Chủ động bảo vệ đàn cá nuôi mùa nắng nóng

Những năm gần đây, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh liên tục tăng. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và một số nơi tăng mật độ nuôi quá lớn, các bệnh ký sinh cá phát triển đặt ra những thách thức trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 2.100 ha ao, hồ nhỏ nuôi thủy sản truyền thống (cá rô phi đơn tính, cá chép, cá trắm...) với sản lượng gần 9.300 tấn cá/năm. Ngoài ra còn có 400 lồng bè nuôi cá trên sông và hồ chứa với thể tích nuôi 11.128 m3, sản lượng 239 tấn /năm. Với cá nước lạnh, thể tích nuôi đạt 70.559 m3, sản lượng đạt 797 tấn/năm. Những năm qua, ngành thủy sản tỉnh phát triển tương đối mạnh, sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2019, sản lượng thủy sản đạt hơn 10.400 tấn, tăng 19,2% so với kế hoạch. Việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng nuôi thủy sản đã đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nhưng cũng đặt ra những thách thức về kỹ thuật.

Người dân Bảo Thắng chăm đàn cá mùa nắng nóng.

Người dân Bảo Thắng chăm đàn cá mùa nắng nóng.

Thôn Khởi Khe có diện tích nuôi thủy sản thâm canh lớn nhất thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) với hơn 60 ha. Đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá nhưng chưa năm nào người dân trong thôn lại lo lắng, bất an như năm nay. Sự việc xảy ra vào trung tuần tháng 5, nhiều hộ trong thôn tá hỏa vì hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt ao chỉ sau 1 đêm. Ông Bàn Trọng Nghĩa, Trưởng thôn cho biết: Khoảng 7 tấn cá của 10 hộ trong thôn bị chết, chủ yếu là cá chép loại hơn 2 kg/con và cá trắm cỏ loại 4 - 5 kg/con.

Nguyên nhân của hiện tượng trên được xác định là do nắng nóng, thiếu hàm lượng ôxy trong nước. Ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao sẽ khiến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước xuống thấp, trong khi các loại thủy sinh lại tiêu thụ ôxy nhiều hơn, nếu không tăng cường kịp thời ôxy cho nguồn nước sẽ khiến đàn cá chết ngạt. Ngoài ra, thiếu ôxy trong nước còn có thể do nuôi cá mật độ dày, nguồn nước ít được thay thế và lượng thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước trong ao, hồ nuôi cá.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện triển khai các biện pháp giúp người dân hạn chế thiệt hại, như tư vấn các hộ mua máy sục khí tạo ôxy, bảo vệ nguồn nước cung cấp đủ cho các ao, làm giàn che nắng... Đồng thời, vận động người dân giảm đàn, tạo khoảng cách phù hợp trong điều kiện thiếu ôxy, thường xuyên kiểm tra môi trường nước, vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, ngay sau đợt nắng nóng lại là các trận mưa tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao, hồ nuôi, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các đối tượng thủy sản. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các ngành chức năng, môi trường nước mặt ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm các loại khí độc như H2S, NH3 gây tác động xấu đến sự phát triển của thủy sản.

UBND tỉnh đã phải ban hành văn bản số 2276 chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi mùa nắng nóng năm 2020.

Vào mùa hè, nhiệt độ tăng, tốc độ phân hủy các chất hữu cơ nhanh nên việc sử dụng thức ăn cần đặc biệt quan tâm. Thức ăn phải sạch, đủ chất, không bị nấm mốc. Trong những ngày nhiệt độ tăng cao, cần giảm lượng thức ăn trong ngày (từ 30 - 40%) hoặc bỏ cữ ăn vào buổi trưa; những ngày mát thì cho thủy sản ăn nhiều hơn và cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp (sáng sớm và chiều mát), bổ sung vitamin C và khoáng chất tổng hợp vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng.

Để giảm nguy cơ ô nhiễm hữu cơ trong ao, hồ, người nuôi cần cho ăn lượng vừa phải, thu dọn sạch thức ăn dư thừa, thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi một cách từ từ, hiệu quả. Cần chủ động chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao, nguồn nước lấy vào ao phải qua lắng, lọc. Định kỳ dùng vôi nông nghiệp hoặc vôi Dolomite để ổn định pH trong ao, đảm bảo sự phát triển ổn định của sinh vật phù du trong suốt vụ nuôi. Giữ nền đáy ao sạch, có thể hút loại bỏ bùn đáy hoặc xử lý lớp hữu cơ đáy ao bằng vôi bột…

Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trong mùa hè thường xuất hiện những trận mưa rào đột ngột có thể làm thay đổi môi trường ao nuôi, đặc biệt là yếu tố pH. Người nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, có kế hoạch bón vôi quanh bờ ao để tránh hiện tượng xì phèn trước khi có mưa bão. Khi mưa lũ xảy ra, phải kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường (lượng khoảng 2 kg/100 m2 ao), điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước (thay 1/3 tổng thể tích nước trong ao) khi cần thiết.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/chu-dong-bao-ve-dan-ca-nuoi-mua-nang-nong-z3n20200612110812474.htm