Cho vay tín chấp đối với người lao động: Cũng là câu chuyện 'tình và tiền'!

Ngày đầu tháng 11, trong khuôn khổ cuộc tọa đàm về nhu cầu tín dụng của công nhân diễn ra ở TPHCM, xuất phát từ số liệu khảo sát bước đầu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - CVSEAS (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) về thực trạng tín dụng vi mô (tập trung cho đối tượng công nhân), các chuyên gia đã đưa ra những kiến nghị giải pháp mang tầm vĩ mô.

 Với mức lương hàng tháng không quá 7 triệu đồng, đời sống hàng ngày của công nhân luôn thiếu trước hụt sau. Ảnh: Thành Hoa

Với mức lương hàng tháng không quá 7 triệu đồng, đời sống hàng ngày của công nhân luôn thiếu trước hụt sau. Ảnh: Thành Hoa

Ông Phạm Thanh Thôi, Phó giám đốc CVSEAS, thành viên ban chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân phía Nam”, cho biết khảo sát được thực hiện trên 7 địa bàn gồm TPHCM, Hậu Giang, An Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy kích cỡ khảo sát nhỏ (chọn hơn 150 trường hợp mang tính đại diện để thực hiện bảng câu hỏi), nhưng nhóm khảo sát đã kết hợp phỏng vấn sâu 60 trường hợp và điều tra thực địa trong hơn hai tháng với góc độ tiếp cận nhân học và xã hội học để ghi nhận những yếu tố tác động đến nhận thức, trải nghiệm và quyết định của chủ thể vay vốn.

Gia tăng sự phụ thuộc vào tín dụng

Ông Thôi cung cấp các số liệu khảo sát về lương công nhân (kể cả tăng ca): dưới 5 triệu đồng/tháng (32%), 5-7 triệu đồng (58%), 7-10 triệu đồng (4,7%), trên 10 triệu đồng (5,3%, chủ yếu thuộc công ty có vốn nước ngoài). Ông cho biết: “Nhìn chung, với mức lương hàng tháng không quá 7 triệu đồng, đời sống hàng ngày của công nhân, nhất là những người có gia đình - con cái, luôn thiếu trước hụt sau. Khoản trông đợi và là niềm hy vọng của họ được đặt vào cuối năm (thưởng Tết) với tháng lương 13 và một vài khoản tăng thêm, nếu có”.

Cũng theo khảo sát, tỷ lệ công nhân cho rằng nguồn vốn vay luôn cần thiết là 58%, lúc cần lúc không là 40,7%. Họ vay cho những nhu cầu chi tiêu định kỳ và thường xuyên (tiền nhà trọ, tiền học phí cho con, trả nợ vay trước đó...), những chi tiêu trong đời sống hàng ngày hay những tình huống cấp thiết (chữa bệnh, sửa chữa chỗ ở, giúp đỡ cha mẹ/vợ chồng lúc cần...). Công nhân chọn vay từ rất nhiều nguồn. Khi cần tiền gấp, họ vay với tất cả các nguồn mà họ biết, từ vay người thân (58%), vay thế chấp/tín chấp ở ngân hàng (19%), vay các công ty tài chính của ngân hàng (71%), đặc biệt, số người vay từ những cá nhân trong cộng đồng nơi họ cư trú hoặc nơi làm việc lên tới 89%.

Về quy mô dư nợ và lãi suất trong các hợp đồng vay tín chấp với các công ty tài chính, tỷ lệ người vay nhiều nhất dưới 10 triệu đồng/lần là 5%, từ 10-19 triệu đồng là 33%, từ 20-49 triệu đồng là 35%. Số còn lại vay trên 50 triệu đồng/lần là những trường hợp có thâm niên làm việc trên bảy năm ở TPHCM hoặc trong công ty nước ngoài. Trong vòng năm năm vừa qua, có 81% đã ký 1-2 hợp đồng vay, 19% ký tới 3-4 hợp đồng.

Khảo sát cũng cho thấy trong những trường hợp “vay nhanh” (vay gấp), số người vay nhiều nhất dưới 5 triệu đồng chiếm 76%, từ 5-10 triệu đồng 11%, từ 11-29 triệu đồng là 9%, và trên 30 triệu đồng là 4%. Mức trả lãi họ phải chịu đối với trường hợp “cho vay thân quen” ở mức 50.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, còn lại là từ 80.000-150.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Ông Thôi cho biết, chỉ có 24% có quyền sở hữu nhà (tức có tài sản thế chấp), phần lớn còn lại ở nhà thuê, nhất là tại các địa bàn có “tính đô thị hóa”. Ngoài khó khăn về tài sản thế chấp (với 85% cho là “đúng”), những khó khăn khác được gọi tên dành cho kênh cho vay thế chấp như thủ tục rườm rà (89%), tốn chi phí hồ sơ (58%), giải ngân chậm (71%)..., và một kết quả bất ngờ là 90% cho biết họ không có thời gian đi làm thủ tục vay!

Có những nhận thức và trải nghiệm trong công nhân đã dẫn đưa cuộc sống của họ theo xu hướng gia tăng sự phụ thuộc vào các hợp đồng vay vốn tín chấp với các cá nhân, tổ chức tín dụng - TCTD (đặc biệt là phi ngân hàng), bất kể lãi suất cao và tính bảo vệ pháp lý rất thấp. Chẳng hạn khi nêu cảm nhận về kênh cá nhân cho vay, 93% cho biết thủ tục dễ dàng, không cần thế chấp (94%), có tiền nhanh (100%), được thỏa thuận thời gian trả nợ (87%), không tốn phí hồ sơ (94%), được vay nhiều lần (47%)...

Theo ông Thôi, không thiếu những hợp đồng vay không chỉ có lãi suất cao mà còn không minh bạch. Người vay dễ sa vào những “bẫy nợ”, những rủi ro không được bảo vệ, những bế tắc nợ nần, những khủng hoảng tinh thần..., và hệ lụy có khi là tệ nạn hay bi kịch thương tâm đã xảy ra trong gia đình và xã hội.

Vấn đề xã hội cấp thiết

Tại tọa đàm, một số ý kiến cho thấy các hoạt động tài chính vi mô hiện chưa đủ sức lan tỏa. Theo ông Thôi, các ngân hàng chính sách cho vay tín chấp nhưng những người có hoàn cảnh lao động xa quê lại không dễ tiếp cận. Bà Hạ Thị Thiều Dao, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết với bốn tổ chức tài chính vi mô trên cả nước hiện nay, nhìn chung các tổ chức này cần thêm những điều kiện giúp phát triển nguồn vốn cho vay.

Ở cương vị của người đặt hàng CVSEAS thực hiện công trình khảo sát nêu trên, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LVPB), chia sẻ rằng ông quan tâm tìm hiểu sự tác động của thị trường cho vay tín chấp và lãi suất cao hiện nay lên số đông người thu nhập thấp, không chỉ giới công nhân mà cả nông dân và những đối tượng lao động nghèo khác ở góc độ xã hội học mà khảo sát nêu trên là viên gạch đầu tiên. “Những kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng không chỉ là cơ sở nghiên cứu giúp điều chỉnh định hướng hoạt động cho LVPB mà xa hơn là muốn tác động vào cách nghĩ về một vấn đề xã hội”, ông nói. Vấn đề xã hội đó là việc bảo trợ cho tầng lớp lao động có đời sống ổn định hơn. “Hiện nay, vì làm không đủ sống, những người lao động lương thiện có nguy cơ cao sa vào guồng cho vay của các TCTD hoạt động ngoài quy định”, ông nói.

Theo ông Thắng, nếu hệ thống tín dụng chính quy bao gồm cả hệ thống ngân hàng thương mại có thể cấp tín dụng tín chấp cho người lao động một cách nhanh chóng với lãi suất hợp lý bằng một hệ thống dịch vụ tiện lợi và lành mạnh thì sẽ góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi những đường dây tín dụng đen đang nảy nở kéo theo nhiều hệ lụy.

Cũng theo ông Thắng, trên cơ sở các nghiên cứu nhu cầu và hành vi tiêu dùng, việc giải quyết những vấn đề kỹ thuật như tiếp cận nguồn cầu, thiết lập hạn mức tín dụng, xác định lãi suất, đa dạng sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục, quy trình giải ngân nhanh... không phải là chuyện quá khó đối với các ngân hàng. Vấn đề chính nằm ở rủi ro pháp lý khi mà “các ngân hàng vốn dĩ phải tuân theo một hệ thống quy định rất chặt chẽ”. Do vậy, điều mấu chốt là sự thay đổi chính sách - từ những chính sách vĩ mô liên ngành đến định hướng hoạt động cho hệ thống tín dụng trong cho vay tiêu dùng hướng tới người lao động.

Xem rủi ro tín dụng là chi phí “trị bệnh xã hội”

Đồng thuận với cách tiếp cận xã hội học trong vấn đề cấp tín dụng cho người lao động, ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu quan điểm cá nhân: “Vấn đề này cần được điều chỉnh ở phương diện chính sách”. “Nếu xem tình trạng các tầng lớp lao động chịu phụ thuộc nặng nề vào các hợp đồng vay nặng lãi và thiếu minh bạch hiện nay là vấn nạn lớn thì cần phải “cấp cứu” trước khi nói tới việc hạn chế”, ông Phước ví von.

Và để cấp cứu, theo ông Phước, cần sử dụng biện pháp mạnh. “Một mặt, dưới góc độ cung cầu thị trường, cần ghi nhận các công ty tài chính tiêu dùng đã đáp ứng được một nhu cầu có thực, nhưng mặt khác, họ phải được kiểm soát bằng pháp luật”, ông nói và cho rằng cần thiết lập trần lãi suất cho vay đối với các công ty tài chính, ví dụ 20%/năm. Mọi thể loại hợp đồng đều phải được “phiên dịch” ra một mức lãi suất cụ thể và không được phép vượt trần.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Phước cho rằng các nghiên cứu sắp tới cần lượng hóa được quy mô tín dụng của phân khúc nhu cầu đặc biệt này là khoảng bao nhiêu so với tổng dư nợ của hệ thống tín dụng. Từ đó, xem xét dùng cả hệ thống TCTD lớn mạnh làm nguồn bù đắp những rủi ro của một hoạt động ít sinh lợi và nhiều rủi ro.

“Các TCTD lớn có thể thành lập các công ty tài chính cấp tín dụng tiêu dùng cho công nhân, nông dân, những người lao động thu nhập thấp... Rủi ro tín dụng từ những đối tượng vay này có thể được bù đắp bằng các quỹ của TCTD, coi đó như là “chi phí trị bệnh xã hội”, thậm chí có thể xóa nợ và cán bộ tín dụng được bảo đảm không bị hình sự hóa (nếu không có dấu hiệu móc ngoặc, tiêu cực). Những điều này nên thể chế hóa bằng chính sách, luật lệ. Tôi cho rằng vấn nạn nợ xấu không từ nguồn vay này. Vấn đề là ta có thực lòng chia sẻ khó khăn, thiếu thốn với những tầng lớp thất thế trong xã hội hay không, có muốn đẩy lùi tín dụng đen đang xâm thực lợi ích của người nghèo hay không, có đủ quyết tâm và muốn đi đến tận cùng các giải pháp hay không”, ông Phước nói.

Thanh Phương

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/296489/cho-vay-tin-chap-doi-voi-nguoi-lao-dong-cung-la-cau-chuyen-tinh-va-tien-.html