Chợ truyền thống ngày càng thất thế

Cách thức buôn bán lạc hậu, kỹ năng bán hàng của tiểu thương ít thay đổi, khiến cho hàng hóa tại các chợ truyền thống tiêu thụ chậm, ngày càng vắng khách...

Buôn bán ế ẩm

Cận tết Dương lịch, nhưng mấy hôm liền, quầy hàng của chị Nguyễn Ngọc Trà ở Trung tâm thương mại Đắk R’lấp vẫn ế khách. Có nhiều hôm, mở quầy cả ngày không bán được mặt hàng nào.

Chị Trà vừa chia sẻ: “Kinh doanh mặt hàng quần áo, giày dép đã ngót 10 năm nhưng chưa năm nào ế ẩm như năm nay. Thu nhập của người dân giảm, sức mua vì thế cũng giảm theo. Tiểu thương lên chợ mở quầy cho đỡ buồn, chứ lượng khách không đáng kể”.

 Do lượng khách quá ít nên nhiều quầy bán hàng tại Trung tâm Thương mại Đắk R'lấp đóng cửa

Do lượng khách quá ít nên nhiều quầy bán hàng tại Trung tâm Thương mại Đắk R'lấp đóng cửa

Cách đó không xa, chị Trần Kim Thư, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, giày dép cho biết: “Nông sản mất giá, mất mùa. Đời sống, thu nhập của người dân giảm sút. Buôn bán qua mạng bằng hình thức online ngày một nhiều, nên lượng khách mấy năm gần đây cũng giảm sút. Nhiều hôm chẳng buồn lên mở quầy. Vì có mở cũng chỉ đi lại, lướt điện thoại cho qua ngày chứ khách vắng lắm”.

Trung tâm thương mại Đắk R’lấp có tổng cộng 75 gian hàng. Hiện tại, chỉ có 25 gian hàng hoạt động thường xuyên. Số còn lại đang bỏ trống. Một số khác do không có khách nên tiểu thương thường xuyên đóng cửa.

Chợ Đắk Mil cũng là một trong những địa điểm thu hút sức mua của người dân khá lớn. Thế nhưng, thời điểm cận tết như những ngày qua, số lượng khách không đáng bao nhiêu.

Anh Phạm Hiển, tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ cho hay: “Hoạt động kinh doanh chỉ trông đợi mỗi dịp gần Tết. Hơn 5 năm trước, thời điểm này bán hàng không kịp thở. Tôi phải thuê thêm người, hàng chất đầy kho mà vẫn không đủ để bán. Còn năm nay chỉ dám lấy cầm chừng”.

Cũng trong tình trạng bán hàng ế ẩm, bà Đỗ Thị Thu Hà chia sẻ: “Khách đến chợ giờ ít lắm. Họ chủ yếu mua vài mớ rau, con cá ăn trong ngày chứ chẳng mấy ai sắm Tết. Như những năm trước, thời điểm cuối năm là mùa làm ăn của các tiểu thương tại chợ. Riêng năm nay, chúng tôi chẳng cập rập chuyện nhập hàng mới về phục vụ Tết vì lượng khách quá ít. Do vậy, khi nào gần hết hàng chúng tôi mới gọi chứ không ôm hàng như trước kia. Lỡ không bán được, tiểu thương cũng điêu đứng”.

 Nhiều cửa hàng mở cửa hoạt động nhưng không có khách ghé mua

Nhiều cửa hàng mở cửa hoạt động nhưng không có khách ghé mua

Sức cạnh tranh kém

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay sức mua của người dân tại các chợ truyền thống giảm nhiều. Ngoài nguyên nhân chính là do dịch bệnh, thu nhập người dân giảm, còn nhiều lý do khác tác động đến. Đó là tâm lý mua sắm, thói quen đi chợ của người dân có nhiều sự thay đổi.

Nhiều đối thủ cạnh tranh với chợ truyền thống như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… hoạt động ngày càng nhiều. Thậm chí, ngay cả các chợ tạm, chợ tự phát hoạt động cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua tại các chợ truyền thống, nhất là địa bàn nông thôn, địa bàn tập trung đông dân, người lao động.

Ông Phạm Văn Bền, Phó Ban quản lý Trung tâm Thương mại Đắk R’lấp cho biết, có quá nhiều “kênh” kinh doanh cạnh tranh với chợ truyền thống như: thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

Hiện nay, các nhà sản xuất xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ, phân phối hoặc giao hàng tận nơi. Vì vậy, tiểu thương không cần tìm đến chợ mua sỉ như trước. Chợ ế, khách ít, mãi lực yếu… "Tình trạng này kéo dài mấy năm nay rồi. Các tiểu thương vẫn gắng gượng vì đây là nghề từ lâu rồi”, ông Bền chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Bình, Phó Quản lý chợ Đắk Mil, ngoài sự cạnh tranh của các hình thức bán hàng mới, kỹ năng bán hàng cũng là yếu tố quyết định. Hiện nay, tại các chợ truyền thống, các tiểu thương chủ yếu bán hàng dựa vào kinh nghiệm, ít có sự đổi mới. Trong khi, nhiều hình thức bán hàng hiện nay đều chú trọng đến kỹ năng này. Tất cả sản phẩm từ lúc sản xuất đến tận tay người tiêu dùng đều hướng đến việc phục vụ khách hàng.

Tại Đắk Nông, hiện có gần 50 chợ truyền thống và nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ phân phối trên địa bàn. Vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh ở các chợ truyền thống có dấu hiệu chững lại. Người dân chuyển từ mua sắm chợ truyền thống sang siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại…

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

1,010

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/cho-truyen-thong-ngay-cang-that-the-83920.html