Chủ động kiểm soát, xử lý ổ dịch viêm da nổi cục

ĐBP - Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, ca bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh vào ngày 16/4 tại bản Co Muông, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ). Tính đến hết ngày 26/7, bệnh đã lây lan ra 86 thôn bản thuộc 30 xã, với 221 hộ dân thuộc 7 huyện với tổng số gia súc mắc bệnh là 450 con bò và 1 con trâu. Trong đó đã có 11 con bò, bê chết phải tiêu hủy (tổng trọng lượng là 975kg) và có 125 con đã khỏi triệu chứng lâm sàng.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ lấy mẫu của vật nuôi nghi bị bệnh tại bản Na Luống, xã Nà Tấu để xét nghiệm.

Từ ca bệnh đầu tiên ở bản Co Muông, xã Pá Khoang, đến ngày 27/7 trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã có 33 con trâu, bò mắc bệnh của 17 hộ chăn nuôi ở 12 thôn, bản tại 5 xã: Thanh Minh, Pá Khoang, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn. Trong đó đã tiêu hủy 4 con với tổng trọng lượng là 270kg.

Bà Chu Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kinh tế tổng hợp TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trước khi bệnh VDNC xuất hiện trên địa bàn thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp tỉnh, Trung tâm đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã chủ động, tăng cường kiểm soát. Cán bộ trung tâm tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi trâu, bò cách nhận biết bệnh VDNC; biện pháp phòng, chăm sóc gia súc mắc bệnh. Ngay khi có ca bệnh VDNC đầu tiên xuất hiện, cán bộ Trung tâm đã trực tiếp hướng dẫn người dân cách ly, chăm sóc đến nay con bò bị bệnh đầu tiên đã khỏi các triệu chứng lâm sàng. Để dịch bệnh không lây lan, đối với những xã đang có dịch, tập trung nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch. Đối với những xã, phường chưa có dịch cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, hạn chế tới mức tối đa dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.

Tại huyện Tuần Giáo, ngày 10/5 xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Tỏa Tình, đến nay đã lan ra 8 xã với 496 con trâu, bò mắc bệnh. Tuy nhiên, gia súc mắc bệnh được phát hiện sớm và chăm sóc đúng phương pháp, hợp lý đã có 232 con trâu, bò mắc bệnh khỏi triệu chứng lâm sàng. Để chủ động, kiểm soát dịch bệnh người dân trong toàn huyện chủ động mua hơn 1.000 liều vắc xin VDNC để tiêm cho đàn trâu, bò.

Từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh VDNC có chiều hướng lây lan mạnh hơn, dự báo dịch sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi và tăng thêm số gia súc mắc bệnh tại các ổ dịch đã xuất hiện và các ổ dịch mới do đang trong cao điểm mùa mưa ẩm, hoạt động của các loại côn trùng hút máu (ruồi, muỗi, ve mòng) gia tăng; bên cạnh đó, do 90% hộ chăn nuôi chủ yếu chăn thả tự nhiên.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Bệnh VDNC trên trâu, bò là loại bệnh do vi rút gây ra, do đó tiêm vắc xin là biện pháp chủ động, hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Theo thống kê của Chi cục thì với số gia súc bị bệnh như hiện nay thì trung bình mỗi xã không quá 10 con và tỉ lệ khỏi bệnh là 60%, tỷ lệ chết 2 - 3%. Để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả dịch bệnh VDNC phát sinh, lây lan trên diện rộng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các hộ chăn nuôi trên địa bàn đang có dịch cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc ốm; không buôn bán; không vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ốm, chết; không vứt xác gia súc chết ra môi trường. Tăng cường chăm sóc cho đàn trâu, bò như thêm thức ăn tinh, thức ăn xanh, muối, khoáng, vitamin… trong khẩu phần ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng; định kỳ tẩy giun sán, phòng trị ký sinh trùng đường máu, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, hàng ngày thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động mua thuốc phun tiêu diệt côn trùng là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Đối với gia súc đã mắc bệnh VDNC thì các biện pháp hộ lý, chăm sóc để tăng sức đề kháng cho vật nuôi là biện pháp căn cơ giúp hạn chế tỷ lệ trâu, bò chết do mắc bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian phục hồi, giảm tổn thất kinh tế do bệnh gây ra. Vì vậy, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh người dân cần cách ly, nuôi nhốt gia súc ốm tại chuồng; tăng cường chăm sóc, bổ sung đầy đủ thức ăn nhất là các loại thức ăn xanh, mềm, dễ tiêu, bổ sung tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày; sử dụng các loại thuốc trợ sức, trợ lực tăng sức đề kháng cho gia súc, sử dụng các loại kháng sinh phù hợp để bôi vào vết loét.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189148/chu-dong-kiem-soat-xu-ly-o-dich-viem-da-noi-cuc