Chồng chéo chức năng nhiệm vụ trong đảm bảo an toàn giao thông (bài 2)

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng 1 đạo luật, đó là lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực quản lý về đảm bảo TTATGT đường bộ. Với phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB năm 2008 như vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chuyên sâu của Nhà nước về TTATGT đường bộ, cần thiết phải tách thành 2 đạo luật cụ thể.

Những tiềm ẩn TNGT chậm được khắc phục

Luật GTĐB năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội do ngành Công an chịu trách nhiệm chính) và lĩnh vực xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật do ngành GTVT chịu trách nhiệm chính).

Chính vì vậy, việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGT ĐB thiếu rõ ràng, chưa rành mạch, không xác định được cơ quan nào chịu trách nhiệm chính dẫn đến chồng chéo, tăng tổ chức bộ máy và tăng biên chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về TTATGT ĐB như mục tiêu đề ra.

Trên thực tế thực thi nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, CSGT đã phát hiện ra không ít bất cập, gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên đường, thế nhưng, do không có thẩm quyền khắc phục bất cập nên CSGT phải kiến nghị ngành GTVT khắc phục, thay đổi. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, có rất nhiều kiến nghị của CSGT đã không được quan tâm khắc phục kịp thời, dẫn đến tai nạn liên tục xảy ra.

Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, thông qua công tác TTKS, chúng tôi phát hiện có nhiều bất cập trong tổ chức giao thông nên đã có văn bản kiến nghị nhưng có những điểm, đã kiến nghị hàng chục lần nhưng không được quan tâm khắc phục. Điển hình như 2 điểm đen tại km 133+200 và 142+600 QL1A mỗi điểm đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến hàng chục người tử vong nhưng sau nhiều lần kiến nghị, hiện nay vẫn chưa khắc phục.

“Tai nạn vẫn xảy ra, người dân vẫn thiệt mạng. CSGT cũng chỉ biết kiến nghị chứ không biết làm gì hơn” – Thượng tá Đặng Thanh Phong trăn trở. Sở dĩ CSGT chỉ được quyền kiến nghị vì theo quy định của Luật GTĐB thì CSGT chỉ có quyền kiến nghị để khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông (trong đó có các “điểm đen”) còn ngành GTVT mới có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa những bất cập đó.

Cán bộ Công an Vĩnh Phúc kiểm tra hồ sơ hàng nghìn GPLX tồn đọng do người vi phạm không đến xử phạt.

Cán bộ Công an Vĩnh Phúc kiểm tra hồ sơ hàng nghìn GPLX tồn đọng do người vi phạm không đến xử phạt.

Bất cập quy định đảm bảo TTATGT

Bên cạnh đó, nhiều chính sách trong lĩnh vực bảo đảm TTAT GTĐB còn thiếu, bất cập cần phải khắc phục, như Luật không quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, tính pháp lý thấp, thường xuyên thay đổi và nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn. Quy tắc giao thông còn thiếu, chung chung, chưa cụ thể, rõ ràng và sát thực tiễn, như: Thiếu quy định phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính; sử dụng làn đường; chuyển hướng; thiếu chú ý quan sát; sử dụng đèn tín hiệu; mở cửa xe… dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.

Đặc biệt, trên thực tế, các trường hợp mua bán, cho tặng xe nhưng không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đã gây thất thoát về kinh tế cho nhà nước, gây khó khăn trong việc quản lý phương tiện nhưng lại chưa có chế tài bắt buộc, đủ mạnh để xử lý tình trạng này. Chính vì vậy, khi xảy ra các vụ TNGT, lực lượng Công an đã phải mất rất nhiều thời gian để truy tìm người điều khiển phương tiện.

Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Phó Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết, khi khi xe bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông hoặc gây TNGT, cơ quan Công an sẽ truy tìm theo đăng ký xe. Chủ xe sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới về mặt hành chính cũng như hình sự nếu như xe sau khi đã bán, cho, tặng không sang tên chủ mới mà chiếc xe nằm trong diện tranh chấp, khởi tố hoặc điều tra vụ việc liên quan. Tuy nhiên, nhiều phương tiện đã bán qua nhiều đời chủ nên việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian.

Bên cạnh đó, quy định của Luật GTĐB 2009 chưa gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định, khi vi phạm pháp luật về giao thông và gây tai nạn giao thông, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Thiếu quy định về xe chạy bằng năng lượng điện, xe tự lái; quy định niên hạn sử dụng của xe môtô, xe gắn máy…

Cần sớm đưa Luật Bảo đảm TTATGT vào chương trình xây dựng Luật

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá năm 2019 Chính phủ đã rất cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu cuộc sống; có nhiều Luật khó nhưng đã hoàn thành được các mục tiêu; số Dự án Luật rút ra so với các Kỳ trước tương đối ít. Tuy nhiên, đề nghị cần làm tốt những dự án luật đã được đưa vào trong Chương trình, cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng và về thời gian, không thể vội vàng, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn về đề nghị đưa vào Chương trình Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề nghị Chính phủ xem lại nội dung này về tên và một số vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết.

Cơ bản tán thành với đề nghị xây dựng Chương trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị đối với mỗi dự luật thì cơ quan trình cần làm rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của dự án. Đề nghị cần có sự nghiêm túc hơn nữa trong sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, không chỉ đơn thuần là cơ quan trình dự án luật; ít nhất là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cần có sự tham gia sát sao với tất cả các dự án luật. Ngoài ra, cần đẩy nhanh hơn lộ trình của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để phát huy tốt năng lực của ngành y nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một luật mới được ban hành lại có xung đột với những luật hiện hành; cần có điều kiện, thời gian rà soát để xây dựng hệ thống phải luật đảm bảo bám sát với đời sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020; đồng thời đề nghị các dự án luật trình cần phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

P.T.

Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn nhiều sơ hở

Trong các vụ TNGT, thì có rất nhiều nguyên nhân do đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe vì trên thực tế, Luật chưa quy định quản lý quá trình chấp hành pháp luật về TTATGT của người được cấp giấy phép lái xe, dẫn đến khi được cấp giấy phép lái xe thì người lái xe gần như bị “bỏ ngỏ” không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Thiếu các quy định về quản lý người nước ngoài điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam.

Tại nhiều cuộc họp của Ủy ban ATGT quốc gia, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập đến việc các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe không được quy định trong Luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành, nên khi thực hiện đã bộc lộ nhiều kẽ hở trong công tác quản lý, nhiều lái xe chưa đảm bảo yêu cầu về trình độ, kỹ năng, đạo đức lái xe.

Sự lỏng lẻo trong công tác cấp và cấp lại giấy phép lái xe đã dẫn đến tình trạng hàng trăm nghìn giấy phép lái xe tạm giữ, bị tước quyền sử dụng, tồn đọng tại cơ quan CSGT mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Không ít trường hợp trong số đó, cơ quan CSGT phát hiện đã được cấp lại giấy phép lái xe khác, thậm chí có người sở hữu tới 2-3 giấy phép lái xe.

Từ năm 1995 trở về trước, việc tổ chức sát hạch, cấp, quản lý giấy phép lái xe do lực lượng Công an thực hiện khá chặt chẽ, nên ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức của người lái xe khá tốt, tình trạng vi phạm và số vụ TNGT nghiêm trọng do ý thức, trình độ lái xe không lớn.

Công tác quản lý nhà nước về giấy phép lái xe đồng bộ hơn, giám sát chặt chẽ lịch sử những lái xe vi phạm. Tuy nhiên, khi việc đào tạo, sát hạch lái xe, cấp, quản lý giấy phép lái xe được giao cho ngành GTVT đã phát sinh không ít hệ lụy. Việc đào tạo, sát hạch lỏng lẻo dẫn đến tình trạng lái xe có tiền sử tâm thần, đang bị truy nã, thậm chí đang thi hành án nhưng vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe.

Đây là nguyên nhân của nhiều vụ chống người thi hành công vụ, gây tai nạn thảm khốc đã từng xảy ra. Điển hình như vụ tai nạn trên QL14 thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, xe ôtô khách BKS 47V-2371 khi đang lưu thông hướng Đắk Lắk - Đắk Nông đã lao xuống sông Sêrêpôk khiến 34 người chết, 22 người bị thương vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định lái xe là Phạm Ngọc Lâm (SN 1970, trú ở Khánh Hòa) là đối tượng nghiện ma túy. Điều đáng nói là Lâm bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 8 năm tù giam nhưng không hiểu lý do gì, trong thời gian đang chấp hành án tại trại giam, Lâm vẫn được đổi GPLX (trong khi quy định đổi GPLX phải có ảnh chụp trước 6 tháng và giấy khám sức khỏe do cơ quan thẩm quyền cấp).

Vụ lật xe ôtô ở Núi Guộc, Nghệ An cũng khiến mọi người hết sức bất ngờ và bức xúc khi lái xe bị cụt 1 chân. Nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng như vụ xe container tông vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Kim Thành, Hải Dương hay vụ xe container đâm hàng chục xe máy ở Long An đều do lái xe nghiện ma túy gây ra.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX. Nên tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do hai lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa.

"Theo kinh nghiệm của một số nước (Nhật Bản, Singapore...) là những nước có hệ số an toàn giao thông cao thì việc đào tạo do cơ quan quản lý về giao thông chịu trách nhiệm còn sát hạch thuộc về lực lượng Cảnh sát vì lực lượng Cảnh sát nắm bắt được quá trình hoạt động của người lái xe như thói quen, các lỗi vi phạm thường gặp, đặc điểm giao thông của các vùng, miền..." - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-doc-cand/bai-2-chong-cheo-chuc-nang-nhiem-vu-trong-dam-bao-an-toan-giao-thong-591853/