Chồng chăm con để phụ nữ Dào San rủ nhau tới lớp

Ngày đi làm, tối đến chị em phụ nữ người Dao, người Mông, người Hà Nhì ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu lại mang sách vở đến học lớp xóa mù chữ. Lớp học mở ra là cái đói, cái nghèo, hủ tục cũng sẽ dần bị đẩy lùi.

 Chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 356 hướng dẫn phụ nữ viết chữ

Chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 356 hướng dẫn phụ nữ viết chữ

Xã Dào San nằm tít trên núi cao, quanh năm mây mù bảo phủ. Đây cũng là xã biên giới khó khăn của huyện Phong Thổ. Ở vùng biên giới này còn có rất nhiều phụ nữ chưa biết chữ. Họ đa phần là đồng bào người Mông, người Dao. Từ khi lớp xóa mù chữ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 mở ra, nhiều phụ nữ đã lấy chồng, sinh con, đẻ cái vẫn quyết tâm đến tham gia lớp học. Ngày họ ở trên nương, tối về đi học lấy cái chữ. Phong trào học tập của chị em phụ nữ ở Dào San là động lực để những cán bộ nơi đây mang cái chữ về với bản.

Chồng chăm con để vợ đi học

Mặt trời vừa khuất sau núi, sương mù đã bao trùm lấy bản Dào San. Vậy mà trên khắp các ngả đường dẫn về lớp học xóa mù chữ, đèn đuốc sáng rực. Tiếng phụ nữ í ới chào nhau. Họ ở tận bản cao cũng tìm về trung tâm xã học lấy cái chữ. Trên tay ai cũng cầm cái đèn pin và tập vở. Nhiều chị đã có tuổi, đầu hai thứ tóc cầm tập vở đi học lớp xóa mù chữ mà vui như những đứa trẻ lần đầu cắp sách đến trường. Đây là hình ảnh đẹp nơi miền sơn cước.

Thầy giáo của lớp là các chiến sĩ cùng các giáo viên của trường Dân tộc bán trú, tiểu học Dào San. Họ đã chuẩn bị đầy đủ phấn, bảng đen và quan trọng nhất là các thầy giáo luôn là người giữ nhịp cho lớp học này. Đến lớp học đa phần là chị em phụ nữ ở bản Dào San, bản Dền Thàng, bản U Ni Chải… Có nhiều học sinh còn nhiều tuổi hơn thầy giáo.

Lớp học xóa mù chữ được mở tại bản Dền Thàng A. Ảnh: Thanh Hoa

Lớp học xóa mù chữ được mở tại bản Dền Thàng A. Ảnh: Thanh Hoa

Chị Lù Thị Mẩy ở bản Dền Thàng là một trong những học viên đầu tiên tham gia lớp học. Để đến lớp đúng giờ, chị Mẩy đã phải sắp đặt mọi việc lớn nhỏ trong nhà từ chiều. Đứa con nhỏ chị gửi cho chồng chăm sóc. Chị Mẩy đến lớp với mong muốn biết đọc, biết viết. Chồng con chị cũng hết lòng ủng hộ. Họ cũng mong người phụ nữ trong gia đình đi học lấy cái chữ để cho cuộc sống đỡ cực hơn. Sau một tháng tham gia lớp học, chị đã biết đánh vần và viết được chữ rồi. Về nhà nhìn sách của thằng con út, chị đã đánh vần được vài chữ.

Biết đọc, biết viết là sự thay đổi lớn trong cuộc đời chị. Ở tuổi trăng rằm, chị đã lấy chồng. Về nhà chồng đi làm quần quật trên nương rồi sinh con đẻ cái. Chị đã bao giờ biết đến cái mặt chữ đâu. Thế rồi cán bộ bản và thầy cô giáo đến vận động chị đi học. Những ngày đầu nghe cán bộ nói vậy, chị ngại lắm. "Mình có mấy đứa con rồi. Giờ mới đi học, xấu hổ lắm. Nhưng cán bộ bảo, đi học để đời mình bớt khổ. Thế là mình đi", chị chia sẻ.

Trên lớp học, các thầy giáo kiên trì hướng dẫn học sinh đánh vần từng chữ O, A… Những bàn tay vốn quen làm nương, làm việc nhà trở lên cứng đờ khi viết chữ. Thầy giáo lại tận tình, cầm tay từng học sinh hướng dẫn họ viết từng nét chữ. Sự kiên trì đó diễn ra suốt nhiều ngày liền. Những bỡ ngỡ và ngại ngùng của học sinh trong lớp cũng dần trôi qua. Họ cũng quyết tâm học cho được cái chữ để không phụ lòng mong mỏi của thầy giáo.

Phụ nữ người Mông, người Dao, người Hà Nhì nơi đây ở độ tuổi 30 đến 50 tuổi đa phần đều không đi học hoặc có đi học nhưng bỏ học sớm. Trước đây, nhiều lớp xóa mù chữ ở Dào San cũng được mở ra, chị em cũng tham gia học. Nhưng do lâu ngày họ không sử dụng đến con số, chữ viết, nhiều người lại tái mù. Trước thực trạng này, Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 3 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356) đã phối hợp với Trường PTDT bán trú Tiểu học Dào San tổ chức khai giảng 2 lớp xóa mù chữ cho người dân ở xã Dào San.

Phụ nữ người Mông đến lớp học lấy cái chữ

Phụ nữ người Mông đến lớp học lấy cái chữ

Mẹ chồng, con dâu cùng đến lớp

Lớp học có 40 học viên là bà con dân tộc: Mông, Hà Nhì ở độ tuổi từ 15-60 đến từ các bản: U Ní Chải, Dền Thàng A, Dền Thàng B trên địa bàn xã Dào San. Khóa học diễn ra trong 9 tháng, các học viên sẽ được tiếp thu các kiến thức thuộc chương trình phổ cập xóa tái mù chữ.

Cán bộ chiến sĩ cùng các thầy cô giáo nơi đây sẽ thay nhau đứng lớp. Trước khi lớp học được mở ra, cán bộ phải đi đến từng bản vận động bà con tham gia lớp học. Vẫn phương châm đến từng nhà gặp từng người để mà vận động. Học thì ấm vào thân, nhưng vận động bà con ở vùng sơn cước này đến lớp quả là hành trình gian nan.

Cuộc sống của phụ nữ nơi đây còn nhiều vất vả, nên cả ngày họ làm quần quật trên nương. Tối họ mới về nhà, do vậy, cán bộ có muốn vận động cũng phải tranh thủ đến vào thời gian này. Nhiều phụ nữ chưa nói được tiếng phổ thông, chồng của họ thành người phiên dịch. Nói đến đi học, họ e dè và xấu hổ không muốn đi.

Đa phần các học viên của lớp là phụ nữ

Đa phần các học viên của lớp là phụ nữ

Thiếu tá Lê Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở chính trị số 3 là người đã gắn bó nhiều năm với bà con ở vùng cao. Việc mở lớp xóa mù chữ vừa là nhiệm vụ cũng là tình thương mà các chiến sĩ trong đội dành cho bà con.

"Quá trình bám nắm địa bàn, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn 2 xã đội phụ trách là: Mù Sang và Dào San có nhiều bà con chưa biết chữ, chưa biết nói tiếng phổ thông. Điều này khiến bà con e ngại khi giao tiếp, việc tính toán cũng gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và trực tiếp phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San để mở lớp", Thiếu tá Hùng chia sẻ.

Suốt những ngày đi hết bản này đến bản khác các chiến sĩ trong Đội đã 3 cùng với dân cùng ăn, cùng ở cùng làm. Những xa cách, e ngại của bà con cũng dần thay đổi trước sự nhiệt tình của các chiến sĩ trong Đội. Qua quá trình vận động và tuyên truyền, họ cũng dần nhận ra sự quan trọng của việc học. Nhiều gia đình có cả mẹ chồng và con dâu cùng đến lớp.

Mở được lớp học, rồi vận động được học sinh đến lớp, các chiến sĩ trong Đội còn vận động các nhà hảo tâm, quyên góp, hỗ trợ đồ dùng học tập cho học viên. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của các chiến sĩ trong đội, 2 lớp học được mở thành công vào đầu tháng 9/2022. Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Dào San đứng lớp dạy học. Thời gian học mỗi tuần 5 buổi vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Thanh Vân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chong-cham-con-de-phu-nu-dao-san-ru-nhau-toi-lop-2022100710040497.htm