Chơn Thành nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức hội

Tính đến tháng 9-2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Phước có 181.620 hội viên, đạt tỷ lệ 55,57% phụ nữ toàn tỉnh tham gia vào tổ chức hội. Cả tỉnh còn 41 cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức hội dưới 60%. Để đạt chỉ tiêu 'Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu 100% cơ sở hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn' do Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 đặt ra, nhiều giải pháp thiết thực đã được các cơ sở hội triển khai và đạt hiệu quả thiết thực. Thị xã Chơn Thành là một ví dụ.

Những giải pháp hay

Là công nhân Khu công nghiệp (KCN) Becamex - Bình Phước, chị Vy Thị Biên Thùy hiện đang ở tại khu nhà trọ của bà Nguyễn Thị Lộc, khu phố 4, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành. Từ sự tuyên truyền, vận động của nữ chủ trọ cũng là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ nhà trọ, chị Thùy trở thành hội viên Hội Phụ nữ. Chị Thùy chia sẻ: “Tham gia Hội Phụ nữ, tôi thấy rất vui khi được các chị, các cô quan tâm hỗ trợ. Ngoài việc học hỏi nhiều kinh nghiệm bổ ích, tôi được tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người. Luật Giao thông đường bộ...”

Chị Vy Thị Biên Thùy (ngoài cùng, bên trái) cho biết, bản thân đã học hỏi được nhiều điều bổ ích khi tham gia tổ chức hội

Chị Vy Thị Biên Thùy (ngoài cùng, bên trái) cho biết, bản thân đã học hỏi được nhiều điều bổ ích khi tham gia tổ chức hội

Bà Nguyễn Thị Lộc, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ nhà trọ khu phố 4 cho biết, chi hội được thành lập từ năm 2022, ban đầu có 18 hội viên đều là các nữ công nhân, do một số chị em chuyển đi nên hiện tại còn 15 hội viên. Biết hội viên ít có thời gian sinh hoạt trực tiếp với tổ chức hội, bà đã linh hoạt trong phương thức tổ chức. “Đối với chị em chưa có gia đình, tôi tập trung tuyên truyền về quan hệ giao tiếp, ứng xử với bạn bè, các kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ nữ, giữ gìn vệ sinh môi trường... Đối với hội viên có năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao, tôi sẽ giới thiệu cho các chương trình, phong trào của phụ nữ phường”, bà Lộc nói.

Chi hội phụ nữ Lớp mầm non độc lập Hoa Mai, phường Minh Thành cũng là một trong những chi hội đặc thù. 9 hội viên trong chi hội đều là các cán bộ, giáo viên. Dù số hội viên ít, nhưng mọi người đều nhiệt tình tham gia, hưởng ứng các phong trào do Hội Phụ nữ phường phát động, nhất là các phong trào gắn liền với môi trường làm việc như: tuần lễ áo dài, phụ nữ tham gia chuyển đổi số... Chị Lê Thị Minh Hải, chủ lớp, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ở đây khẳng định, “Thuận lợi lớn nhất khi thành lập tổ chức hội trong trường mần non là các cô giáo gặp nhau hằng ngày. Do đó, nhiều vấn đề chúng tôi có thể cùng nhau trao đổi, bàn luận trực tiếp để đi đến thống nhất”.

Chủ tịch Hội LHPN phường Minh Thành Huỳnh Thị Tuyết Hoa cho biết, tuy số lượng hội viên trong một chi hội đặc thù không nhiều nhưng tính chất sinh hoạt chi hội rất phong phú, đa dạng. Các hội viên có thể sinh hoạt trên các nhóm Zalo, Facebook... Công tác tuyên truyền nhờ vậy cũng nhanh hơn so với tập hợp trực tiếp như chi hội nông thôn. “Với sự linh động trong phương thức sinh hoạt, Minh Thành hiện đã thu hút được gần 63% phụ nữ trên địa bàn phường tham gia tổ chức hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm các mô hình đặc thù theo nhóm, theo đối tượng nhằm thu hút, tập hợp chị em, qua đó nâng cao hơn nữa tỷ lệ hội viên từ 18 tuổi trở lên vào Hội Phụ nữ”.

Chủ tịch Hội LHPN phường Minh Thành Huỳnh Thị Tuyết Hoa (ngoài cùng, bên trái) đến thăm Chi hội Phụ nữ Lớp mầm non độc lập Hoa Mai

Chủ tịch Hội LHPN phường Minh Thành Huỳnh Thị Tuyết Hoa (ngoài cùng, bên trái) đến thăm Chi hội Phụ nữ Lớp mầm non độc lập Hoa Mai

Theo Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình, toàn thị xã hiện có gần 10.000 hội viên phụ nữ, chiếm tỷ lệ 64% phụ nữ của địa phương. Thời gian qua, Hội LHPN thị xã đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút, tập hợp nữ công nhân, lao động tự do trong độ tuổi tham gia tổ chức hội như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động hội” và luôn đồng hành cùng cơ sở “Lắng nghe phụ nữ nói, nói cho phụ nữ hiểu và làm cho phụ nữ theo”; thành lập các mô hình, câu lạc bộ đặc thù; quan tâm đến nữ lao động tự do, nữ lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn; trú trọng phát triển hội viên trong các doanh nghiệp tư nhân theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 về việc tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cô giáo mầm non dành đa phần thời gian trong ngày cho công việc chăm sóc trẻ nên ít tham gia được các chương trình của Hội Phụ nữ không liên quan đến môi trường làm việc

Cô giáo mầm non dành đa phần thời gian trong ngày cho công việc chăm sóc trẻ nên ít tham gia được các chương trình của Hội Phụ nữ không liên quan đến môi trường làm việc

Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình cho biết thêm, khi thực hiện mô hình “Lan tỏa yêu thương” cho nữ công nhân, lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn, hội đều được doanh nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, khi đặt vấn đề phát triển tổ chức Hội Phụ nữ, các doanh nghiệp đều quan tâm và ủng hộ nhiệt tình. Kết quả, nhiều chi hội phụ nữ đặc thù trong các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân đã được thành lập như: Chi hội Mầm non Sao Việt, Chi hội Mầm non Hoa Mai, Chi hội Văn phòng công chứng Trương Hậu, Chi hội Phòng khám đa khoa An Phú...

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, những năm qua, hoạt động phong trào công tác hội của Hội LHPN thị xã Chơn Thành đã được nâng lên. Việc thu hút ngày càng nhiều chị em vào tổ chức hội không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, uy thế của tổ chức Hội Phụ nữ ngày càng phát triển, mà còn góp phần hoàn thành chỉ tiêu “Đến cuối nhiệm kỳ, phấn đấu 100% cơ sở hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn” mà Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Khó khăn thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ ở Chơn Thành nói riêng, toàn tỉnh nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là lượng nữ lao động nhập cư chưa thực sự ổn định với cuộc sống tại nơi ở mới nên chưa mặn mà với tổ chức hội. Mặt khác, đời sống của nhiều phụ nữ còn khó khăn, một số chị em chưa thấy được lợi ích khi tham gia. Hình thức sinh hoạt của một số cơ sở hội cũng chưa phong phú. Các nhóm phụ nữ đặc thù khó vận động như: phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ các tôn giáo, phụ nữ cao tuổi, khuyết tật...

Hội viên phụ nữ xã Minh Thắng hưởng ứng Tuần lễ áo dài

Hội viên phụ nữ xã Minh Thắng hưởng ứng Tuần lễ áo dài

Đối với các hội viên là nữ giáo viên, chị Lê Thị Minh Hải, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Lớp mầm non độc lập Hoa Mai cho rằng, khó khăn chung hiện nay là các cô dạy dỗ và chăm sóc trẻ cả ngày, do đó chỉ thực hiện được các chương trình, phong trào có thể triển khai tại trường, còn các chương trình, phong trào khác, hội viên chỉ nắm bắt chứ không có thời gian tham gia.

Hội viên phụ nữ xã Minh Thắng tham gia các hoạt động chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10

Hội viên phụ nữ xã Minh Thắng tham gia các hoạt động chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10

Liên quan đến công tác phát triển hội viên ở cơ sở, chị Đặng Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành cho biết, toàn xã hiện có 980 hội viên phụ nữ, đa số đều là hội viên lớn tuổi và trung tuổi. “Chị em phụ nữ trên 18 tuổi chủ yếu đi học hoặc đi làm ăn xa tại các địa phương khác, hiện không có mặt tại địa phương. Do đó chúng tôi hầu như không còn nguồn để phát triển hội viên”, chị Nga bày tỏ.

Ngọc Huyền - Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/164223/chon-thanh-nang-cao-ty-le-phu-nu-tham-gia-to-chuc-hoi