Chọn mô hình kinh tế để khởi nghiệp

Mô hình nuôi dúi thương phẩm chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, vòng xoay vốn nhanh được Anh Lừ Văn Long, ở bản Khoa, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên lựa chọn mô hình để khởi nghiệp, bước đầu đã mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho người nông dân.

Anh Lừ Văn Long (thứ 2 bên trái) trao đổi quy trình nuôi dúi.

Anh Lừ Văn Long (thứ 2 bên trái) trao đổi quy trình nuôi dúi.

Tháng 4/2020, anh Long mua 23 đôi dúi về nuôi. Thấy dễ nuôi, dễ chăm sóc, tốn ít diện tích làm chuồng, anh đầu tư mua thêm dúi về, đến nay gia đình có gần 200 con. Anh Long chia sẻ: Dúi rất dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm, ngủ ngày. Dúi ưa mát, nên chuồng nuôi phải rộng, có thể xây bằng gạch hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước cao 60 x 50 x 50cm. Ngoài ra, vào mùa hè, có thể sử dụng hệ thống phun nước trên mái chuồng giúp chống nóng kết hợp với quạt để giảm nhiệt chuồng nuôi. Dúi thuộc loài gặm nhấm, nên không được nuôi nhốt chung cả đàn, mà chỉ nhốt 2-3 con một chuồng. Khi trưởng thành, nuôi thương phẩm có thể tách riêng mỗi chuồng 1 con.

Thức ăn của dúi là các sản phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như mía, ngô và phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ để dúi không bị tiêu chảy, đây là bệnh thường gặp khi nuôi dúi. Khi nuôi từ 6-7 tháng là có thể ghép đôi để chúng sinh sản. Sau đó, khoảng nửa tháng thì tách dúi cái nuôi riêng để sinh sản.

Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Sau khi sinh nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống, với giá khoảng 1-2,5 triệu đồng/cặp dúi giống. Do tuân thủ các kỹ thuật nuôi nhốt, đàn dúi của gia đình anh Long sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay gia đình anh đã có gần 200 con dúi sinh sản và dúi thịt. Nếu không nuôi sinh sản, thì 6-7 tháng dúi đạt trọng lượng từ 1,8-2,5kg, có thể xuất bán cho các nhà hàng, quán ăn, với giá giao động từ 4-5 trăm nghìn đồng/kg. Một năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Long thu lãi trên 200 triệu đồng từ nuôi nhím.

Theo anh Long, hiện nay trên thị trường, nguồn dúi thương phẩm còn hiếm, thương lái tìm đến tận nơi thu mua, nên không phải lo thị trường đầu ra. Thời gian sinh trưởng của dúi không dài, công chăm sóc đơn giản. Vì vậy, gia đình anh dự tính sẽ mở rộng mô hình nuôi dúi lên khoảng 500 con. Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Lừ Văn Long đang được các hộ dân trong bản, trong xã đến học và nhân rộng.

Phạm Phượng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chon-mo-hinh-kinh-te-de-khoi-nghiep-48681