Chủ động nguyên liệu để sản xuất tinh dầu tràm

Thay vì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu cây tràm gió được thu hái ngoài tự nhiên, anh Nguyễn Thành Công ở tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã tự tìm hiểu và đưa vào trồng thử nghiệm gần 3 ha giống tràm năm gân. Mặc dù mới hơn 18 tháng trồng và chăm sóc nhưng giống tràm năm gân đã cho thấy sự thích ứng với điều kiện tự nhiên, hàm lượng tinh dầu cao, mở ra triển vọng cho nghề sản xuất tinh dầu tràm trên địa bàn tỉnh.

 Anh Nguyễn Thành Công chăm sóc mô hình trồng giống tràm của mình

Anh Nguyễn Thành Công chăm sóc mô hình trồng giống tràm của mình

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng giống tràm năm gân của mình, anh Công cho biết, gia đình anh có hơn 15 ha diện tích đất rừng, trong đó có gần 3 ha do nằm dưới đường dây điện 220 kV nên không được phép trồng các loại cây lâm nghiệp như keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng… mà chỉ được phép trồng các loại cây có chiều cao thấp như sắn, lạc… có giá trị kinh tế không cao. Trước thực trạng đó, đầu năm 2019, sau khi tìm hiểu anh đã đưa vào trồng 3 ha giống tràm năm gân. Đây là giống tràm mới lần đầu tiên được trồng trên địa bàn tỉnh. Mặc dù chỉ mới hơn 18 tháng trồng và chăm sóc nhưng theo đánh giá, giống tràm năm gân đã cho thấy sự thích hợp với đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt. Hiện lứa tràm trồng đầu tiên đã được anh Công khai thác và đưa vào chưng cất tinh dầu. Kết quả cho thấy hàm lượng tinh dầu trong giống tràm năm gân cao hơn nhiều lần so với giống tràm gió địa phương. “Để chưng cất được 1 lít tinh dầu tràm đối với giống tràm gió địa phương cần phải mất khoảng 3 tạ nguyên liệu, trong khi với giống tràm năm gân này tôi chỉ cần khoảng 1 – 1,2 tạ nguyên liệu. Chất lượng, mùi vị cũng được đánh giá cao hơn”, anh Công cho hay.

Theo anh Công, hiện nay các cơ sở sản xuất tinh dầu trên địa bàn tỉnh chủ yếu thu mua nguyên liệu là cây tràm gió hoặc cây chổi từ ngoài tự nhiên để chưng cất tinh dầu tràm. Tuy nhiên, do là giống bản địa, mọc tự nhiên nên chất lượng nguyên liệu không đồng đều, hàm lượng tinh dầu khác nhau tùy theo khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương. Trong khi giống tràm năm gân là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc. Cây sống thích hợp ở mọi biên độ sinh thái, sống khỏe ở trên các loại đất thịt, cát, đồi, ẩm, vùng ngập nước và cả trên những vùng đất đồi khô hạn, khí hậu khắc nghiệt. Tại Việt Nam, giống tràm năm gân đã được trồng thử nghiệm thành công ở Ba Vì (Hà Nội), Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và Thạnh Hóa (Long An).

Kỹ thuật trồng cũng đơn giản, chỉ cần đào hố, bón lót bằng phân chuồng và phân NPK, sau đó trồng cây giống xuống. Anh Công cho biết, tại diện tích trồng giống tràm năm gân của mình, với mật độ trồng 10.000 cây/ha, sau hơn 1,5 năm trồng và chăm sóc đúng quy trình, cây đạt chiều cao từ 1 – 1,5 m thì bắt đầu cho thu hoạch lá để chưng cất tinh dầu. Để đảm bảo an toàn khi trồng dưới đường dây điện cao thế, khi thu hoạch lá lần đầu tiên anh dùng dao sắc chặt ngang thân chỉ để lại cách gốc khoảng 0,5 m và tập trung chăm sóc để cây ra nhánh lại cho các lần thu hoạch sau. Với cây tràm năm gân này nếu chăm sóc tốt một năm có thể cho thu hoạch lá luân phiên 2 lần, năng suất một lần cắt từ 0,4 – 0,5 kg/cây, tương đương 4 – 5 tấn/ha và cho thu hoạch liên tục trong 20 – 30 năm.

Với hàm lượng tinh dầu trong lá cây tràm năm gân đạt từ 1,5 – 2%, cao gấp 2 – 2,5 lần so với giống tràm gió địa phương thì lượng tinh dầu được chiết từ lá tràm năm gân là 0,8 – 1 lít/tạ, trong khi đó lượng tinh dầu từ lá tràm tràm gió chỉ đạt 0,3 lít/tạ. Hiện anh Công đã đầu tư xây dựng một lò nấu tinh dầu tràm để chưng cất tinh dầu từ giống tràm năm gân mà mình đang trồng. Sản phẩm tinh dầu tràm của anh cũng đã có đơn vị cam kết thu mua với giá 2,5 triệu đồng/lít. Ước tính một héc ta trồng giống tràm năm gân cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ năm. “Xét về kinh tế thì hiệu quả cao hơn hẳn, về chất lượng và sự sinh trưởng cũng nhanh hơn nhiều lần so với trồng giống tràm gió địa phương”, anh Công khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh đánh giá rất cao mô hình trồng giống tràm năm gân của anh Nguyễn Thành Công. Theo ông Sinh, toàn xã có hơn 2.700 ha diện tích đất trồng rừng, tuy nhiên trong đó có gần 35 ha nằm dưới đường dây 500kV và 220 kV nên không được phép trồng các loại cây lâm nghiệp; ngoài ra còn có hơn 220 ha diện tích trồng sắn có hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó diện tích diện tích cây tràm gió trên địa bàn huyện Hải Lăng nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang ngày càng thu hẹp. Để có nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm, các lò chưng cất phải đến các các địa phương lân cận mua về. Do vậy, nếu giống tràm năm gân được đưa vào trồng đại trà sẽ mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân. “UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên mở các lớp tập huấn, tổ chức cho hội viên, đoàn viên thanh niên tới tham quan tìm hiểu mô hình trồng giống tràm năm gân của anh Công. Đồng thời có chính sách hỗ trợ về cây giống cho người dân trong việc nhân rộng mô hình này”, ông Sinh cho hay.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147834