Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc

Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp về phòng, chống rét cho gia súc, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, nhằm giảm thiệt hại mức thấp nhất cho người chăn nuôi.

Người dân xã Long Hẹ (Thuận Châu) phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.

Người dân xã Long Hẹ (Thuận Châu) phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.

Xã Tông Cọ là một trong những xã có đàn gia súc lớn nhất, nhì huyện Thuận Châu với hơn 5.600 con. Để đàn gia súc không bị chết do đói, rét, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi dự trữ các loại thức ăn và gia cố chuồng nuôi nhốt. Đặc biệt, đối với những gia súc già, yếu, còn non, cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Ông Lò Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để phòng chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông, xã đã rà soát, tuyên truyền, vận động 100% hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhốt trong vụ rét, đồng thời phân loại gia súc để có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng. Nhờ chủ động trong phòng chống rét, những năm gần đây, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc đã được nâng lên, không có tổn thất về vật nuôi.

Nhiều năm qua, chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Lò Văn Toan, bản Thúm, xã Tông Cọ. Với kinh nghiệm gần 10 năm trong chăn nuôi, mỗi khi mùa đông đến, gia đình anh chủ động gia cố lại chuồng trại; tích trữ rơm, ngô, cám gạo và trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn tươi cho đàn bò; thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn bò theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Vì vậy, nhiều năm qua, đàn bò của gia đình anh Toan luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Anh Toan chia sẻ: Hiện, gia đình có 25 con bò, đây cũng là tài sản lớn nhất, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Vì vậy, việc bảo vệ đàn bò, nhất là vào mùa đông được gia đình đặc biệt quan tâm thực hiện. Để đàn bò không bị đói, rét trong mùa đông, gia đình thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, quây bạt kín tránh gió lùa, khi nhiệt độ xuống thấp, tuyệt đối không thả rông đàn bò.

Còn tại các xã vùng cao như: Co Mạ, Long Hẹ, Mường Bám, Pá Lông, những năm gần đây, bà con đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, trung bình mỗi xã duy trì từ 2.000 - 3.000 con, có xã lên đến hơn 4.000 con. Với đặc thù của xã vùng cao, khí hậu khắc nghiệt, thời gian rét thường kéo dài, có sương muối, băng tuyết, ảnh hưởng lớn đến đàn gia súc. Trong khi đó, một số người dân vẫn có thói quen thả rông gia súc trong rừng. Nhận thức rõ vấn đề, ngay từ đầu mùa đông, các xã đã chỉ đạo các bản tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình diễn biến thời tiết, có biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, chủ động nhốt gia súc vào chuồng, không thả rông ra bãi, lên rừng. Ông Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, thông tin: Ngay từ khi có chỉ đạo của cấp trên, xã đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của xã và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình đàn gia súc trên địa bàn, hướng dẫn người dân chuẩn bị thêm các loại thức ăn tinh bột, nước muối ấm để chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc.

Trên địa bàn huyện Thuận Châu hiện có trên 87.300 con gia súc, trong đó 17.780 con trâu, 45.280 con bò và 3.600 con ngựa. Chủ động trong phòng, chống đói, rét cho gia súc, những năm gần đây, hầu hết các gia đình đều đã xây dựng chuồng trại, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho đàn gia súc và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô, đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi..., góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-doi-ret-cho-dan-gia-suc-35381