Cho trẻ 'nghịch bẩn' để... khỏe - Đừng xây 'lồng kính' nuôi con
'Có nên để con vui chơi lấm bẩn?' trở thành câu hỏi quen thuộc được các phụ huynh đề ra. Thực tế, câu trả lời cho vấn đề này vô cùng đơn giản. Bởi, để con lấm bẩn chính là 'chìa khóa' cho sự phát triển toàn diện.
Cha mẹ cần thay đổi niềm tin rằng, để trẻ chơi tự do ngoài trời sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đồng thời, phụ huynh cũng cần thay đổi quan niệm về “nghịch bẩn”.
Tránh thận trọng “quá mức”
Được vui chơi thỏa thích dường như là mong muốn của bất kỳ ai. Đặc biệt, trẻ em – nhóm “yêu” ăn, ngủ và chơi luôn mong muốn được tự do làm những điều mình muốn.
Tuy nhiên, ở xã hội đang chứng kiến sự “lên ngôi” của công nghệ, người ta bỗng nhìn thấy thế hệ trẻ em bị kìm hãm hơn. Thay vì chạy nhảy, cười đùa ở sân chơi, nhảy dây, trốn tìm…, không ít trẻ “thu mình” lại trong nhà sau mỗi giờ học.
Sẽ không còn xa lạ khi trẻ em “dán mắt” vào những chiếc màn hình, thiết bị điện tử. Trong khi đó, một số phải “vùi” đầu vào bài vở. Bởi, các em được yêu cầu học quá nhiều thứ, tới nỗi quên những giờ phút dành cho việc thư giãn. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thường đặt ra quy tắc hạn chế trẻ vui chơi. Bởi, họ lo sợ con có thể gặp nguy hiểm, bị thương hay lấm bẩn.
Tuy nhiên, thực tế theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, việc chơi ở bên ngoài sẽ giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết để sống kiên cường và độc lập hơn. Các hoạt động vui chơi không theo kế hoạch, như nghịch trong đất bẩn có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, kích thích sự sáng tạo và kỹ năng xử lý vấn đề.
Không quá khi nói rằng, một số phụ huynh đang cản trở quá trình phát triển của con khi hạn chế trẻ tự do vui chơi. Theo Liên Hợp Quốc, “chơi” là một quyền cụ thể của tất cả trẻ em. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thể thao và Giáo dục Thể chất quốc gia Hoa Kỳ, phụ huynh nên cho trẻ em có ít nhất 30 phút/ngày được chơi dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và ít nhất 60 phút/ngày chơi tự do.
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo – nhà sáng lập phòng khám Happy Baby (TPHCM) chỉ ra rằng, chơi đùa với người thân có những tác động vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của hệ cơ, xương khớp. Đồng thời, giảm nguy cơ mắc các căn bệnh đô thị hiện đại như tiểu đường, béo phì, nuôi dưỡng các kỹ năng cảm xúc - xã hội, nhận thức ở trẻ.
Chơi là cách để trẻ em khám phá cả giới hạn của thế giới, cả giới hạn của chính mình. Được vui chơi, được lấm bẩn, chính là lúc trẻ trở nên tự lập, thúc đẩy trí tò mò, sáng tạo.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nghe quá nhiều thông tin về ô nhiễm môi trường, bụi bẩn trong không khí, lạm dụng hóa chất trong trồng trọt và ô nhiễm nước. Vì thế, sẽ là điều hoàn toàn dễ hiểu khi không ít ông bố, bà mẹ trở nên quá lo lắng việc con bị vấy bẩn. Việc con chơi và để lại những vết bẩn có mùi trên quần áo, tay chân lấm lem sẽ bị gán nhãn là “hư”, thậm chí phải nhận kỷ luật từ cha mẹ”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, sự thận trọng “quá mức” của người lớn có thể gây hại cho tương lai trẻ. Thực tế, làm bẩn và tiếp xúc với vi khuẩn trong tự nhiên là một cách tốt để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe, cả thể chất và tinh thần của trẻ.
Bên cạnh đó, việc chơi ngoài trời cùng đất, cát, bùn đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của bộ não và phẩm chất, nhân cách của trẻ.
Vô vàn lợi ích nhờ lấm bẩn
“Những lợi ích thường được nhắc đến đối với việc nghịch bẩn là góp phần giúp con cải thiện và kích thích hệ thống miễn dịch. Trái ngược với quan ngại của cha mẹ, những nghiên cứu còn chứng minh rằng, trong bụi bẩn có một loại vi khuẩn có tên là Mycobacterium vaccae”, PGS Nam dẫn chứng.
Chuyên gia này lý giải, vi khuẩn Mycobacterium vaccae thực sự có lợi cho sức khỏe của trẻ, nhờ làm tăng hàm lượng serotonin. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh giúp làm dịu, trấn tĩnh và thư thái. Những nghiên cứu trường diễn còn chứng minh rằng, trẻ chơi nhiều với bụi bẩn sẽ ít bị trầm cảm hơn khi trưởng thành.
Bên cạnh đó, theo PGS Nam, không ít bằng chứng cho thấy, hệ miễn dịch của trẻ sẽ tự động được tăng cường khi tiếp xúc với bụi bẩn và vi trùng. Các nhà khoa học phát hiện, cơ thể chúng ta đang bắt đầu bỏ sót những vi khuẩn hữu ích nhiều hơn các thế hệ trước. Chuyên gia này nhấn mạnh, điều đó có nghĩa là trẻ em hiện nay không được tiếp xúc với vi khuẩn tốt.
“Do hệ miễn dịch yếu đi, người ta có xu hướng dùng nhiều kháng sinh cho trẻ em. Điều này càng có hại vì thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi trùng xấu, mà còn tiêu diệt vi trùng tốt, khiến sức khỏe của trẻ càng có vấn đề”, PGS Nam chia sẻ.
Không những vậy, chuyên gia này cho biết, không ít bằng chứng cho thấy, những đứa trẻ sống ở các vùng quê ít bị dị ứng và hen suyễn. Việc ăn các loại trái cây dại cũng làm tăng hệ vi khuẩn đường ruột có lợi. Vì vậy, những trẻ ở khu vực này giảm khoảng 50% các bệnh liên quan đến đường ruột so với trẻ lớn lên trong môi trường vô trùng.
Thậm chí, có nghiên cứu phát hiện, những bệnh nhân ung thư được điều trị bằng một loại vi khuẩn nhất định được tìm thấy trong đất cho biết, chất lượng cuộc sống của họ tăng đáng kể.
“Việc chơi tự do ngoài trời không ngại vấy bẩn còn mang lại rất nhiều lợi ích khác như không làm trẻ chìm đắm với thế giới của thiết bị di động và công nghệ. Trẻ được phép chơi tự do buổi sáng sớm và sau 4 giờ chiều thường có chỉ số hạnh phúc cao hơn. Tiếp xúc với bùn đất và môi trường tự nhiên cũng khiến chúng phát triển tinh nhạy 8 giác quan. Chính xác là 8 giác quan, không chỉ có nghe, nhìn, ngửi, nếm, chạm sờ”, PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, chơi còn giúp trẻ phát triển hệ thống tiền đình. Góp phần giúp giữ thăng bằng cơ thể tốt hơn, kiểm soát các chuyển động và phản xạ di động của cơ thể. Đồng thời, giúp trẻ phát triển cảm giác về vị trí các bộ phận cơ thể trong không gian, như: Cảm giác nhấc chân mức độ nào để lên cầu thang hoặc sử dụng áp lực nhấn bao nhiêu khi đi thang máy.
Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ phát triển cảm giác trong cơ thể mình, nhận diện được sự khác thường các bộ phận trong cơ thể và phản ánh lên não.
Giúp con là đứa trẻ hạnh phúc
“Việc chơi tự do ngoài trời với đất cát bùn bẩn cũng tạo ra trong não những kết nối mới và hệ quả đi kèm là các khả năng như vận động, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, học tập, sáng tạo và xã hội hóa. Những đứa trẻ được chơi ở mọi ngóc ngách thường am hiểu hơn về thế giới mà chúng đang sống, sơ đồ hóa về mặt không gian tốt hơn.
Nói cách khác, chơi ngoài trời có thể giúp con trẻ không rơi vào trạng thái “gà ngơ” - tình trạng khó khăn tâm lý do thiếu tương tác xã hội”, PGS Nam cho hay.
Tham gia chơi với đất cát cũng khiến trẻ phát triển cá tính, trở nên dũng cảm hơn, ưa thích các thử thách mạo hiểm. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, trẻ được rèn luyện sự năng động và khả năng đánh giá nguy cơ rủi ro tốt hơn.
“Hơn nữa, việc chơi vui như vậy cũng tạo ra cho trẻ những kỷ niệm ấn tượng khó quên. Nhờ đó, khi lớn lên, đối diện với những sự kiện đau khổ, đứa trẻ vẫn có thể tìm về ký ức vui vẻ như vậy để cân bằng tâm lý và tiếp tục đương đầu với khó khăn. Những nghiên cứu trường diễn đã chứng minh, trẻ ít vận động trong những năm mẫu giáo thường trở thành người lớn lười vận động và nguy cơ béo phì tăng gấp 3”, PGS Nam cảnh báo.
Tuy nhiên, không ít cha mẹ quan niệm rằng, việc giữ con trong nhà sẽ an toàn hơn cả. “Trời ơi, bò xuống đất xong đưa tay lên mặt”; “Ai mà đi chân đất thế kia? Dép của con đâu?; “Ra ngoài chơi dễ cảm lắm, mà lại nhiều vi khuẩn”… Có lẽ, đây là những câu nói không quá xa lạ của một số phụ huynh. Với những ông bố, bà mẹ như vậy, việc để trẻ ra ngoài vui chơi lấm bẩn dường như là điều “không tưởng”.
Tuy nhiên, chia sẻ về tình trạng này, PGS.TS Trần Thành Nam khuyến khích, cha mẹ cần thay đổi niềm tin rằng, để trẻ chơi tự do ngoài trời sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đồng thời, những phụ huynh này cũng cần thay đổi quan niệm về “nghịch bẩn”.
Dũng cảm để con… bẩn
“Đến người lớn như bố mẹ bây giờ cũng rất thích “nghịch bẩn” với tắm bùn hoặc nghịch cát khi đi biển. Nếu bố mẹ cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi tham gia các trò chơi đó, hãy dũng cảm để con được nghịch bẩn. Miễn là đảm bảo việc trẻ đi ủng, sử dụng găng tay để tránh làm đứt tay chân và đảm bảo khu vực chơi không bị nhiễm hóa chất tẩy rửa độc hại là được”, chuyên gia chia sẻ.
Bởi vậy, theo PGS Nam, bố mẹ sẽ cần đóng vai là người tổ chức sáng tạo để con “nghịch bẩn”. Đối với một số phụ huynh “bí” ý tưởng, chuyên gia này gợi ý, cha mẹ có thể đưa con một cái xô và xẻng, để con ra một khu đất. Khi đó, trẻ sẽ tự chơi và biến buổi chiều của cha mẹ trở thành “thiên đường”.
Ngoài ra, cha mẹ có thể tạo ra một khu vườn nhỏ để con có thể tự sắp đặt và chăm sóc cây. Hoặc, phụ huynh cùng con thu thập và nghiên cứu lá cây, tìm hiểu sâu, kiến, hoa dại. Thậm chí, nhiều trẻ đã học được cách nhận biết các mùi khác nhau và tìm hiểu sớm về sự phân hủy của lá. Đặc biệt, cha mẹ nên “mạnh dạn” để trẻ chơi với vật nuôi và không cần quá lo lắng về việc chúng có bẩn không.
“Hiện tại, với mức độ đô thị hóa nhanh chóng khắp mọi nơi như hiện nay, việc tạo môi trường cho con được “nghịch bẩn” lại càng quan trọng. Trẻ cần được tiếp xúc với một lối sống mà trước đây chưa được trải nghiệm. Những trò chơi rất bình thường của người lớn trước đây bây giờ đã trở thành triết lý giáo dục của hôm nay. Đó là tiếp cận dạy học kiến tạo, dạy học trải nghiệm”, PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.