Chọn nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam ra sao cho hiệu quả?
Theo dự kiến, khoảng đầu tháng 12/2022, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ triển khai.
Cần làm gì để việc phân chia gói thầu tránh được sự manh mún? Xác lập tiêu chí ra sao để thẳng tay loại nhà thầu yếu là những vấn đề cần đặt ra...
Không chia nhỏ gói thầu
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần với chiều dài 729km, sẽ được khởi công trước ngày 31/12/2022 theo Nghị quyết của Chính phủ. Như vậy, thời gian từ nay chỉ còn chưa đầy 2 tháng.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT, trong tháng 10/2022, công tác thiết kế kỹ thuật dự án phải hoàn thành. Trong tháng 11/2022, hoàn thành dự toán toàn bộ dự án, đồng thời, mời đơn vị kiểm toán vào kiểm tra, thẩm định trước khi tiến hành chỉ định thầu.
Dự kiến, khoảng đầu tháng 12/2022, công tác lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện, đảm bảo khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Để phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu, từ đầu tháng 9/2022, phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Theo đó, 12 dự án thành phần với chiều dài 729km được đề xuất chia thành 30 gói thầu (phạm vi khoảng 20 - 40km/ gói thầu).
Giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng/ gói thầu. Số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/ gói thầu. Một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn 1 gói thầu.
Cuối tháng 9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về báo cáo nói trên.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GTVT tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp theo đúng thẩm quyền quy định tại các Nghị quyết của Chính phủ và của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, cũng như quy định pháp luật về đấu thầu.
Thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không chia nhỏ gói thầu (vì quá nhiều gói thầu sẽ mất rất nhiều thời gian, khó liên thông kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí, tăng tổng mức đầu tư…); phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch...
Gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên có thể chọn được nhà thầu lớn
Một chuyên gia giao thông cho biết, các Nghị quyết liên quan đến chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam không đề cập đến quy mô gói thầu. Trong khi đó, đề xuất của Bộ GTVT trong phương án đã báo cáo Chính phủ là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, việc xây dựng quy mô gói thầu, lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, không chia nhỏ gói thầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin thêm, vị này cho biết, thực tế, gói thầu đề xuất phân chia dự án ở giai đoạn 2 đã lớn hơn rất nhiều so với các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn trước.
Ở giai đoạn 1, quy mô gói thầu trung bình là 1.500 tỷ đồng, chỉ có một gói 2.200 tỷ đồng tại dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây và một gói 3.200 tỷ đồng dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, với khả năng, trình độ, doanh thu của nhà thầu Việt Nam hiện nay, một gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên đã có thể lựa chọn được nhà thầu lớn có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công và tránh được tình trạng manh mún trong phân chia thầu.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng VN, quy mô gói thầu từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng là hợp lý trong bối cảnh hầu hết nhà thầu Việt Nam vẫn hạn chế về nguồn vốn, máy móc còn phải đi thuê.
Mức 3.000 tỷ đồng cũng là mức an toàn để một doanh nghiệp làm hạ tầng kỹ thuật giao thông ở Việt Nam có thể thi công gói thầu trong thời gian từ 1 - 2 năm, đủ thời gian để nhà thầu đầu tư, huy động máy móc, thiết bị, nhân sự thực hiện gói thầu.
“Phân chia gói thầu lớn hơn sẽ đòi hỏi năng lực tài chính lớn. Quá trình triển khai dự án, không ngoại trừ có thời điểm giá vật tư, vật liệu tăng cao, vốn tín dụng bị siết. Nếu nhà thầu không kịp huy động tài chính cho gói thầu, nguy cơ lỡ tiến độ rất cao”, ông Hiệp nói.
Định hình tiêu chí sàng lọc nhà thầu
Theo đại diện Phòng Pháp chế - Đấu thầu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ gồm công trình đường bộ cấp I, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp III trở lên.
Theo quy định của pháp luật về xây dựng và đấu thầu, nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu phải đáp ứng điều kiện: Có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét; Có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (có cùng loại và cấp công trình) và có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét.
Về nguồn lực tài chính, nhà thầu tham gia phải đáp ứng doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất tương đương với giá gói thầu đang xét.
Ngoài ra, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu. Trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu phải đảm bảo không có sự trùng lặp nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu, đáp ứng nguồn lực tài chính cho từng gói thầu.
Trường hợp liên danh tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh theo các tiêu chí trên.
“Để sàng lọc các nhà thầu năng lực thi công hạn chế, đi vào hợp đồng cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu đưa vào hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu điều khoản quy định tại gói thầu được chỉ định, đơn vị thầu chính phải đảm nhận 70% giá trị hợp đồng. Khối lượng dành cho nhà thầu phụ không được quá 30% giá trị hợp đồng gói thầu”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin và cho biết, chế tài xử lý trường hợp không tuân thủ các nội dung hợp đồng đã ký cũng sẽ được xác định rõ.
Hình thức nhẹ nhất là đôn đốc, nhắc nhở, nặng hơn là điều chuyển khối lượng thi công. Cuối cùng là chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng xảy ra, theo quy định của pháp luật phải gửi cho Bộ KH&ĐT đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm. Khi đó, nhà thầu sẽ bị loại đối với các gói thầu ở các dự án về sau.
Quy định này có vai trò như một biện pháp sàng lọc, đảm bảo tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam là những nhà thầu tự tin nhất về năng lực của mình.
Minh bạch kết quả, giám sát chặt thỏa thuận liên danh
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, để chủ trương chỉ định thầu phát huy được hiệu quả về tiến độ, chất lượng thực hiện dự án trong thời gian gấp rút, việc chỉ định cần ưu tiên phân chia gói thầu cần căn cứ theo năng lực các nhà thầu.
“Ví dụ, có 10 doanh nghiệp cam kết đủ năng lực thi công gói thầu giá trị từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì nên nghiên cứu chia 10 gói 5.000 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhận gói thầu từ 3.000 tỷ trở lên thì chia 5 gói. Không nên chia đều, cào bằng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lớn thi công gói thầu nhỏ, nhà thầu nhỏ lại chật vật với gói thầu lớn”, ông Thắng nói.
Đánh giá ở các dự án giao thông vẫn có nguy cơ tái diễn tình trạng nhà thầu “đi cửa sau” để được chỉ định thầu hoặc chỉ định ghép vào liên danh nhưng năng lực yếu, tài chính, thiết bị không đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho rằng, công tác chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tới đây cần phải công khai rộng rãi cả về tiêu chí và kết quả lựa chọn.
“Khi ấy, giám sát doanh nghiệp trúng thầu không chỉ là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà còn là người dân, các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông bị “trượt” vòng chỉ định. Căn cứ vào hồ sơ do thầu chính đề xuất, nếu thầu phụ kém, không đúng năng lực so với khối lượng công việc được giao, việc xử lý thầu chính cũng phải thực hiện”, ông Chủng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, để công tác quản lý trong chỉ định thầu được hiệu quả, trong trường hợp liên danh, số lượng tối đa trong liên danh không quá 3 đơn vị trong một gói thầu và chỉ nên là 2 đơn vị/gói thầu, tránh phân mảnh gói thầu, giảm hiệu quả của cơ chế chỉ định thầu.
“Các ban QLDA phải yêu cầu đơn vị tham gia thầu trình thỏa thuận liên danh, chú trọng phân công trách nhiệm phục vụ cho việc bảo hành sau này và trách nhiệm nếu có vấn đề về chất lượng”, ông Hiệp chia sẻ.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Đề xuất lập tổ giám sát cộng đồng
Để đảm bảo các dự án cao tốc giai đoạn 2 được thực hiện hiệu quả, cơ chế giám sát triển khai thực hiện là hết sức quan trọng.
Ngoài việc thực hiện tốt quy định của pháp luật về giám sát, cần bổ sung thêm một công cụ giám sát nữa đó là giám sát cộng đồng chuyên gia.
Với quan điểm đó, tôi đề xuất giải pháp như sau: giao Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các hội nghề nghiệp chuyên ngành thành lập Tổ Giám sát cộng đồng chuyên gia. Chất lượng của các thành viên sẽ quyết định nhiều đến hiệu quả hoạt động của Tổ. Tổ sẽ có kế hoạch giám sát cụ thể, theo từng giai đoạn của dự án, lắng nghe ý kiến của nhà thầu, của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý để kịp thời có các báo cáo giám sát, trong đó có kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa đúng quy định của các bên liên quan.
Phùng Đô (Ghi)
Rất ít nhà thầu đáp ứng điều kiện gói thầu lớn
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo dự án đầu tư được duyệt, tổng mức đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có giá trị khoảng 7.643 - 20.500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 - 15.131 tỷ đồng.
Theo khảo sát, trường hợp phân chia gói thầu có quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng, trong 5 năm gần đây, chỉ có 1 nhà thầu đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỷ đồng. Mở rộng 10 năm gần đây, có 1 nhà thầu đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 11.430 tỷ đồng.
Các nhà thầu được khảo sát còn lại không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu quy mô từ 5.000 - 15.000 tỷ đồng với tư cách là nhà thầu độc lập mà phải thành lập tổ hợp (liên danh khoảng 5 - 10 nhà thầu).