Chồng GS Nguyễn Thị Kim Thanh: 'Tình yêu của chúng tôi là do duyên số sắp đặt'

Ngoài việc là một nhà khoa học tài năng, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh còn có những câu chuyện về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bên người chồng cũng là nhà khoa học - Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Tùng.

LỜI TÒA SOẠN:

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh là giáo sư người Việt đầu tiên tại Trường Đại học University College London (UCL) từ năm 2013, thành viên của 4 viện khoa học tại Vương quốc Anh.

Cuối tháng 4/2024, bà chính thức được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm châu Âu (Academia Europaea - AE) và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia tổ chức khoa học danh tiếng này.

VietNamNet có bài phỏng vấn Giáo sư Lê Đức Tùng, chồng của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, về tình yêu và cuộc sống đời thường của cặp vợ chồng nổi tiếng này.

Thưa giáo sư, ông bà quen biết nhau từ khi nào?

Giáo sư Lê Đức Tùng: Chúng tôi quen biết nhau từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày ấy, khi tôi còn là một cậu sinh viên trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết của khoa Vật lý, tôi đã biết đến Thanh.

Thanh học khoa Hóa, thường đến nhà tôi do chơi cùng với chị tôi. Nhưng khi đấy, tôi còn trẻ quá, không biết để ý đến con gái nên cũng không chú ý đến người ta nhiều (cười).

Duyên số của chúng tôi chỉ đến sau khi ra trường. Sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1991) một thời gian, tôi mới xin được làm thực tập sinh, rồi là nhân viên hợp đồng tại Bộ môn Nhiệt độ thấp (khoa Vật lý) của Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh

Năm 1993, tôi giành được một suất đi làm nghiên cứu sinh ở Hà Lan. Năm 1994, tôi sang Hà Lan, gặp lại Thanh cũng đang học cao học tại đây. Được một thời gian, Thanh sang Anh làm nghiên cứu sinh và chính ở đó, chúng tôi nảy sinh tình cảm.

Năm 1999, chúng tôi về Việt Nam làm đám cưới. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng tình yêu của chúng tôi là do duyên số sắp đặt.

Tại sao ông bà “đến được với nhau” ở Anh chứ không phải là Hà Lan?

Như tôi đã nói, thực sự phải có cơ duyên chúng tôi mới đến được với nhau. Hồi đó, tôi phải sang Anh 2 ngày để dự một hội nghị khoa học. Tôi không quen ai ở đó. Tôi nhớ ra Thanh đang ở Anh nên liên lạc nhờ tìm giúp một chỗ nghỉ.

Kỷ niệm khiến tôi rất nhớ là lúc ấy, tôi mang theo một chiếc balô nhỏ, trong đó có một cái bút, một quyển sổ, một bàn chải đánh răng, một đôi tất và một bộ quần áo. Thanh tròn mắt ngạc nhiên thấy tôi không biết cách tự chăm sóc mình.

Sau này khi có hai đứa con rồi, “mẹ hai cháu” vẫn kể lại và nói nhìn tôi lúc đấy trông rất đáng thương. Ấn tượng mà "mẹ hai cháu" kể, làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.

Giáo sư Lê Đức Tùng và vợ

Giáo sư Lê Đức Tùng và vợ

Quãng thời gian khó khăn sau khi kết hôn

Công việc của ông bà thế nào sau khi kết hôn?

Sau khi đăng ký kết hôn và làm lễ cưới ở Việt Nam được một thời gian, vợ tôi xin được một suất nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) nên phải quay lại Anh làm việc luôn, còn tôi ở lại Việt Nam.

Hai vợ chồng lúc đấy rất muốn được ở gần nhau. Tôi bèn “rải” hồ sơ khắp nơi để tìm việc, cả ở Anh và Mỹ. May mắn, hồ sơ của tôi được Trường Đại học New Orleans ở Mỹ nhận và trao cho tôi một suất postdoc.

Tôi thích lắm, háo hức được sang đó. Vợ tôi biết vậy, nên cũng tìm cách sang Mỹ với tôi. Vợ tôi lên mạng tìm hiểu thông tin về trường New Orleans, thấy có một nhóm nghiên cứu ở trường này khá phù hợp.

Thanh liên hệ và được trưởng nhóm nghiên cứu đồng ý, gửi cho một suất postdoc để sang Mỹ làm việc luôn. Tôi sang Anh chuẩn bị hành lý cùng vợ, rồi hai vợ chồng cùng qua Mỹ.

Thế là hai vợ chồng được sống, làm việc bên nhau tại Mỹ, lúc ấy là năm 2000. Ở New Orleans, tôi làm về vật liệu từ, vợ tôi làm về nano. Vợ tôi muốn làm về từ, để hai vợ chồng có thể trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. Thế rồi, vợ tôi làm về nano từ.

Được khoảng 2 năm, vì một số lý do cá nhân, tôi không thích công việc ở New Orleans nữa nên nhận một công việc khác ở Đại học Warwick (Birmingham, Anh).

Tôi chuyển sang Anh khoảng tháng 3/2003, thì tới tháng 6 - 7/2003 vợ tôi cũng xin được việc ở Đại học Liverpool (Anh). Mỗi người ở một thành phố. Năm 2007, tôi chuyển về Liverpool. Cũng trong năm đó, chúng tôi có con.

Gia đình nhỏ của vợ chồng Giáo sư Lê Đức Tùng - Nguyễn Thị Kim Thanh

Gia đình nhỏ của vợ chồng Giáo sư Lê Đức Tùng - Nguyễn Thị Kim Thanh

Vợ năng động hơn tôi

Trong đời sống cũng như trong công việc, ông đánh giá vợ như thế nào?

Năm 1992, Thanh tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thanh sang Hà Lan làm cao học về hóa, sang Anh làm tiến sĩ về sinh học, ứng dụng về thận. Làm postdoc ở Đại học Aston về hóa dược. Sang Mỹ làm nano từ, là lĩnh vực hóa lý.

Hiện lĩnh vực Thanh làm là “hóa, lý, sinh, dược” kết hợp, rất đa ngành nên phải tìm hiểu cả về sinh, hóa, y, dược. Còn tôi học vật lý, chỉ biết về vật lý thôi.

Vợ tôi từ Mỹ sang Anh năm 2003, viết dự án có đề tài về hạt nano từ, năm 2005 gửi lên Chính phủ Anh để xin học bổng nghiên cứu thì được ngay. Thời điểm này, lĩnh vực đấy còn mới và vợ tôi là người tiên phong.

Vợ tôi là người Việt Nam đầu tiên ở Anh được học bổng Royal Society University Research Fellowship của Viện Hàn lâm dành cho các nhà nghiên cứu xuất sắc.

Tôi chuyển sang nhóm với vợ tôi cùng làm về nano từ. Năm 2009, trung tâm về nano ở Đại học College London (UCL) thành lập, vợ tôi xin về đấy. Do đã có học bổng trên nên họ nhận ngay.

Đầu 2010, cả nhà tôi chuyển về London. Năm 2013, Thanh được phong giáo sư. Trong đời sống cũng như trong nghiên cứu khoa học, nhìn nhận cái mới, Thanh đều nhanh và năng động hơn tôi.

Thanh rất thấu hiểu tôi. Hai vợ chồng luôn hỗ trợ nhau, cùng thương yêu và chăm sóc hai con. Thanh không chỉ là vợ tôi, mẹ của các con tôi, mà còn là một người bạn, một người tri kỷ để tôi chia sẻ mọi thứ trong công việc, cũng như cuộc sống.

Kỷ niệm về con mèo Orleans

Giáo sư có kỷ niệm đáng nhớ nào về cuộc sống của hai vợ chồng không?

Có lần vợ tôi đi vắng, 3 bố con ở nhà ăn cơm tối cùng nhau. Con gái ngày đó mới 5 tuổi hỏi tôi: “Tại sao con mèo nhà mình tên là Orleans?”. Nó là kỷ niệm.

Năm 2001, hai vợ chồng xin được việc ở New Orleans. Nhà cửa vắng vẻ, chỉ có 2 vợ chồng. Một lần người bạn có con mèo đẻ, tôi xin một con mèo con về nuôi đặt tên là Orleans.

Con mèo đen tuyền tình cảm lắm. Mỗi lần đi làm về, từ xa nó đã biết, chạy như tên bắn đứng đợi trước cửa kêu meo meo. Vừa mở cửa vào nhà, nó nhảy tót lên lòng ngồi, tối leo lên giường đòi ngủ với người….

Gia đình giáo sư trong một chuyến du lịch

Gia đình giáo sư trong một chuyến du lịch

Ở New Orleans được 2 năm, tôi sang Anh làm việc, để vợ và con mèo ở lại. Xa nhau, mỗi lần gọi điện, viết thư, hai vợ chồng toàn nói về con mèo. Được khoảng 6 tháng, vợ tôi cũng xin được việc ở Anh, người đi được nhưng con mèo...

Muốn mang mèo sang Anh không dễ. Vợ tôi rất muốn mang con mèo đi cùng nhưng thủ tục, giấy tờ phức tạp. Sang Anh cũng chưa biết thuê nhà ở đâu, nên tôi bảo vợ để mèo lại cho vợ chồng cậu bạn thân.

Năm 2005, bão Katrina đổ vào New Orleans, vợ chồng cậu bạn đi sơ tán, chuẩn bị thức ăn đầy đủ để lại con mèo trong nhà, rồi xảy ra trận lụt khủng khiếp...

Tôi kể đến đây thì con gái òa khóc : “Thôi con biết sự việc thế nào rồi, bố không được kể nữa”. Con gái từ khi sinh ra nhạy cảm giống mẹ. Hồi đấy, nghe tin về con mèo, mẹ cháu cũng khóc mấy ngày, hối hận vì không mang nó sang Anh.

Cảm ơn giáo sư đã chia sẻ!

Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý từ các hiệp hội khoa học, viện hàn lâm uy tín trên thế giới gồm: Giải thưởng "Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023" của Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng (IUPAC), giải thưởng Thomas Graham 2023 của Liên hiệp SCI/RSC gồm Hiệp hội Công nghiệp hóa chất và Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh.

Năm 2022, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh được trao Giải thưởng liên ngành (Interdisciplinary Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh cho những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh.

Năm 2019, bà vinh dự được nhận giải thưởng cao quý "The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019" của Viện Hàn lâm khoa học Vương quốc Anh cho những thành tựu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano.

Nguyễn Quốc - Vũ Hoàng Anh (ghi)

Ảnh: NVCC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chong-gs-nguyen-thi-kim-thanh-tinh-yeu-cua-chung-toi-la-do-duyen-so-sap-dat-2333200.html