'Chốt' phương án không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021

Đây là kết quả bỏ phiếu trong phiên họp sáng 5/8/2020 của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Cùng với đó, Hội đồng cũng bỏ phiếu thông qua việc chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ.

Kết quả bỏ phiếu về lương tối thiểu sẽ là cơ sở để Chính phủ ra quyết định chính thức về áp dụng mức lương tối thiểu vùng cho năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ thực hiện theo thành phần mới của Bộ luật Lao động năm 2019. Việc xem xét tiền lương tối thiểu cũng áp dụng theo 7 tiêu chí của Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp và xem xét có thể điều chỉnh hoặc không tăng vào quý I, quý II năm 2021.

Theo các chuyên gia, có 3 căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu là: điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu người lao động và mặt bằng tiền công trên thị trường. Đại dịch Covid-19 khiến tình hình tế gặp nhiều khó khăn, GDP của Việt Nam nếu có tăng cũng chỉ tăng vài phần trăm, CPI cũng không tăng nhiều, năng suất lao động thì cực kỳ thấp, thị trường lao động cuối năm sẽ có thêm nhiều người thất nghiệp.

“Mong muốn của người lao động là được tăng lương nhưng người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này để doanh nghiệp tồn tại và vượt qua khủng hoảng” - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân - nhìn nhận.

Trước đó, ngày 23/6, tại Quảng Ninh, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành họp phiên đầu tiên đưa ra phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Theo đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 là không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Phương án 2, từ 1/7/2021 sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Với phương án này, thời gian tăng lương sẽ chậm hơn so với trước đây 6 tháng.

Sau cuộc bỏ phiếu “chốt” kết quả như trên, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải tiếp tục gặp nhau để làm sao tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa đại diện chủ sử dụng lao động và người lao động.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chot-phuong-an-khong-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-nam-2021-141694.html