư dân Võ Ngọc Thạch, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), chủ tàu cá QNg 94411 từng bị Trung Quốc thu giữ tàu nhiều lần, nhưng không sợ, hiện đang có hai tàu hành nghề giã cào. Anh Thạch nói: “Họ cứ tưởng thu tàu cá là ngư dân bỏ biển. Nhưng vùng biển này là nơi mưu sinh bao đời nay thì cớ sao phải bỏ. Dù họ có hành động hung hăng, chúng tôi vẫn quyết bám biển để mưu sinh”.

Ông Phan Hiển, Chi hội trưởng nghề cá xã Phổ Thạnh, cho biết, hiện xã có gần 700 tàu cá đang đánh bắt các vùng biển xa, trong đó, có 520 tàu cá đánh bắt ở vùng biển vịnh Bắc bộ.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, Nguyễn Quốc Chinh vui vẻ nói, hiện trên 60 tàu cá của nghiệp đoàn vẫn đang bám biển Hoàng Sa với tinh thần rất khí thế. Nhờ được nhà nước hỗ trợ tiền sửa chữa lại tàu, anh em quyết tâm bám biển. Hằng ngày, nắm bắt tình hình đánh bắt của bà con, kịp thời động viên ngư dân giữ vững lòng tin với tinh thần bám biển, làm giàu từ biển.

Mùa này, về các làng chài ven biển, tôi nghe tiếng quay búa, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ở các triền đà vẫn nhộn nhịp. Ngư dân Trương Hoài Phong, ở xã Nghĩa An chỉ vào đôi tàu chuẩn bị hạ thủy, giọng đầy tự hào nói: “Cũng nhờ biển mà từ hai bàn tay trắng giờ tôi đã có ba đôi tàu, mỗi chiếc công suất 450 CV, trị giá hàng chục tỷ đồng”.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.500 chiếc tàu cá, với tổng công suất gần 810.000 CV (riêng tàu công suất 90 CV trở lên chiếm trên 60%). Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, ngư dân đã đóng mới 120 chiếc tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên. Các tàu cá này đều khai thác hải sản xa bờ. Ngư dân cũng chủ động cải hoán, thay máy nâng công suất tàu cho khoảng 180 chiếc, bảo đảm việc đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ra Hoàng Sa khai thác hải sản.

Tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ra Hoàng Sa khai thác hải sản.

Hai mươi năm về trước, với chiếc la bàn và con tàu bé nhỏ vẫn ra biển tốt. Giờ với những con tàu có công suất lớn, thiết bị hiện đại đã cho ngư dân Quảng Ngãi thêm niềm tin, vững vàng vươn khơi khai thác hải sản có hiệu quả và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

MINH TRÍ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dong-hanh/item/26761102-cho-nhung-con-tau-vuot-song-ra-khoi.html