Chủ đầu tư đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng xin nộp 2.713 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Ông Thái Bảo Anh, Tổng giám đốc công ty Quảng trường Mê Linh, đã gửi đơn tới Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, tòa án nhân dân cấp cao và các cơ quan trung ương xin nộp 2.713 tỷ đồng…

Khu đất vàng 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1, Tp.HCM, rộng 6.000 m2, nằm trên bốn mặt tiền (đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh).

Đây là số tiền liên quan tới vụ án Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương) và các đồng phạm trong việc chuyển nhượng sai quy định khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, Tp.HCM).

Theo nội dung trong đơn gửi ngày 13/5/2021, ông Thái Bảo Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (Quảng trường Mê Linh), cho rằng trong quá trình xét xử vụ án, công ty Quảng trường Mê Linh được các cơ quan tố tụng xác định là "bên thứ ba ngay tình", nên không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản, không liên quan đến hành vi sai phạm của các bị cáo.

Đồng thời, cơ quan tố tụng cũng đã xác định thời điểm các bị cáo hoàn thành tội phạm là tháng 10/2016 trở về trước. Năm 2017, công ty Quảng trường Mê Linh mới mua lại toàn bộ cổ phần của Sabeco Pearl.

Vì vậy, Công ty Quảng trường Mê Linh (có tỷ lệ 98,53% vốn nước ngoài) làm đơn gửi đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong, tòa án nhân dân cấp cao và các cơ quan trung ương, xin đề xuất nộp 2.713 tỷ đồng.

"Trong mọi trường hợp, sồ tiền này không được hiểu là tiền khắc phục hậu quả cho hành vi phạm tội, mà phải xác định rõ đây là nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với Nhà nước để bổ sung chức năng cho dự án", nội dung trong đơn nêu.

Về vụ việc xảy ra tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, ông Thái Bảo Anh cho rằng, tại bản án sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội đã quyết định giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho Ủy ban Nhân dân Tp.HCM để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên.

“Công ty nhận thấy quan điểm của tòa không chỉ bảo vệ quyền lợi của Nhà nước mà còn tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba ngay tình trong vụ án. Do đó, Công ty kính đề nghị ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM) chỉ đạo cho các cơ quan ban ngành giải quyết theo đúng tinh thần của bản án của Tòa án Nhân dân Tp.Hà Nội", nội dung trong đơn nêu.

Đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, hiện tại, công ty Quảng trường Mê Linh đã được cấp các giấy tờ hợp pháp để thực hiện dự án khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, căn hộ, như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng, phương án kiến trúc xây dựng; công văn của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở và kỹ thuật.

Theo bản án sơ thẩm, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, Tp.HCM) do Sabeco (thuộc Bộ Công Thương) quản lý có diện tích 6.080m2. Ông Vũ Huy Hoàng đã biết khu đất này để sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm... Nhưng năm 2014, ông Vũ Huy Hoàng vẫn chỉ đạo liên doanh, liên kết thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl và góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất để xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại. Việc làm này trái với quyết định của Thủ tướng.

Về phía Ủy ban Nhân dân Tp.HCM cũng đã chấp thuận cho Sabeco Pearl thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm chủ đầu tư dự án và được cấp sổ đỏ đối với khu đất vào tháng 6/2015.

Sau đó, đến tháng 4/2016, ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ 26% vốn góp tại Sabeco Pearl cho 03 cổ đông khác là các doanh nghiệp tư nhân. Giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường lúc đó là 31.611 đồng/cổ phần. Do vậy, sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng cùng cấp dưới và những người liên quan gây thiệt hại hơn 2.713 tỷ đồng cho Nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên 11 năm tù; Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) được thành lập trên cơ sở góp vốn từ tiền của Sabeco (Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) và quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, cùng với 03 đơn vị khác, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Mê Linh (Mê Linh), Công ty cổ phần Attland (Attland) và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (Hà An).

Sabeco Pearl được thành lập để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Tháng 4/2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sabeco Pearl, điều này giúp cho Attland sở hữu 49% vốn Sabeco Pearl và 51% còn lại chia đều cho 02 công ty Hà An và công ty Mê Linh.

Tháng 10/2016, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Tháng 3/2017, 03 cổ đông trên cũng thoái sạch vốn tại Quảng trường Mê Linh cho cá nhân Ngô Văn An (dân tộc Hoa, sinh năm 1977) nắm 98,53% vốn và 02 cá nhân khác nắm 1,47% vốn.

Đến 2018, ông Ngô Văn An từ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Quảng trường Mê Linh để giao lại quyền cho ông Thái Bảo Anh đảm nhiệm các chức vụ trên.

Mộc Minh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-dau-tu-dat-vang-2-4-6-hai-ba-trung-xin-nop-2-713-ty-dong-tien-su-dung-dat.htm