Chống khai thác IUU là nhiệm vụ hết sức quan trọng

Chiều nay 25/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến lần thứ 11 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU).

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: Trần Tuyền

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, sau gần 7 năm triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC và qua 4 đợt thanh tra của EC, đến nay Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU; tăng cường công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định Các biện pháp quốc gia có cảng, thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU được tăng cường hơn trước.

Cơ quan chức năng đã khởi tố 12 vụ án hình sự, đang điều tra để khởi tố 3 vụ án liên quan đến VMS. Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay đã có 4.237 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bị xử phạt với trên 109 tỉ đồng...

EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp trung ương.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4.

Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng hơn so với trước. Đến nay, việc đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 91,6%.

Hiện, cả nước còn 7.035 tàu cá “3 không” (không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm). Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.

Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương; xảy ra tình trạng địa phương nào làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU di chuyển sang địa phương khác để cập cảng bốc dỡ thủy sản, ra vào cảng, xuất nhập bến để hoạt động.

Lực lượng chức năng tại một số cảng cá thực hiện chưa nghiêm túc quy định kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, xử lý vi phạm khai thác IUU. Chất lượng ghi nhật ký khai thác vẫn chưa bảo đảm...

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ hết sức quan trọng, liên quan đến lợi ích của ngư dân và hoạt động xuất khẩu thủy hải sản.

Vì vậy, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng cá.

Đồng loạt mở chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt trong công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU. Khẩn trương khắc phục các tồn tại, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không” trước ngày 31/12/2024.

Chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2024 tới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chong-khai-thac-iuu-la-nhiem-vu-het-suc-quan-trong-189263.htm