Chong chóng lá dừa

Những buổi trưa hè đầy ắp gió ven bờ ao đầu ngõ, chắc hẳn không chỉ ở trong nỗi nhớ của mỗi mình tôi. Hồi ấy những cái ao rộng nối nhau chạy quanh làng xóm, ven bờ là những rặng tre xanh mướt, lúc nào cũng đu đưa, mát rượi. Tôi nhớ một bờ ao nhỏ có trồng hàng dừa nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước luôn gợn sóng lăn tăn. Tháng bảy, chúng tôi đang trong quãng giữa của kỳ nghỉ hè nên nghĩ ra nhiều trò chơi rôm rả hơn bao giờ hết. Lúc ấy, mùa vụ đã qua nên bọn trẻ con chúng tôi không phải ra đồng, suốt ngày chỉ có mỗi việc ăn, ngủ và đi chơi rông. Đấy là khi tôi còn nhỏ, hè về, chúng tôi không phải đến trường, không phải học thêm nên không có nhiều áp lực.

Sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi, chúng tôi rủ nhau ra ngồi dưới bờ ao hóng mát và kiếm trò giải trí. Mấy trò như thả đỉa ba ba, nhảy dây hay ô ăn quan đã không còn thú vị nữa. Chúng tôi thích ngồi dưới tán của dãy dừa cao lớn có những tàu lá như những chiếc lược xanh khổng lồ chải lên trời cao và ngắm những chùm quả to đùng sai lúc lỉu bằng ánh mắt thèm thuồng.

Nhưng tôi nghe mọi người hay bảo nhau theo một cách đầy ấm ức rằng: “Cây nhà ta quả nhà ta, muốn ăn thì vác sào ra mà chòi. Cây nhà người quả nhà người, chớ trông mỏi mắt chớ chòi mỏi tay”. Hàng dừa trồng trên đất bờ ao của một gia đình trong xóm. Chúng tôi tự biết mình không được phép dòm ngó trái dừa kia, vì léng phéng là chủ nhà đến tận nơi mách bố mẹ, ăn roi ngay chứ chả chơi.

Hồi ấy quả dừa rất có giá trị, món thịt kho cùi dừa chắc chúng tôi chỉ được ăn mỗi năm chừng vài bận. Còn nước dừa thì gần như là một thứ đặc sản, chỉ được uống khi bố tôi cất công đi “giả vốn” được vài quả dừa già đem về cưa ra làm gáo múc nước. Bể nước nhà tôi bao giờ cũng có một cái gáo có cán tre thật dài làm từ sọ dừa đã lên nước đen bóng. Uống nước mưa múc bằng gáo dừa nâu thẫm là một thứ nước giải khát hàng ngày sau những trò chơi bất tận.

Bọn tôi thường bị chủ nhà quát đuổi cho chạy tóe khói mỗi lần lân la định trèo lên ngọn dừa bẻ trộm lá. Thế nhưng, tài tình ở chỗ, cả lũ vẫn có đủ lá dừa làm chong chóng, đồng hồ, tết cào cào châu chấu… Mỗi đứa hai tay đeo hai cái đồng hồ và cầm hai cái chong chóng xanh biếc chạy như điên giữa trưa hè nắng cháy. Muốn chong chóng quay tít thì cần ra giữa trời nắng để chạy, và buổi trưa càng phải trốn ngủ rình chủ nhà sơ ý là trèo lên trộm lá.

Rất nhiều buổi trưa đầy gió, thằng Còi huýt sáo vang ngoài ngõ ra hiệu cho cả lũ cùng trốn ngủ đi chơi, gió mát thế này thì chỉ đi làm chong chóng lá dừa cho quay tít là nhất. Sau những lần bị đuổi chạy te tua thì nó cũng rút ra kinh nghiệm bằng cách lén đi một mình, nhẹ nhàng trèo lên cây, tước lấy một đoạn lá rồi nhẹ nhàng tụt xuống.

Nó bảo nếu gọi chúng tôi rồng rắn cùng đi thì có mà đến “mùa quýt” mới lấy được, bởi con chó nhà ấy vô cùng tinh nhạy, chỉ cần có tiếng động nhỏ là đã sủa ầm ĩ. Lá dừa dẻo, dai và rất bền, không dễ nhàu nát như lá chuối, dùng làm đồng hồ đeo tay, chong chóng và tết châu chấu cào cào thì rất tuyệt. Có lần tôi đã được ăn bánh gai bọc trong một cái hộp vuông vức xanh biếc làm từ lá dừa. Cái hộp xinh đến nỗi tôi đã ăn hết bánh rồi mà vẫn để lại cái hộp ngắm mãi, đến khi nó chuyển màu khô héo mới thôi.

Thằng Còi quả là một đứa bạn hào phóng, nó sẵn sàng nhường cho chúng tôi những tàu lá mượt mà nhất, những mảnh lá xấu xí, bị sâu hay đã bị xơ tướp qua bàn tay nó vẫn thành chiếc đồng hồ đeo tay vừa vặn, xinh xắn hay chiếc chong chóng quay tít. Cuối buổi chiều trước khi phải về nhà, nó thường cho tôi cả đống đồng hồ, chong chóng của nó bởi cầm về nhà, mẹ nó phát hiện ra việc leo dừa trộm lá thì nó lại “xơi lươn” lằn mông là cái chắc. Còn tôi cứ ung dung mang chong chóng về cắm đầy cánh dại nhà mình và ngắm nó quay tít. Cứ qua một buổi là chong chóng bị héo hỏng không quay nữa, chúng tôi lại phải làm cái mới.

Hôm ấy là một chiều rất đặc biệt, cơn mưa đêm qua khiến nước trong ao đầy mấp mé bờ, cái bẹ hoa dừa đã nứt lộ ra những sợi hoa trắng muốt non mơn mởn to như ngón tay và rất dài. Thằng Còi trèo nhanh như một con sóc và trong nháy mắt nó đã giật được cụm hoa trắng phau ấy xuống. Nó bẻ ra và chia cho mỗi đứa một đoạn, cả lũ chí chóe tranh giành và cãi nhau ỏm tỏi.

Sau này tôi mới biết, cái chùm hoa đó có thể trở thành một buồng dừa sai trĩu chứa đầy nước ngọt và những miếng cùi trắng thơm béo ngậy. Mẩu hoa ngòn ngọt, giòn tan có kèm vị hơi chan chát được cả lũ nhai rau ráu mải mê đến nỗi bác chủ nhà đến đứng ngay cạnh từ bao giờ mà không đứa nào biết. Bác định trói cổ cả lũ lại nhưng vì thiếu dây thừng nên cho tự đi về nhà nhận tội.

Chiều ấy, bọn tôi lấm lét chạy về và biết chắc nhà nào cũng đều có một cây roi chờ sẵn vì cái tin chúng tôi đang sắp bị trói đã bay khắp xóm nhanh như một cơn gió. Tất nhiên thằng Còi là thủ phạm nên nhận được nhiều roi nhất sau cú sang thăm nhà nó của người chủ hàng dừa.

Sau vụ ấy, thằng Còi đã thôi làm “mạnh thường quân” tài trợ “nguyên liệu” làm ra đồng hồ, chong chóng và tránh xa thật xa hàng dừa. Chúng tôi đứa nào cũng bị bắt đi ngủ và cấm ra bờ ao buổi trưa. Những chiếc đồng hồ xanh biếc và đám chong chóng quay tít mù đã không còn được “sản xuất” nữa khiến chúng tôi hơi buồn.

Một phần cũng tại sau khi xơi roi quắn đít, tôi nghe mẹ nói chỗ những cây dừa đứng có rất nhiều ma, buổi trưa chúng hay đi lang thang ven bờ, biến hóa thành con chim bói cá sặc sỡ hay con bướm xinh đẹp, gặp đứa trẻ nào đi đi bêu nắng là dụ xuống ao chơi rồi dìm chết đuối. Nghe tôi kể lại, thằng Còi tỏ ra hơi sợ sệt vì mấy hôm đi bẻ lá dừa một mình, nó có gặp một con chim bói cá xanh biếc đậu trên chiếc cọc tre nhô lên mặt ao chỗ gần hàng dừa.

Có khi đấy chính là con chim ma mẹ tôi kể cũng nên. Thật là may mắn hết sức. Nhưng nó vốn là một một đứa bạo gan, nên một lần đang chơi nặn đất mà hết đất sét, nó bảo cả lũ đứng trên bờ ao canh xem có con chim nào bay đến không trong lúc nó lội xuống ven bờ tìm đất thó xanh dẻo quẹo cho cả bọn nặn đồ hàng. Tất nhiên chỗ này cách khá xa hàng dừa đáng nhớ nên con bói cá không thấy bay qua.

Trò nặn đất thường khiến chân tay, đầu tóc, mặt mũi bị đất thó bám đầy, nên chúng tôi hơi ngại. Nếu bất ngờ bị bố mẹ tìm gọi về thì trở tay không kịp, rửa sạch thứ đất dẻo dính thế này không phải việc dễ dàng. Hết trò, chúng tôi nhặt những cái mo nang dày cộp dưới gốc tre, vừa phe phẩy làm quạt vừa che nắng. Cả bọn nuôi mộng ước có ai đó mang đổi cho mình “ba bò chín trâu” hay chí ít là một con chim đồi mồi hoặc nắm xôi ăn đỡ như trong chuyện cổ tích.

Nhiều năm sau đó, khi đã lớn chúng tôi mới biết những câu chuyện xung quanh hàng dừa xanh ngày ấy. Ví như việc thằng Còi bị phát hiện ngay khi đang trên ngọn cây dừa, tay vừa kịp bẻ chùm hoa hôm ấy nhưng bác chủ nhà đã để yên cho nó trèo xuống. Vì hoa đừa cũng bị bẻ rồi nhỡ nghe tiếng quát, nó ngã từ ngọn cây dừa rơi xuống chỗ cái cọc có con chim bói cá hay đứng thì sao. Để cho chúng tôi chén xong đám hoa dừa rồi về nhà ăn roi kể ra cũng chưa muộn. Cho đến bây giờ câu chuyện về con chim bói cá xanh biếc vẫn còn trong trí nhớ, nhưng thật lâu rồi tôi đã không gặp lại nó, có thể vì hàng dừa xanh đã không còn nữa cũng nên.

THÁI HƯƠNG LIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chong-chong-la-dua-5722763.html