Chợ quê ngày rằm
Rằm tháng 7 là ngày lễ truyền thống của người Việt trong năm. Đây là dịp người dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân với tổ tiên và các bậc sinh thành. Về các miền quê Hà Tĩnh dịp rằm tháng 7 mới thấy rõ hơn đời sống khởi sắc của các làng quê và vẻ đẹp truyền thống hiếu – nghĩa của dân tộc đang được giữ gìn và phát huy.
Chợ quê nhộn nhịp mua bán trước ngày rằm tháng 7
Chúng tôi có mặt ở chợ Phủ (Thạch Châu, Lộc Hà) lúc 6 giờ sáng, nhưng không khí chợ “rằm” ở đây đã rất nhộn nhịp. Người bán, kẻ mua náo nhiệt. Đặc biệt, nhiều thứ hàng hóa dành để phục vụ ngày lễ mà ngày thường không có đã được người dân mang đến bày bán ra cả ngoài cổng chợ.
Nhiều thứ hàng hóa dành phục vụ ngày rằm ở chợ quê
Bác Nguyễn Quyết Chiến (Thạch Mỹ), người mang lá dong để gói bánh chưng đi bán cho biết: “Tôi dậy lúc 4 giờ sáng để cắt lá dong trong vườn, 5 giờ 30 đã mang lên đây để bán. Rằm không được như tết, nhưng cũng có nhiều người gói bánh chưng để cúng tổ tiên, ông bà”. Bác cho biết thêm, hai ngày ngay đã bán được 500 ngàn, hi vọng hôm nay sẽ bán được nhiều hơn, vì sát ngày nhiều người mới mua.
Cây nhà lá vườn mang ra chợ rằm tháng 7
Còn bà Tứ Liên (chợ Thạch Hạ , TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhà bà có trồng mấy cây bưởi đợi đến rằm mới cắt ra bán cho được giá. Vì ngày rằm ai cũng có nhu cầu mua hoa quả thắp hương mà phải có cuống, có lá mới dễ bán”.
Theo phong tục một số địa phương, những người đàn ông làm công quả cho nhà thờ họ tộc phải tự mình đi "sắm lễ vật" cho rằm tháng 7.
Không chỉ nhiều “thương lái không chuyên” đem cây nhà lá vườn tự trồng được ra bán, chợ ngày rằm tháng 7 còn có những khách hàng đặc biệt. Họ là những người đàn ông làm công quả ở các nhà thờ họ.
"Gà giò" được chọn lựa với nhiều tiêu chí như chân phải vàng, mồng phải đỏ...
Bác Hồ Sỹ Phòng - người làm công quả cho nhà thờ họ đang mua sắm ở chợ Eo (Hậu Lộc, Lộc Hà) chia sẻ: “Sắm đồ lễ rằm cho họ phải thành tâm và kỹ càng. Phải chọn được hoa quả tươi có cành lá để dâng lên bàn thờ họ tộc. Có sắm sửa đàng hoàng như thế tổ tiên mới chứng cho mà phù hộ cho con cháu”.
Không đơn thuần mua bán như ngày thường, đây là dịp họ thể hiện sự kỹ càng và thành tâm của mình đối với lễ vật dâng lên tiên tổ.
Trầu cau là thứ không thể thiếu trong lễ vật dâng cúng tổ tiên.
Đi chợ rằm tháng 7 để phục vụ cho lễ thờ cúng tổ tiên của người Việt từ lâu là một truyền thống đẹp. Về các miền quê Hà Tĩnh dịp rằm tháng 7 mới thấy rõ hơn đời sống khởi sắc của các làng quê và vẻ đẹp truyền thống hiếu – nghĩa của dân tộc đang được giữ gìn và phát huy.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/cho-que-ngay-ram/177457.htm