Chủ động ngăn ngừa ùn tắc và tai nạn giao thông

Hiện nay, do dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi lại, tham gia giao thông trên cả nước tạm thời bị hạn chế. Thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng cao. Do đó, các đơn vị chức năng cần chuẩn bị các biện pháp, phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), tổ chức giao thông hợp lý, góp phần kiềm chế các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

TP Hà Nội đã tạm dừng lễ hội chùa Hương để phòng, chống dịch Covid-19.

TP Hà Nội đã tạm dừng lễ hội chùa Hương để phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, do dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu đi lại, tham gia giao thông trên cả nước tạm thời bị hạn chế. Thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng cao. Do đó, các đơn vị chức năng cần chuẩn bị các biện pháp, phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), tổ chức giao thông hợp lý, góp phần kiềm chế các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Tai nạn dịp Tết giảm mạnh

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 10-2 đến 16-2), TNGT giảm sâu cả ba tiêu chí. Theo thống kê của các đơn vị chức năng, cả nước xảy ra 182 vụ TNGT, làm chết 109 người, bị thương 123 người. So bảy ngày Tết Nguyên đán năm Canh Tý 2020, TNGT giảm 16 vụ (gần 8,1%), 24 người chết (hơn 18%) và 51 người bị thương (29,3%). Tuy nhiên, dịp Tết đã xảy ra ba vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 10 người chết và ba người bị thương tại địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai), thị xã An Nhơn (Bình Ðịnh) và huyện Ðức Linh (Bình Thuận). Trong những ngày Tết, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và có lực lượng hướng dẫn giao thông; người dân chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm, đồng thời với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại và không tụ tập đông người. Nhờ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài đã giảm đáng kể, chỉ xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí, tuyến đường trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào ngày đầu và các ngày cuối kỳ nghỉ Tết.

Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm trật tự ATGT, xử lý 16.758 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 17,1 tỷ đồng, tạm giữ 101 ô-tô, 4.642 mô-tô, tước 1.930 giấy phép lái xe. Trong dịp Tết Nguyên đán, số lượt người dân phản ánh tới đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia cũng giảm đáng kể, nội dung chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, tăng giá trông giữ xe, vi phạm quy định nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,… Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân từ Ủy ban ATGT quốc gia, các đơn vị chức năng đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm các quy định về vận tải; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với nhà xe yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Vấn đề nổi cộm thường xảy ra trong dịp Tết nhiều năm qua là tình trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển mô-tô, xe máy, ô-tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðiển hình vừa qua là vụ TNGT tại Gia Lai vào tối mồng 3 Tết làm bốn người chết và một người bị thương. Nạn nhân là những thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy. Ngoài ra, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe đăng ký kinh doanh hợp đồng để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, nhất là trên các tuyến có đông hành khách về quê ăn Tết và trở lại nơi làm việc nhằm vào đối tượng khách đón xe dọc đường, không kê khai, không đăng ký giá vé, thu tiền trực tiếp của hành khách với mức giá tùy tiện, không có chứng từ, không có bảo hiểm, trái quy định pháp luật.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng ngoài tuyên truyền về ý thức tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, còn cần hướng dẫn người dân tự thực hiện các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông trong mùa lễ hội. Thí dụ, các đơn vị trong ngành hàng không đã phổ biến pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn và kiến thức phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia giao thông cho người dân nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức an ninh, an toàn hàng không dân dụng trong cộng đồng xã hội, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, nhất là tại hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ngành đường sắt giám sát đội ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu, tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở; tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế điện tử đối với hành khách đi tàu; hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn với những người chung quanh.

Ðể bảo đảm trật tự ATGT và ngăn ngừa lây lan dịch Covid-19 trong hoạt động giao thông, vận tải, Ủy ban ATGT quốc gia đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ban ATGT các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NÐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Công điện 1711/CÐ-TTg ngày 7-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19. Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Trọng Thái cho biết, lực lượng chức năng đã vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT và phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp "Ðã uống rượu, bia - không lái xe"; đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và Thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế).

Ngoài ra, người dân tham gia giao thông cần phản ánh kịp thời qua "đường dây nóng" về tình hình giao thông, những hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch của người điều khiển phương tiện vận tải công cộng, đơn vị kinh doanh vận tải. Các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng,… và đơn vị vận tải tuân thủ việc cung cấp thông tin hoạt động của phương tiện, hành khách tham gia giao thông. Lực lượng chức năng cần tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ; chở quá tải trọng hàng hóa, chở quá số người quy định, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ,…

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/chu-dong-ngan-ngua-un-tac-va-tai-nan-giao-thong-636012/