Cho tiền ăn xin: Giúp người hay làm xấu bộ mặt xã hội?

Việc người dân cho tiền ăn xin vô hình chung tạo nên một bộ phận ăn bám xã hội, sống dựa vào tình thương của cộng đồng. Thậm chí, tạo ra các tổ chức chăn dắt ăn xin, bóc lột sức lao động người già, trẻ em, người tàn tật… từ đó phát sinh các hệ lụy xã hội khôn lường.

Hệ lụy từ "nghành ăn xin”: Đã đến lúc người Việt nên tỉnh táo

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM vừa khuyến nghị người dân không cho tiền người ăn xin, lang thang. Việc cho tiền trực tiếp sẽ khiến tình trạng người ăn xin xuất hiện nhiều ở thành phố. Thay vào đó, việc giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nên thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện.

Chính quyền địa phương cần chủ động rà soát để phát hiện, xử lý nhanh chóng hiện các đối tượng chăn dắt ăn xin hoặc lợi dụng đối tượng yếu thế (người già, trẻ em).

Nhà nước đã có các trung tâm bảo trợ xã hội và hành lang pháp lý để bảo vệ, chăm sóc cho các đối tượng cần bảo trợ.

Việc người dân cho tiền ăn xin vô hình chung tạo nên một bộ phận ăn bám xã hội, sống dựa vào tình thương của cộng đồng. Thậm chí, tạo ra các tổ chức chăn dắt ăn xin, bóc lột sức lao động người già, trẻ em, người tàn tật… từ đó phát sinh các hệ lụy xã hội khôn lường mà cơ quan chức năng khó kiểm soát, quản lý.

 Một người tàn tật ở ngã tư Linh Đàm Ảnh: báo Dân sinh

Một người tàn tật ở ngã tư Linh Đàm Ảnh: báo Dân sinh

Lâu lâu, báo chí lại phanh phui việc trẻ em bị lợi dụng, bị chăn dắt để xin tiền nhưng thực trạng này đến nay, không thuyên giảm. Những kẻ chăn dắt biến các đối tượng trẻ em, người già, người tàn tật thành “phương tiện” kiếm tiền dựa vào lòng thương hại của cộng đồng.

Thành phố, khu du lịch toàn người ăn mày, một phần cũng vì chúng ta quá dễ mủi lòng và cho tiền họ 1 cách dễ dàng. Hành động cho đi tưởng chừng như cao cả của chúng ta nhưng không đúng đối tượng, vô hình chung lại tạo ra một bộ phận nhóm người ngồi lề đường ăn bám xã hội. Thậm chí, tạo ra cả một tổ chức, ngành nghề ăn xin làm xấu đi bộ mặt xã hội trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.

Ngoài người Việt, những năm gần đây còn xuất hiện tình trạng người nước ngoài ăn xin ở Việt Nam, lợi dụng tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt để mưu sinh, thậm chí là trục lợi.

Nên chăng đã đến lúc người dân cần tỉnh táo hơn trong cách thức giúp đỡ cộng đồng?

Ăn xin, càng cho càng nở rộ

Một người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải đi ăn xin thì không có gì là xấu, người ăn xin bình thường thì cũng không gây hại cho xã hội. Nhưng nếu việc ăn xin lại có sự bảo kê, chăn dắt, bóc lột sức lao động người tàn tật, người già yếu, trẻ em thì đó là tội ác. Mà cái chính ở đây, việc ngày càng xuất hiện nhiều người ăn xin, sự việc đã biến tướng quá nhiều.

"Không cho tiền người ăn xin" không phải không nhân đạo. Lòng nhân đạo, nhân ái luôn được khuyến khích, nhưng phải đặt đúng chỗ, đúng người, đúng lúc. Nếu không, nó không chỉ uổng phí mà còn khiến cho người nhận luôn ỷ lại, chây lười lao động.

Tất cả các tỉnh thành đều có trung tâm bảo trợ xã hội, chính quyền địa phương cũng có đoàn thể. Người già, trẻ nhỏ không có ai chăm sóc sẽ có trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng miễn phí...

 Một hình ảnh gây bão cộng đồng mạng ở Vĩnh Phúc.

Một hình ảnh gây bão cộng đồng mạng ở Vĩnh Phúc.

Chúng ta cho một đứa bé ít tiền, thì chỉ lúc sau, bố mẹ hoặc đối tượng chăn dắt sẽ lột sạch. Nhiều bố mẹ sẽ đẻ con thậm chí "bán" cho bọn chăn dắt, như những trường hợp báo chí đã phanh phui. Những kẻ bất nhân đó sẽ để bọn trẻ bẩn thỉu, rách rưới, thậm chí tạo vết thương để gây xót xa. Phải chăng, đứa bé càng kiếm được nhiều, thì tương lai nó càng mờ mịt, vì ăn mày dễ kiếm hơn đi học, đi làm.

Nếu chúng ta cho tiền, đứa bé sẽ không bao giờ được đi học, sẽ ăn mày cả đời, sẽ bị bôi bẩn, thậm chí bị hành hạ để đổi lấy lòng thương của thiên hạ... vậy hành động cho tiền của chúng ta có đúng?

Chúng ta cho tiền với suy nghĩ đó là lòng thương, cho người già, người tàn tật, người nghèo vô lối mà không nghĩ rằng: Liệu có khiến họ nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ? Có đúng với một xã hội văn minh?

Một đồng nghiệp của tôi từng tâm sự, mỗi khi gặp người ăn mày, muốn biết thật hay giả, đều bảo: “Tôi có nhiều mối quan hệ. Tôi sẽ đưa ông, bà, anh, chị, cháu... vào trung tâm bảo trợ để Nhà nước nuôi suốt đời, có chỗ ăn, chỗ ở, được đi học, được tạo công ăn việc làm...”.

Tưởng rằng người được giúp sẽ vui vẻ, hào hứng, thế nhưng họ lập tức bỏ đi.

Quay trở lại việc TP Hồ Chí Minh khuyến nghị người dân không cho tiền người ăn xin, có thể thấy, việc giải quyết vấn nạn này tại một thành phố lớn đông dân nhập cư, không phải là điều dễ dàng. Dù có đề xuất ra nhiều biện pháp khác nhau, nhưng chưa thể có kết quả tức thời. Tuy nhiên, nếu không làm ngay thì vấn nạn này sẽ tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn.

Các thành phố, đô thị, vùng miền khác trên cả nước, cũng cần phải như vậy.

Và đối với tất cả chúng ta, cần dừng lại ngay việc cho tiền người ăn xin.

Minh Hải

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/cho-tien-an-xin-giup-nguoi-hay-lam-xau-bo-mat-xa-hoi-1266892.html