Chủ động nắm, quản lý tư tưởng chiến sĩ mới

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều năm làm công tác quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới (CSM), Trung tá Lê Văn Vũ, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) cho rằng: 'Những năm gần đây, CSM nhập ngũ vào đơn vị có phẩm chất đạo đức và chất lượng chính trị, nhân thân tốt, nhiều đồng chí có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học đã xác định tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực của xã hội và do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít CSM sau khi nhập ngũ có hiện tượng trầm cảm, tự kỷ, tâm lý căng thẳng, lo âu thái quá... dẫn đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chưa cao”.

Để khắc phục hiện tượng này, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác rà soát chất lượng chính trị, kiểm tra lại sức khỏe của CSM; hiệp đồng chặt chẽ với địa phương để chủ động quân số bù đổi trong thời gian quy định. Ngay sau khi tiếp nhận CSM nhập ngũ, các đơn vị nhanh chóng ổn định biên chế; tổ chức nắm lý lịch, sở trường, sở đoản; sơ bộ phân loại chất lượng tư tưởng bộ đội; hướng dẫn CSM viết vào phiếu “tự bạch” tất cả những mối quan hệ cá nhân và công việc trước khi nhập ngũ. Cán bộ các cấp, nhất là cấp trung đội, đại đội phải nắm được số điện thoại của gia đình, tài khoản mạng xã hội của CSM để có biện pháp quản lý tư tưởng ngay từ đầu.

 Cán bộ của Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) hướng dẫn chiến sĩ mới sắp đặt nội vụ vệ sinh.

Cán bộ của Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) hướng dẫn chiến sĩ mới sắp đặt nội vụ vệ sinh.

Trung úy Bùi Văn Tuyên, Chính trị viên Đại đội 10 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141) chia sẻ: “Chúng tôi tìm hiểu chất lượng chính trị, tư tưởng của CSM bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, như: Tìm hiểu qua tài khoản mạng xã hội chiến sĩ sử dụng, liên hệ với gia đình, địa phương, bạn bè, đồng hương và qua thái độ, hành vi, biểu hiện, nếp sống sinh hoạt của bộ đội. Sau đó, chúng tôi phân loại chiến sĩ theo từng nhóm. Đối với chiến sĩ thuộc nhóm “cá biệt”, chúng tôi chủ động gặp gỡ, tìm hiểu thêm thông tin để có biện pháp uốn nắn, động viên, giúp đỡ ngay từ đầu”.

Đến Trung đoàn 165, chúng tôi thấy Thượng úy Trần Văn Cường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 5 đang nghiên cứu văn bản về dấu hiệu nhận biết các vấn đề tư tưởng và gợi ý biện pháp xử lý do Phòng Chính trị Sư đoàn biên soạn, ban hành. Văn bản này là tổng hợp các tình huống tư tưởng thường gặp và cách xử lý, được cấp cho cán bộ cơ sở để vận dụng. Đây được coi là cuốn “cẩm nang” giúp cán bộ phân đội tham khảo, xử lý hiệu quả các tình huống tư tưởng phát sinh trong thực tiễn. Trong văn bản đã tổng hợp những tình huống tư tưởng thường gặp, có hướng dẫn đầy đủ, cụ thể nội dung, cách thức, phương pháp giải quyết tư tưởng trên từng tình huống, từng mặt công tác; nhất là những biện pháp, cách thức để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng và giải quyết vấn đề về tư tưởng của CSM...

Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 312 khẳng định: “Quản lý tư tưởng cán bộ, chiến sĩ nói chung và quản lý tư tưởng CSM nói riêng là việc làm không hề đơn giản. Bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên đánh giá, dự báo được tình hình diễn biến tư tưởng của CSM từ sớm, từ xa; trên cơ sở đó đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp, phát huy nhân tố tích cực, ngăn chặn mầm mống phát sinh tư tưởng tiêu cực và hành động sai trái của bộ đội”.

Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chu-dong-nam-quan-ly-tu-tuong-chien-si-moi-719038