Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng xen kẽ cộng với nhiệt độ và độ ẩm cao là điều kiện hết sức thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực và hiệu quả.

 Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: L.A

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: L.A

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Đakrông, tổng đàn trâu, bò toàn huyện hiện có hơn 14.000 con; đàn gia cầm hơn 90.000 con. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, địa bàn rộng, người dân chủ yếu chăn nuôi theo phương thức thả rông, tận dụng vườn đồi, đầu tư chuồng trại chưa bảo đảm, công tác tiêm phòng cũng như tiêu độc khử trùng chưa thực sự được người dân quan tâm. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm 2020, Trạm CN&TY huyện Đakrông đã tích cực tham mưu UBND huyện trong việc hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, phân bổ 120 lít hóa chất cho các địa phương để tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2020; cử cán bộ trực tiếp về các địa phương có đàn vật nuôi lớn và có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống như tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, khu vực chợ, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm..., chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Trạm Trưởng Trạm CN&TY huyện Đakrông Hoàng Đình Chiến thông tin, song song với công tác tiêu độc khử trùng, trạm đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi vụ xuân năm 2020, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương. Cụ thể, các chủng loại vắc xin tiêm phòng bao gồm vắc xin lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng cho trâu, bò, vắc xin kép (tụ huyết trùng - phó thương hàn), dịch tả cho đàn lợn và vắc xin tiêm phòng dại chó. Thời gian tiêm phòng chính vụ bắt đầu từ 15/3 - 30/3/2020; rà soát, tiêm phòng bổ sung những nơi tiêm chưa đạt và tiêm nhắc lại mũi 2 cho những gia súc mới tiêm vắc xin LMLM lần đầu vào tháng 4. “Đến nay cơ bản trên địa bàn huyện đã thực hiện xong công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đối với công tác tiêm phòng vắc xin, trạm đã quán triệt đến từng nhân viên thú y kế hoạch tiêm phòng, quy trình bảo quản, sử dụng vắc xin; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn cụ thể để hỗ trợ kỹ thuật; đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại hóa chất, vắc xin cho các địa phương để đảm bảo thực hiện công tác tiêm phòng đúng theo kế hoạch đã đề ra”, ông Chiến cho biết thêm.

Hải Lăng là một trong những địa phương có đàn vật nuôi rất lớn với gần 12.700 con lợn, hơn 5.700 con trâu, bò, hơn 460.000 con gia cầm các loại. Để hạn chế đến mức thấp nhất những dịch bệnh có thể xảy ra, cùng với việc thường xuyên triển khai tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đàn vật nuôi và các khu vực công cộng, Trạm CN&TY huyện Hải Lăng còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch thông qua tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, trong quá trình chăm sóc cần thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi; khi có biểu hiện hoặc nghi bị dịch bệnh thì không giấu bệnh mà cần báo sớm cho cơ quan chuyên môn và chính quyền để xử lý, khoanh vùng dập dịch sớm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan rộng...

Trạm trưởng Trạm CN&TY huyện Hải Lăng Trần Quốc Lượng cho biết, sau Tết Nguyên đán, thời tiết ấm dần lên là điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi mua con giống, tập trung tái đàn, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, ban ngày trời nắng ấm, ban đêm nhiệt độ thấp, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát, nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Ông Lượng cho biết thêm, để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt kết quả cao, trạm đã phân bổ 320 lít hóa chất cho các địa phương để thực hiện tiêu độc khử trùng, triển khai tiêm phòng vụ xuân trên đàn vật nuôi từ tháng 3 đến hết tháng 5/2020. Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, trạm đã tích cực phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê đầy đủ đàn vật nuôi thuộc diện phải tiêm phòng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, phương tiện, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng; tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo quy định. Phân công cán bộ thú y thường xuyên bám sát cơ sở, phát hiện sớm các ổ dịch nếu xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế lây lan, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân. UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương hướng dẫn người chăn nuối khử trùng chuồng trại định kỳ bằng hóa chất, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong phòng, chống dịch.

Theo Chi cục CN&TY, toàn tỉnh hiện có hơn 127.500 con lợn; gần 78.800 con trâu, bò và khoảng 3,05 triệu con gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả bò; bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước, công tác phòng, chống dịch bệnh đã và đang được Chi cục CN&TY, các địa phương và người chăn nuôi trong toàn tỉnh chủ động triển khai. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, chi cục đã cấp 2.000 lít hóa chất cho 9 huyện, thị xã, thành phố để phun tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; triển khai kế hoạch tiêm phòng vụ xuân; đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Phân công cán bộ kỹ thuật và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh nếu xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147273